Thông tin cho đối tác
 
Nhìn lại 2008 để dự đoán 2009

Năm 2008 là một năm rất đáng quên của TTCK Việt Nam, song nhìn nhận lại những gì đã và chưa làm được sẽ giúp các thành viên thị trường thêm sáng suốt để chuẩn bị cho năm 2009 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Bùi Đức Thịnh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS) chia sẻ với ĐTCK.


Diễn biến trong năm 2008 hầu như vượt qua mọi dự đoán, ông có nhận định gì về TTCK Việt Nam?
So với đỉnh 1.170,67 điểm của thị trường vào tháng 3/2007, đến ngày 17/12 VN-Index sụt giảm 74,3%, còn 301,02 điểm; chỉ tính riêng từ đầu năm 2008, chỉ số này sụt giảm 67,3%. Nếu tính đến mức đáy của VN-Index trong năm 2008, mức sụt giảm còn lớn hơn, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có TTCK sụt giảm mạnh nhất trên thế giới. Thanh khoản của thị trường là một gam màu tối khi vào thời điểm tháng 5, 6/2008, khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt 1 - 2 triệu cổ phiếu/ngày, buộc UBCKNN phải ép biên độ giao dịch (1% cho HOSE và 2% cho HASTC) nhằm ngăn chặn đà suy thoái mạnh của thị trường. Ngay cả khi biên độ đã được nới rộng (5% cho HOSE và 7% cho HASTC) thì khối lượng giao dịch trung bình thời gian gần đây cũng chỉ trên dưới 10 triệu cổ phiếu/ngày. Hầu hết các thành viên tham gia thị trường đều thua lỗ nặng nề.
Do sự sụt giảm mạnh của TTCK nên việc phát triển thị trường, các sản phẩm và "hàng hóa" diễn ra rất chậm. Sàn giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCom) theo kế hoạch sẽ đi vào vận hành từ quý I/2008 nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thị trường chưa có thêm sản phẩm gì mới, dù là những sản phẩm không quá phức tạp như giao dịch ký quỹ hay bán khống. Đầu năm 2008, các biện pháp liên quan đến việc NĐT có thể mở nhiều tài khoản, được mua bán một chứng khoán trong cùng một phiên… đã được đề cập, nhưng tới nay cũng chưa có kết quả.
Việc IPO và phát hành tăng vốn điều lệ của các DN cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt các đợt IPO, thậm chí của cả các DN có tiếng như Habeco, bị ế ẩm và cho tới thời điểm này, chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2008 thì vẫn còn khoảng 50 DN niêm yết trên HOSE có vốn điều lệ chưa đủ 80 tỷ đồng, một yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu theo Nghị định 14/2007NĐ-CP kể từ ngày 1/1/2009.
Về khía cạnh quản lý thị trường, các cơ quan hữu quan cũng đã có những lúng túng nhất định trong việc điều hành và can thiệp vào thị trường, từ việc SCIC dùng vốn nhà nước can thiệp "đỡ" thị trường đến việc ép và nới biên độ giao dịch…
Ngoài những tác động từ chính sách kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, theo ông cần nhìn nhận những nguyên nhân nào dẫn tới sự suy giảm mạnh như vậy của thị trường?
Ngoài hai nguyên nhân chính là ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới và tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô bất lợi trong nước buộc Chính phủ phải có những quyết sách mạnh và quyết đoán như thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, tăng thuế chống nhập siêu… thì theo tôi, sự sụt giảm của TTCK còn xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Với mức tăng trưởng "nóng" tổng phương tiện thanh toán và tín dụng trong thời gian dài 4 - 5 năm trước cùng hấp lực lợi nhuận cao từ việc tham gia TTCK trong năm 2006, giá cổ phiếu đã được đẩy lên quá cao và theo quy luật tất yếu sẽ đến lúc "bong bóng" cổ phiếu phải vỡ. P/E trung bình toàn thị trường lúc đỉnh cao trong năm 2007 xấp xỉ 33 lần, quá cao so với mức trung bình 14 - 15 lần của TTCK các nước đang phát triển trong hơn 40 năm qua.
Giai đoạn trước tháng 6/2008, hiện tượng xả lũ "hàng" cầm cố, repo từ các định chế tài chính, cùng tâm lý tuyệt vọng, mất niềm tin vào thị trường và biện pháp can thiệp của cơ quan hữu quan của nhiều NĐT cũng góp phần khiến thị trường sụt giảm mạnh. Còn sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vào tháng 7, 8/2008, khi giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trở nên đắt hơn so với các nước trong khu vực cùng với khó khăn về kinh tế, tài chính và tín dụng của các nước phát triển trên thế giới đã khiến áp lực bán ra của khối nhà ĐTNN là rất lớn, thị trường vì thế khó phục hồi, dù có các thông tin hỗ trợ như chính sách tiền tệ được nới lỏng hay giảm giá xăng dầu…
Ngoài ra, việc nhiều cổ phiếu mới chào sàn được xác định giá khởi điểm ở mức cao (có thể là hợp lý với điều kiện bình thường, nhưng sẽ là cao so với giá của các cổ phiếu khác đang niêm yết trong bối cảnh TTCK sụt giảm), cộng với tâm lý muốn thu hồi vốn, cứ bán rồi tính tiếp của một số cổ đông, dẫn đến việc giá các cổ phiếu này giảm liên tiếp nhiều phiên, gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán...
Vậy trong năm 2009, đâu là khó khăn lớn nhất với TTCK Việt Nam?
Diễn biến kinh tế thế giới và tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ là thách thức lớn nhất của TTCK Việt Nam trong năm 2009. Kinh tế Việt Nam được các tổ chức tài chính quốc tế uy tín dự báo sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5 - 5,5% trong năm 2009, thấp hơn mức dự báo 5,8 - 6% trong năm nay. Các vấn đề về kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, nhập siêu, đặc biệt thị trường bất động sản và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn là những ẩn số chưa rõ ràng. Triển vọng kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN đầu tư dàn trải, "tay trái" sang lĩnh vực tài chính và bất động sản hoặc đầu cơ nguyên vật liệu cơ bản/hàng hóa sẽ tương đối ảm đạm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và kinh tế tăng trưởng chậm trong nước.
Ông có thể phân tích những điểm cần chú ý trong yếu tố cung cầu trên TTCK năm 2009?
Về phía cung, sẽ có thêm nhiều hàng hóa để NĐT lựa chọn. Tuy việc nhiều cổ phiếu lên niêm yết không "hút" thêm lượng vốn sẵn có của NĐT, nhưng do đa số các cổ phiếu này được NĐT đấu giá hoặc giao dịch trên thị trường OTC ở mức giá cao khi TTCK tăng trưởng nóng nên không loại trừ yếu tố tâm lý lên niêm yết là "xả hàng" để thu hồi vốn và/hoặc vốn cho vay sau thời gian dài bị đọng vốn, nhất là trong bối cảnh có rất ít DN "dũng cảm" đưa ra mức giá khởi điểm thấp, do đó ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và sự tăng điểm của các chỉ số chứng khoán. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ tiến hành cổ phần hóa khoảng 750 DNNN từ nay đến năm 2010, trong đó bao gồm cả những "hàng khủng". Sau Vietinbank vào cuối năm nay, nhiều khả năng BIDV, Agribank, MobiFone, VinaPhone, Vietnam Airlines… sẽ được cổ phần hóa trong năm 2009 và tất nhiên, các đợt IPO này sẽ "hút" một lượng vốn khổng lồ. Trong khi đó, nhiều DN sẽ phải tăng vốn để đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 80 tỷ đồng (trên HOSE) cũng như tăng vốn nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh của các DN có hoạt động kinh doanh lành mạnh hoặc nhằm duy trì sản xuất của các DN gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các nhà ĐTNN có thể vẫn bán ra nhiều hơn mua vào và một số công ty có đầu tư tài chính dài hạn vào cổ phiếu buộc phải bán ra để thu hồi vốn kinh doanh hoặc cơ cấu lại tài sản.
Về phía cầu, lượng vốn từ nhà ĐTNN mới sẽ hạn chế do khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, quy mô, tính thanh khoản, độ minh bạch của TTCK Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn. Các nhà ĐTNN hiện hữu thì hầu hết đã giải ngân hết vốn và đa phần chịu thua lỗ nên khả năng kêu gọi, huy động thêm vốn để đầu tư trên TTCK Việt Nam là hạn chế. Các NĐT trong nước cũng vậy, giao dịch của họ sẽ thận trọng hơn.
Bức tranh về triển vọng TTCK Việt Nam tuy chưa thực sự sáng sủa trong năm 2009, nhưng thị trường vẫn sẽ đem lại cơ hội cho NĐT với những đợt sóng lên xuống với xu hướng tăng nhẹ.
Nếu được góp ý về công tác điều hành thị trường, theo ông đâu là phương thuốc cần thiết nhất?
Theo tôi, không thể điều hành bằng các biện pháp hành chính hay can thiệp bằng các biện pháp ngắn hạn, hãy để thị trường tuân theo quy luật vận hành của nó và các biện pháp cần hướng tới sự phát triển ổn định, dài hạn của thị trường, dù phải mất nhiều năm.


(Theo Đầu tư chứng khoán, Vinanet)