Thông tin cho đối tác
 
Bốn biện pháp điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Ông Lê Xuân Nghĩa
(3-2008) Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng Lê Xuân Nghĩa nói về việc điều hành chính sách tiền tệ hiện nay.


Cần chống sụp đổ bất động sản, chứng khoán
Điều hành chính sách tiền tệ là vấn đề rất quan trọng trong việc giảm áp lực tăng lạm phát. Vậy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện như thế nào trong điều kiện hiện nay, thưa ông?
Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách chống lạm phát cả gói của Chính phủ bao gồm các chính sách về thắt chặt tiền tệ và một loạt các chính sách khác như tăng cung, kiểm soát giá cả, giảm cung ứng tín dụng vào những khu vực không hiệu quả.
Tuy nhiên, chúng tôi tập trung chủ yếu vào bốn biện pháp căn bản.
Thứ nhất là nới lỏng tỷ giá hối đoái để giảm áp lực đối với dòng vốn từ bên ngoài vào, tức là giảm áp lực cung ứng tiền để mua ngoại tệ.
Hai là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức trên dưới 30%.
Ba là phát hành tín phiếu hay hối phiếu của Ngân hàng Trung ương để hút tiền từ lưu thông về.
Cuối cùng là tăng cường thanh tra giám sát về cung ứng tín dụng trong khu vực bất động sản và chứng khoán.
Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng đang bộc lộ một số vấn đề mà cần phải có nghiên cứu sâu hơn và điều hành một cách thật là thận trọng. Ví dụ như nới lỏng tỷ giá hối đoái thì dẫn đến đồng Việt Nam tăng giá và điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu vì 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam được thanh toàn bằng đồng USD.
Vấn đề nữa là khi lãi suất tăng lên khá cao cộng với giá đầu vào tăng cao cũng gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước biết điều đó nên phải tìm cơ hội khi lạm phát có dấu hiệu giảm thì mới nới lỏng các biện pháp thắt chặt tiền tệ để tránh ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp.
Nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ dựa trên kết quả chống lạm phát
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên để kiềm chế lạm phát thì lại ảnh hưởng tới tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước đã và đang xử lý mâu thuẫn thách thức này như thế nào thưa ông?
Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ những thông tin gần đây thì vấn đề không phải là tăng trưởng và thậm chí cũng không phải lạm phát mà vấn đề quan trọng ở đây là làm sao để chống khủng hoảng, cuộc khủng hoảng kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính.
Nền kinh tế Mỹ cũng thừa nhận là suy thoái và rất nhìều nhà kinh tế hàng đầu thế giới nhận định là nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái rất trầm trọng và điều đó tác động khá xấu cho Anh quốc cũng như thị trường châu Âu và một số các nước ở châu lục khác.
Nếu kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất xấu đối với kinh tế của Việt Nam vì thứ nhất là xuất khẩu của Việt Nam có tới 20% là sang Mỹ và đồng tiền thanh toán quốc tế của Việt Nam chủ yếu lại là USD. Vì vậy, trong trường hợp đồng USD mất giá nghiêm trọng thì sẽ gây ra những rủi ro về tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Một điều quan trọng hơn là suy thoái kinh tế Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế các nước khác khiến cho xuất khẩu Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn có thể là làm giảm GDP của chúng ta.
Chính vì vậy, theo ý kiến tôi, trước mắt Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần tập trung mọi nỗ lực để chống suy thoái và cụ thể là chống sụp đổ những thị trường có liên quan chặt chẽ đến ngân hàng như thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Nếu hai thị trường này sụp đổ thì sẽ có rủi ro rất lớn đối với hệ thống ngân hàng.
Tiếp theo là cần bảo vệ bằng mọi giá tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại tránh để cho các ngân hàng thương mại bị mất tính thanh khoản hiện nay, điều đó sẽ rất nguy hiểm.
Gần đây Ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND lên thành +, 1% đồng thời ngập ngừng không mua vào USD. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Hướng giải quyết trước mắt, cũng như trong phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thông báo biện pháp, đó là một mặt củng cố lòng tin cho nhà đầu tư về thị trường chứng khoán đồng thời đưa ra thông điệp phải ngăn chặn việc các ngân hàng thương mại bán xả bớt cổ phiếu ra thị trường làm cho thị trường chứng khoán càng trầm trọng hơn.
Tiếp nữa là cho phép ngân hàng trung ương có thể sử dụng các nghiệp vụ tái chiết khấu hay nghiệp vụ repo để đảm bảo tính thanh khoản của họ.
Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ dựa vào kết quả thu được về chống lạm phát để quy định tiếp tục hay là nới lỏng dần chính sách tiền tệ, và Ngân hàng Nhà nước trên thực tế cũng bắt đầu mua vào ngoại tệ khá mạnh để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời tham khảo với các ngân hàng thương mại để hạ lãi suất tiền gửi và trên cơ sở đó hạ lãi suất cho vay.
Có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc như hiện nay và không có điều chỉnh tăng thêm đồng thời thu về tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước của các kho bạc theo một lộ trình từ nay tới cuối năm để giảm bớt áp lực về cung tiền.


QT (theo vneconomy)