Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Bất động sản: Cuối 2009 mới hồi phục?

Có thể đến cuối 2009 thị trường BĐS mới hồi phục, dù nhu cầu BĐS vô cùng lớn nhưng rất khó mua bán vì giá cao trước kia là giá ảo, giá thấp quá bây giờ cũng là giá ảo.


Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản TP HCM xuống giá trầm trọng đẩy nhiều doanh nghiệp vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng cũng tạo cơ hội phát triển cho những doanh nghiệp mạnh.
Theo NHNN Chi nhánh TP HCM, hiện các doanh nghiệp bất động sản TP HCM đang chiếm đến 50% tổng vốn các ngân hàng cả nước, với số vốn khoảng 61.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.
Tính đến tháng 10/2008, toàn thành phố còn 151 dự án còn dở dang do thiếu vốn, ngân hàng cam kết cho vay 14.388 tỷ đồng, đã giải ngân 9.320 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản TP HCM hiện vô cùng khó khăn do các nguyên nhân chủ yếu: Thiếu vốn, thị trường bị ngừng trệ, phải chịu lãi suất vay cao và đáo hạn nợ vay, giá vật liệu xây dựng tăng quá cao trong những tháng trước đây.
Việc NHNN giảm lãi suất cơ bản xuống 11% là một tin vui, nhưng lãi suất này vẫn còn quá cao vì các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải vay với lãi suất trên dưới 16%/năm, không thể vay đầu tư phát triển các dự án mới mà chỉ vay để tiếp tục hoàn tất dự án, công trình hiện hữu.
Bà Dương Thị Bạch Diệp - giám đốc công ty TNHH Diệp Bạch Dương thì chia sẻ: Hiện các sàn giao dịch, các trung tâm môi giới bất động sản tại TP HCM đang hoạt động cầm chừng. Thị trường bất động sản Việt Nam đang có tỷ lệ rất lớn các nhà đầu cơ mua đi bán lại, không có vốn tự có hoặc có rất ít, chủ yếu dùng vốn vay.
Trước đây, họ đã đầu cơ các căn hộ chung cư, đất dự án hi vọng bán lại với giá cao nhưng khi giá bất động sản ngày càng xuống (hiện chỉ còn khoảng 30 - 40% trước kia) họ lâm vào tình cảnh bán thì lỗ quá nặng, giữ lại thì phải trả nợ vay lãi suất cao, đã đến thời kỳ đáo hạn...
Những kiểu làm ăn như vậy tất yếu phá sản. Dù trong dư nợ cho vay bất động sản, nợ xấu mới chiếm có 2,5%, nhưng theo bản thảo luận chính sách số 3, do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Harvard và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright xây dựng hoàn thành trong tháng 9/2008, thì đến khoảng cuối năm nay, một số lượng rất lớn vốn vay bất động sản đến hạn điều chỉnh chịu lãi suất thêm 8 - 9 điểm phần trăm so với lãi suất vay ban đầu. Như vậy, có thể sẽ có một làn sóng doanh nghiệp bất động sản phá sản.
Được biết, HoREA vừa có văn bản kiến nghị với NHNN, Bộ Tài chính, UBND TP HCM một số giải pháp cứu thị trường bất động sản. Theo đó, đề nghị Chính phủ và NHNN giảm tiếp lãi suất cơ bản, để doanh nghiệp bất động sản có thể vay với lãi suất khoảng từ 0,85% - 1,1%/tháng. Cho doanh nghiệp được - giãn- gia hạn- cơ cấu lại nợ, có thêm tín dụng trung hạn, dài hạn và cho doanh nghiệp vay tiếp.
Cần lập ngay một Quỹ tài chính đặc biệt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản và khách hàng cần tìm tiếng nói chung vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cần cho phép doanh nghiệp huy động vốn của khách hàng nếu DA được duyệt, đã giải phóng mặt bằng, đã duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và đã nộp tiền sử dụng đất.
Cho doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án, Nhà nước thu thuế mỗi lần chuyển nhượng. Cho doanh nghiệp được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ giao đất, (đã có quy định trong Nghị định 84/2007/NĐ-CP) hoặc tiến độ đầu tư (hiện chưa có quy định pháp luật) để giảm bớt áp lực tài chính đối với doanh nghiệp khi chưa khai thác được sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ kích cầu thị trường bất động sản thông qua thực hiện chương trình nhà ở xã hội, căn hộ chung cư giá rẻ, nhà tái định cư...
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 – 2009. Đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở và các nghị định liên quan cho phép xây dựng căn hộ thương mại tối thiểu 20 m2 (hiện nay quy định tối thiểu 45 m2), sửa đổi Nghị định 153/2007/NĐ-CP thông thoáng hơn...
Nhiều doanh nghiệp bất động sản nhận định không phải tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều khó khăn. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp vẫn đang triển khai nhiều dự án, thậm chí triển khai ra cả nước ngoài như Thuduc House... Hoặc chuyện công ty TNHH Diệp Bạch Dương vừa mới mua căn nhà số 257 Cao Thắng quận 3, với số tiền 255,374 tỷ đồng...
Rõ ràng, thời điểm này cũng là thời cơ các doanh nghiệp bất động sản có vốn mạnh mua được bất động sản với giá rẻ. Bà Diệp cho rằng, bất động sản mất giá hiện chủ yếu tập trung vào căn hộ chung cư, đất dự án ngoại thành, còn những khu đất nội thành, vị trí tốt thì luôn có giá cao, kinh doanh loại đất này rất ổn định. Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang lùng mua những khu đất nhiều tiềm năng.
Theo bà Diệp và nhiều doanh nghiệp trong ngành thì có thể đến cuối năm 2009 thị trường bất động sản mới hồi phục, dù nhu cầu bất động sản vô cùng lớn nhưng rất khó mua bán vì giá cao trước kia là giá ảo, giá thấp quá bây giờ cũng là giá ảo.
Giá hợp lý có thể bằng 50% giá thời điểm cao nhất. Thị trường bất động sản Việt Nam chỉ mới phát triển, nhu cầu nhà ở đang vô cùng lớn, khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, ông Lê Hoàng Châu nhận xét.


(Diễn đàn doanh nghiệp)