Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Nới lỏng tiền tệ thận trọng lúc này là hợp lý

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐHKT - ĐHQGHN.
Khi lạm phát đã có dấu hiệu chững lại và xuất hiện những dấu hiệu suy thoái thì việc nới lỏng tiền tệ một cách từ từ là hợp lý...


TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR) - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích về các chính sách điều chỉnh lãi suất của ngân hàng nhà nước và tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế.
Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành bốn quyết định điều chỉnh lãi suất, ông bình luận gì về động thái này?
Việc giảm lãi suất cơ bản lần này là một động thái rõ ràng nhất của NHNN kể từ mấy tuần vừa rồi trong việc bắt đầu nới lỏng tiền tệ. Động thái đầu tiên, nhưng khá dè dặt, diễn ra vào ngày 25/9/2008, khi NHNN ra Quyết định 2133/QĐ-NHNN với hai nội dung quan trọng là tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 3.6% lên 5% và cho phép các NHTM được cầm cố tín phiếu NHNN bắt buộc phát hành ngày 17/3/2008 để vay vốn, chiết khấu tại NHNN.
Quyết định số 2317/QĐ-NHNN mà hiệu lực thi hành có từ ngày hôm nay (21/10/2008) về cơ bản có tác dụng tăng thanh khoản cho hệ thống NHTM, giảm chi phí vốn vay và tăng cung tín dụng cho nền kinh tế.
Theo tôi, trong thời điểm hiện nay, khi lạm phát đã có dấu hiệu chững lại, và đặc biệt là nền kinh tế đang có dấu hiệu lâm vào suy thoái (một phần do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái toàn cầu), thì việc nới lỏng tiền tệ một cách từ từ là hợp lý.
Có ý kiến cho rằng phải để lạm phát xuống thấp hẳn mới nên nới lỏng, tôi cho rằng như vậy là quá cứng nhắc và hậu quả có thể là nghiêm trọng. Thực ra vấn đề không nằm nhiều ở chỉ số lạm phát, mà nằm trong tình trạng thực của nền kinh tế. Chống lạm phát thông qua thắt chặt tiền tệ thực chất là tạo ra một cuộc suy thoái nhẹ nhân tạo.
Tuy nhiên, khi cuộc suy thoái ấy bị giáng thêm một đòn bất ngờ từ những diễn biến rất xấu của cuộc khủng hoảng toàn cầu trong mấy tuần vừa rồi, thì chúng ta nên rút lại những nguyên nhân gây suy thoái chính từ bên trong chúng ta. Do đó, tôi cho rằng bắt đầu nới lỏng tiền tệ một cách thận trọng lúc này là linh hoạt và thích hợp.
Vậy chính sách nới lỏng tiền tệ một cách thận trọng sẽ có tác động ra sao đến tình hình lạm phát, thưa ông?
Nếu trong điều kiện bình thường, giảm lãi suất thì về cơ bản mức giá chung có cơ sở để tăng sau đó một thời gian. Tuy nhiên, tôi ngờ rằng chúng ta đang tiến tới một cuộc suy thoái, mà như thế tình trạng lạm phát rất có thể chuyển hóa sang tình trạng giảm phát (mức giá chung giảm). Nguyên nhân có thể do sự đổ vỡ hay suy sụp của hệ thống doanh nghiệp, khiến tổng cung bị thoái lui mạnh mẽ.
Tháng này chỉ số giá của TP. HCM trở nên âm, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy lạm phát đang bị khuất phục. Nhưng cũng phải rất thận trọng tìm hiểu xem đằng sau đó có phải là dấu hiệu của một cuộc giảm phát hay không.
Cùng một dấu hiệu, nhưng bản chất có thể rất khác nhau. Nhìn chung, động thái giảm lãi suất lần này có thể khiến việc giảm giá diễn ra chậm lại, nghĩa là hơi đi nguợc với chính sách chống lạm phát một chút. Nhưng như tôi đã nói, vào thời điểm này, nếu quá cứng nhắc trong việc chống lạm phát, có thể có những cuộc đổ vỡ lớn.
Thưa ông, việc giảm lãi suất cơ bản có tác động tích cực như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Tôi tin là việc giảm lãi suất cơ bản lần này, mà kết quả sẽ là sự cắt giảm lãi suất cho vay kinh doanh, sẽ góp phần tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Điều này khá dễ hiểu, vì giá vốn rẻ hơn đem lại niềm hy vọng cho những doanh nghiệp đang cần thực hiện một kế hoạch đầu tư, và đặc biệt là giảm bớt gánh nặng cho những doanh nghiệp đang oằn lưng vì chi phí lãi vay.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, đây rõ ràng là một tin tốt, vì phần chi phí lãi vay trong tổng chi phí sắp tới sẽ nhẹ được một chút. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có đòn bẩy không lớn lắm, thì đối với họ vấn đề sức cầu của thị trường trong thời gian tới quan trọng hơn nhiều.
Lấy một ví dụ như cổ phiếu các ngành nguyên liệu thô, hiện nay giá đang đổ dốc vì giá nguyên liệu thô giảm mạnh do suy giảm sức mua toàn cầu. Với mức giá giảm nhanh như hiện nay, tôi e là tin giảm lãi suất như vừa rồi cũng không cản được đà rơi của giá các cổ phiếu này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng vốn, mà đầu ra lại được bảo đảm khá ổn định nhờ vị thế tương đối độc quyền của họ trên thị trường, thì rõ ràng đây là một tin rất tốt.
Một cách tổng thể, cắt giảm lãi suất lúc này là phù hợp và đồng điệu với các nước xung quanh. Tác dụng vĩ mô của nó lần này có tính phòng vệ cao, nghĩa là chặn đà suy thoái, chứ không phải kích thích niềm hứng khởi. Tôi nghĩ, có khả năng những diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng sẽ phần nào phản ảnh điều này. Chúng ta phải chờ xem.
Xin cảm ơn ông.

Huỳnh Duy (theo CafeF)