Thông tin cho đối tác
 
Khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - Việt Nam rút ra được gì?

Năm 2008 thế giới đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 – 1933. Cuộc khủng hoảng này khởi đầu bằng cuộc khủng hoảng cho vay địa ốc dưới chuẩn ở Mỹ, nhưng lý do sâu xa của nó là sự mất cân bằng quốc tế của các khu vực kinh tế trụ cột trên thế giới và những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu. Cho đến thời điểm này hàng loạt ngân hàng tên tuổi đã phá sản hoặc phải được chính phủ cứu trợ.


Thị trường tài chính nhiều nước đã gần như đóng băng, kéo theo nền kinh tế thực rơi vào suy thoái. Nạn thất nghiệp đã tăng đến mức báo động, nhất là trong tầng lớp dân nghèo ở các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Mặc dù nhiều nước đã đưa ra những gói kích cầu lớn, với tổng số tiền công bố toàn cầu xấp xỉ 2000 tỉ USD, những dự báo lạc quan nhất cũng chỉ hy vọng thế giới sẽ bắt đầu phục hồi vào đầu năm 2010.
Những vấn đề cơ bản
Có lẽ còn quá sớm để rút ra các bài học về mặt chính sách vĩ mô và quản lý kinh tế từ cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên có ba vấn đề cơ bản mà cuộc khủng hoảng đã bộc lộ.
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng làm lộ ra một mặt trái ít ai ngờ tới của toàn cầu hoá: nó tạo điều kiện và làm trầm trọng hơn các mất cân bằng quốc tế. Ví dụ trường hợp thâm hụt thương mại của Mỹ được tài trợ bằng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và các nước vùng Vịnh đã đẩy tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Mỹ xuống gần bằng không. Chính điều này là tác nhân kích thích tổng cầu của Mỹ trong những năm cuối cùng trước khủng hoảng, làm cho thâm hụt thương mại tiếp tục xấu đi. Đến thời điểm này, chắc chắn các nhà hoạch định chính sách của các nước mới nổi và đang phát triển phải cân nhắc lại chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu. Trong khi đó các nước phát triển sẽ phải cân đối lại tỷ lệ tiêu dùng và tiết kiệm trong nước, dù toàn cầu hoá có dỡ bỏ nhiều rào cản tự nhiên ngăn không cho tiết kiệm giảm xuống quá thấp như trường hợp của Mỹ.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng cho thấy tư tưởng laissez-faire (thả nổi hoàn toàn cho thị trường tự do hoạt động) và trào lưu giảm bớt và xoá bỏ quản lý nhà nước trong các hoạt động kinh tế có từ thời Reagan/Thatcher sẽ thoái trào. Vấn đề cải tổ và tăng cường quản lý, giám sát hệ thống tài chính ở từng nước và trên phạm vi toàn cầu là điều gần như được đồng thuận 100% trong giới học thuật lẫn giới hoạch định chính sách. Việc kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn quốc tế cũng đã được đặt ra, song song với các đề xuất giám sát các sản phẩm tài chính có rủi ro cao và được sử dụng quá tràn lan trong các hoạt động đầu cơ.
Khi kinh tế thế giới đang chìm vào suy thoái, tư tưởng của John Maynard Keynes về vai trò điều tiết của nhà nước quay trở lại. Bên cạnh các gói kích cầu khổng lồ có nguồn gốc từ lý thuyết Keynes, các hoạt động của nhà nước trong nền kinh tế gia tăng, từ việc giám sát và quản lý thị trường đến việc can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào mọi mặt hoạt động của nó. Không chỉ ở Mexico mà ngay cả ở Mỹ, một số biện pháp quản lý giá đã quay trở lại, điều tưởng như đã vĩnh viễn đi vào lịch sử.
Thứ ba, hơn bao giờ hết nhu cầu phối hợp quốc tế trong các biện phát chống khủng hoảng và suy thoái tăng cao. Thế giới ngày nay đã quá phụ thuộc lẫn nhau. Trung Quốc, với gần hai ngàn tỉ USD dự trữ ngoại tệ chủ yếu đầu tư vào chứng khoán Mỹ, hiểu rằng họ không thể đơn phương rút số tiền đó ra vì tác hại với bản thân Trung Quốc không thể lường hết được. Mỹ, khi giải cứu cho AIG, phải chấp nhận một phần tiền từ ngân sách của mình sẽ chảy vào các ngân hàng châu Âu, nhưng đó là điều phải làm vì lợi ích của chính nước Mỹ. Mặc dù hai tổ chức kinh tế tài chính quốc tế lớn nhất là World Bank và IMF chưa có vai trò nổi bật trong cuộc khủng hoảng này, nhu cầu về một quyền lực quốc tế đủ mạnh để trợ giúp các nước bị khủng hoảng và phối hợp hành động quốc tế đã được nhấn mạnh. Ý tưởng về một hệ thống Bretton Woods thứ hai đã được nhiều người đề xuất, ít nhất là tăng cường sức mạnh cho IMF và khôi phục lại vị thế của đồng SDR. Ngay cả OECD, G8, G20 cũng sẽ có nhiều vai trò hơn trong việc phối hợp quốc tế và san sẻ nguồn lực.
Việt Nam rút ra được gì?
Với Việt Nam, một nước đi theo con đường kinh tế thị trường chưa lâu, cuộc khủng hoảng này có thể làm xói mòn niềm tin vào thị trường, nhất là khi vai trò của nhà nước đã được nhấn mạnh trở lại ngay cả ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm lớn nếu Việt Nam không tiếp tục hoặc chệch hướng khỏi con đường cải cách đang đi. Việt Nam nên coi cuộc khủng hoảng này là một cơ hội tái cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Cùng với các trào lưu biến đổi của thế giới đang diễn ra, Việt Nam cần lựa chọn cho mình một chiến lược phát triển khôn ngoan và bền vững.
Chiến lược này cần tiếp tục phát triển các mối quan hệ kinh tế đa phương và song phương, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn lực trong nước như cơ sở hạ tầng, nguồn vốn con người, vốn xã hội. Vai trò của nhà nước sẽ phải đẩy mạnh ở hai mặt: chủ động hơn trong các hoạt động phối hợp quốc tế và nâng cao năng lực quản lý và giám sát hệ thống tài chính ngân hàng. Các nỗ lực xoá đói giảm nghèo của Việt Nam cần được tiếp tục đẩy mạnh, song song với việc gia tăng các khoản trợ cấp và bảo hiểm xã hội. Điều này có thể sẽ làm tăng kích cỡ và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nên tuân thủ theo nguyên tắc của John Maynard Keynes đã đưa ra gần 80 năm trước đây: Nhà nước chỉ nên làm những gì thị trường không làm được chứ đừng thay thế những gì thị trường có thể đảm đương được.


(Sài Gòn Tiếp Thị)