Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Nới lỏng chính sách tiền tệ có kiểm soát

Chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng trong thời gian qua nhằm đối phó với lạm phát ở mức cao. Khi lạm phát có dấu hiệu chững lại đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với khủng hoảng tài chính và suy thoái, chính sách tiền tệ được điều chỉnh cho phù hợp. Sài Gòn tiếp thị đã trao đổi với TS. Nguyễn Quang A (Viện IDS), TS. Nguyễn Đức Thành (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) về tác động của chính sách mới điều chỉnh đối với nền kinh tế.


Trong vòng hai tuần, ngân hàng Trung ương hai lần hạ lãi suất cơ bản từ mức 14% xuống còn 13% vào 21/10 và mới đây là 12% áp dụng từ hôm nay, ngày 5/11. Đồng thời, ngân hàng Nhà nước cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại. Ý nghĩa cốt lõi từ các quyết định này là đánh dấu bước chuyển từ chính sách thắt chặt tiền tệ sang nới lỏng có kiểm soát như nhận xét của Morgan Stanley hồi cuối tháng 10.
Tăng tín dụng cho sản xuất
Đánh giá chung về việc nới lỏng chính sách tiền tệ bằng hàng loạt biện pháp như giảm lãi suất cơ bản, hạ lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn, giảm dự trữ bắt buộc, theo TS. Nguyễn Đức Thành, các biện pháp này nằm trong khuôn khổ của chính sách tiền tệ mở rộng, nghĩa là tăng cung tiền cho nền kinh tế. Biện giải cho việc tăng cung tiền vốn đi ngược với mục tiêu chống lạm phát, ông Thành cho rằng: “Hiện nay tình hình đã thay đổi so với đầu năm. Nhiều nhà kinh tế và giới chính sách e ngại rằng nền kinh tế đang lâm vào suy thoái trong đà suy thoái toàn cầu. Do đó, việc nới lỏng cung tiền nhắm tới mục đích kích thích nền kinh tế thực, thay vì chỉ hướng tới chống lạm phát”.
Trong khi hạn mức cho tăng trưởng tín dụng là 30%, thì đến hết tháng 9 tổng dư nợ tín dụng của hệ thống tăng chưa tới 20%. Tuy vốn khả dụng ngân hàng tăng cao tập trung ở những ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank, tín dụng của Vietcombank chỉ tăng 14% so với cuối năm ngoái. Nguyên nhân dòng vốn đọng ở ngân hàng, theo TS. Nguyễn Quang A, là do lãi suất cao, vốn đang “đọng” ở ngân hàng. “Do lãi suất vẫn còn khá cao cho doanh nghiệp tiếp cận, các dự án dài hạn khởi động trở lại, cũng như những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mạnh dạn vay vốn”, ông bày tỏ quan điểm.
Nếu chỉ làm phép tính cộng đơn giản, lượng tiền các ngân hàng có thể cho vay sẽ tăng thêm 100.000 tỉ đồng. Nếu theo số nhân tiền, thì lượng tiền vào lưu thông sẽ tăng thêm nhiều lần. Lượng tăng thêm này cộng với lượng vốn đang “ế” trong các ngân hàng thương mại, theo đánh giá của các chuyên gia, có điều kiện lưu thông khi lãi suất hạ.
Theo phân tích của TS. Thành, về nguyên tắc, giảm dự trữ bắt buộc khiến ngân hàng có nhiều tiền hơn để cho vay. “Trong khi đó, lãi suất hạ cũng là nhân tố khiến người ta hy vọng cầu tín dụng tăng”, ông Thành nói.
Cần chính sách tài khoá mạnh dạn
Theo ông Nguyễn Quang A, mức lạm phát cao trong 10 tháng qua đã làm đảo lộn dòng lưu chuyển vốn, gây nên tác hại khó lường, trong đó có tác hại nghẽn vốn. “Giờ đây, ngân hàng thì chần chừ, doanh nghiệp co cụm. Tình hình tuy đã đỡ hơn trước, nhưng triển vọng phục hồi cũng phải dần dần. Do lãi suất không thể hạ xuống một cách đột ngột”, ông A nói.
Khả năng dòng vốn có kích thích nền kinh tế thực hay không đòi hỏi chính sách thực thi và giám sát có hiệu quả. “Tăng cầu tín dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nhu cầu trong khu vực sản xuất. Nếu cầu hàng hoá cả trong và ngoài nước giảm thì chưa chắc cầu tín dụng đã tăng”, ông Thành đặt giả thiết.
Để chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại về việc tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu không dừng lại ở mệnh lệnh hành chính, theo TS. Thành cần có những can thiệp đồng bộ về chính sách. Cũng như các chuyên gia khác, ông Thành cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đơn vị chịu nhiều thiệt thòi nhất từ những bất ổn kinh tế vừa qua. Ngay cả khi lãi suất hạ, mà nền kinh tế lại chứa đựng nhiều rủi ro, có thể chính ngân hàng sẽ e ngại cho vay vì chi phí của họ tăng do rủi ro tăng, trong khi doanh thu giảm do lãi suất cho vay hạ.
Từ thực trạng kinh doanh ngân hàng, ông Nguyễn Phước Thanh cho rằng: “Nới lỏng tiền tệ là một giải pháp nhưng nó không phải là cây đũa phép hoá giải toàn bộ khó khăn”. Khái quát hơn, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, thúc đẩy kinh tế phát triển không thể dừng lại ở chính sách tiền tệ. Ông đề xuất: “Rất có thể chúng ta cần một chính sách tài khoá mạnh dạn, chẳng hạn như giảm thuế hoặc giảm các chi phí tương tự cho doanh nghiệp, nhằm giúp khai thông sản xuất”. Lường trước ý kiến phản đối dựa trên tăng thâm hụt ngân sách nếu áp dụng chính sách trên, ông Thành cho rằng, đó có thể chỉ là sự hy sinh tạm thời cho một chinh sách hỗ trợ mang tính khẩn cấp.
Định hướng đúng dòng vốn
E ngại dòng vốn tín dụng nếu không kiểm soát chặt sẽ thổi các bong bóng thị trường nhà đất hay chứng khoán bùng nổ được TS. Nguyễn Quang A đánh giá là “không đáng lo”. Ông nói: “Vào thời điểm này, tôi không nghi ngại đến khả năng lạm phát bùng phát trở lại nếu tăng cung tiền ra nền kinh tế. Bởi hiện tại, ngân hàng đang không dám cho vay hoặc thận trọng việc cho vay ra dù vốn khả dụng nhiều. Tín dụng khó có khả năng tăng cao, giả sử có tăng cao đi nữa cũng không làm lạm phát trở lại”.
Cũng theo ông A, ưu tiên hàng đầu hiện nay, là tìm mọi cách khơi dòng vốn thông thoáng, đưa vốn, dồn vốn đến được tay người sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất, chủ yếu là khu vực tư nhân, bên cạnh đó là khu vực nhà nước. Dĩ nhiên, tăng cung tiền phải khéo léo, chú trọng chi tiêu ngân sách, dự án doanh nghiệp nhà nước…
Cùng quan điểm với ông A, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, cần phân biệt rõ nới lỏng chính sách tiền tệ với tăng cường chính sách ngân sách mềm cho khu vực doanh nghiệp quốc doanh hay các khu vực đang có vấn đề của nền kinh tế. Theo phân tích của ông Thành, nếu nới lỏng tín dụng nhưng chỉ để nó chảy vào khu vực doanh nghiệp nhà nước hoặc tăng tổng cầu thông qua đổ thêm vốn vào khu vực này mà coi đó là mở rộng cung tiền và kích thích tổng cầu, sẽ đi liền với việc thực thi một chính sách ngân sách mềm với khu vực này. “Điều ấy quả là sẽ kích thích tổng cầu trong ngắn hạn, nhưng tôi cho là sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề căn bản của nền kinh tế, mà các vấn đề này chúng ta đã có cải thiện khá nhiều trong suốt mấy năm vừa rồi”, ông Thành nói. Ông Thành nhấn mạnh đến ưu tiên trợ giúp khu vực tư nhân. “Đây là khu vực đang sử dụng nhiều việc làm nhất và nếu được phục hồi sớm, sẽ tạo ra hiệu ứng hỗ trợ nhanh nhất cho nền kinh tế”, ông Thành nói.

http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=42906&fld=HTMG/2008/1104/42906


Mỹ Lệ - Hồng Sương (SGGP)