Thông tin cho đối tác
 
"Xây dựng thương hiệu" cho VNĐ

Quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa rồi được coi là giải pháp cần thiết để thu hẹp độ vênh giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do, giảm căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Nhưng giải pháp lâu dài phải là tạo dựng niềm tin của công chúng vào VND.


Cho tới giờ phút này, các chuyên gia đều đã nhất trí rằng quyết định hôm 25/11 tăng lãi suất và nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 17.961 VND/USD là kết quả không tránh khỏi của việc USD lên giá, do sự mất cân bằng về cung và cầu ngoại tệ.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, các nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam (xuất khẩu, đầu tư, du lịch, kiều hối gửi về nước) đều giảm. Một lượng ngoại tệ lớn của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng thì lại bị găm giữ, không đưa vào lưu thông, do người ta không muốn bán cho ngân hàng với tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá trên thị trường tự do.
Cộng thêm vào đó là lạm phát trong nước - kết quả của chi tiêu Chính phủ tăng mạnh (Ngân hàng Phát triển châu Á [ADB] dự báo thâm hụt ngân sách năm nay có thể lên tới 10% GDP). Lạm phát càng khiến người dân quay lưng lại với VND mà hướng tới ngoại tệ (USD) và vàng để cất giữ giá trị.
Đó là các nguyên nhân gần nhất của việc VND mất giá. Ngoài ra, cũng cần phải nói rằng không phải từ khi suy thoái kinh tế, người dân mới có thói quen tích trữ bằng ngoại tệ và vàng. Thực tế là từ hàng chục năm nay, thị trường đã không đặt niềm tin ở VNĐ.
Lý giải điều này, nhà kinh tế Đinh Tuấn Minh (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) cho biết: "Niềm tin được hình thành trong một quá trình lâu dài. Đã có cả một thời kỳ rất dài ở Việt Nam, sau vài lần đổi tiền, người ta sợ tiền đồng, nên bây giờ có khi VND chỉ hơi biến động một chút là dân chúng đã hoảng lên rồi. Cho tới nay, vẫn rất khó xóa bỏ tâm lý này!".
Mặc dù quyết định điều chỉnh tỷ giá hôm 25/11 vừa rồi được đánh giá là cần thiết và thích hợp (vì thực ra cũng đã đến lúc không thể duy trì tỷ giá cũ được nữa), nhưng nó cũng sẽ gây ra một số hậu quả.
Trước hết là tác động tiêu cực tới hoạt động nhập khẩu. Hệ quả tất yếu của tỷ giá tăng là hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sẽ đắt đỏ hơn, làm lạm phát trong nước không hạ nhiệt.
Trong khi đó, niềm hy vọng xuất khẩu sẽ tăng mạnh nhờ nội tệ mất giá lại khá mong manh, bởi theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam không còn có thể kỳ vọng vào việc cạnh tranh bằng giá rẻ. Vấn đề lớn nhất đối với hàng hóa Việt Nam hiện nay là năng lực cạnh tranh, tức chất lượng sản phẩm, marketing và thương hiệu quá yếu. Nếu không cải thiện điều này thì giá bán có rẻ hơn nữa cũng không đẩy mạnh được xuất khẩu.
Như vậy là trước mắt, chúng ta chưa thấy có tín hiệu gì cho thấy nhập siêu sẽ giảm. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ và tỷ giá. Về phần mình, người dân và doanh nghiệp sẽ lại tiếp tục tìm đến USD và vàng như phương tiện cất giữ giá trị.
Như vậy, để cải thiện niềm tin của thị trường vào nội tệ, có rất nhiều việc phải làm.
Ngắn hạn: điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, hướng theo thị trường
Để giải quyết vấn đề tích trữ ngoại tệ, thì việc cần thiết là phải làm sao để dân chúng không giữ giá trị bằng USD nữa, mà có USD là họ bán cho ngân hàng, hoặc đem gửi dài hạn.
Nói cách khác, cần tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng thay vì "găm". Chỉ có thể có đạt điều đó khi tỷ giá chính thức được điều chỉnh linh hoạt, sát với tỷ giá trên thị trường tự do, phản ánh đúng cung cầu trên thị trường ngoại hối.
Thậm chí, ông Đinh Tuấn Minh đề xuất một giải pháp triệt để hơn, là xóa bỏ cơ chế hai tỷ giá (vì với cơ chế như hiện nay, tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá tự do đang khiến doanh nghiệp không có động lực bán USD, làm nguồn cung ngoại tệ cho thị trường càng thêm căng thẳng).
Dài hạn: chi ngân sách hiệu quả, tránh "giật cục"...
Không dễ xóa bỏ tâm lý "sợ tiền đồng" đã ăn sâu bén rễ trong tâm trí người dân. Để xây dựng niềm tin đối với VND (sau những lần đổi tiền và lạm phát trong quá khứ), điều tối quan trọng là Nhà nước phải tạo ra được những chính sách ổn định, nếu có sửa đổi cũng phải tránh "giật cục".
Quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa rồi, tuy được giới chuyên môn nhìn nhận là cần thiết và phù hợp, song với thị trường vẫn là một cú sốc. TS Nguyễn Quang A nói: "Lẽ ra đã phải hiệu chỉnh chính sách sớm hơn, linh hoạt hơn để ngăn "sự phá giá" đồng tiền nội địa. (Đằng này) Đồng tiền đã bị phá giá rồi, đến lúc không thể chịu được nữa thì mới can thiệp một cách "giật cục" khiến nhiều người coi là đột ngột và mạnh".
Tất cả những quyết định chính sách mang tính "giật cục" đều có nguy cơ làm mất niềm tin của người dân. Trong trường hợp điều chỉnh tỷ giá như vừa rồi, sẽ tốt hơn nếu trước đó không có những tuyên bố theo hướng dứt khoát không phá giá tiền đồng.
Và có lẽ sẽ là tốt nhất nếu quyết định điều chỉnh tỷ giá này không mang tính mệnh lệnh, áp đặt cho thị trường, mà chỉ là một thông báo có tính chất "thủ tục" nhằm giúp các doanh nghiệp xác định một tỷ giá phục vụ sổ sách kế toán.
Khi người dân vẫn còn "cảnh giác" trước các chính sách tương lai của Chính phủ liên quan tới tiền tệ, thì tâm lý găm đô-la, tích trữ vàng cho an toàn sẽ tồn tại dai dẳng. Khi người dân không phải đề phòng nữa, ngoài ra việc giữ USD cũng không đủ hấp dẫn (bằng việc bán USD cho ngân hàng), thì họ sẽ dần tin tưởng vào nội tệ.
Bên cạnh đó, một giải pháp cực kỳ quan trọng trong dài hạn đương nhiên là đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, và đảm bảo chi tiêu công hiệu quả. Nếu chi ngân sách tăng mạnh mà không hiệu quả, thì sẽ không khác nào việc Nhà nước bơm tiền vô tội vạ vào nền kinh tế; điều này chỉ sinh ra lạm phát mà thôi.

Vietnamnet - 2/12/2009 - Đinh Tuấn Minh