Thông tin cho đối tác
 
Những người chống chủ thuyết cha chung

Giả định thị trường vận hành hữu hiệu dựa trên quyền tư hữu để có những phân bổ hợp lý, tối ưu, thế nhưng giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho Elinor Ostrom và Oliver E. Williamson, với các công trình nghiên cứu khả năng phân bổ hiệu quả nguồn lực chung.


Sau cơn lũ, gỗ trôi về dòng Vu Gia đặc nghẹt. Công trình đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay có thể được ứng dụng vào công tác quản lý bảo vệ rừng khỏi cảnh bị tàn phá như hiện nay. Ảnh: Mai Kỳ
Elinor Ostrom là người phụ nữ đầu tiên được nhận giải Nobel Kinh tế. Các công trình của bà hướng đến việc giải quyết các vấn đề nguồn lực chung trong các tổ chức chính trị và dân sự. Còn công trình của Williamson hướng đến việc xác lập các cơ chế để giải quyết các vấn đề quyền sở hữu không rõ ràng trong các tổ chức kinh tế.
Hướng định kinh tế là lĩnh vực nghiên cứu được hình thành vào những năm 1970. Hướng định kinh tế khác với quản trị (administration) hoặc quản lý (management). Trong khi quản trị hoặc quản lý hàm ý quy trình ra quyết định xuất phát từ một trung tâm quyền lực để vận hành một tổ chức kinh tế, xã hội nào đó thì hướng định kinh tế hàm ý quy trình ra quyết định tại đó các quyết định của các cá nhân, với những hoàn cảnh khác nhau, được định hướng thông qua một số các định chế nhất định để giải quyết một vấn đề tập thể nào đó một cách hiệu quả.
Trong xã hội, có một số nguồn lực rất khó phân định quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng giữa các cá nhân liên quan hoặc nếu phân định được rõ ràng thì sẽ dẫn đến suy giảm năng suất lao động. Rừng, biển, đồng ruộng, kênh mương v.v. là những ví dụ điển hình về loại nguồn lực này. Rừng mang lại lợi ích trực tiếp, chẳng hạn cung cấp gỗ, cho một số người. Nhưng việc khai thác rừng thái quá sẽ ảnh hưởng đến môi trường và gây ra lũ lụt. Ngoài ra, một số loại tài sản rất quan trọng được các cá nhân góp chung để sản xuất, chẳng hạn trí tuệ cá nhân, rất khó xác định giá trị.
Ostrom và Williamson đã có những đóng góp mang tính đột phá trong việc giải quyết vấn đề nguồn lực chung. Họ không chỉ dừng ở mức độ chỉ ra sự tồn tại của nhiều cơ chế khác nhau để giải quyết vấn đề này mà còn chỉ ra các điều kiện tại đó việc áp dụng một cơ chế nào đó là hiệu quả. Ở lĩnh vực khoa học chính trị, Ostrom chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp các hình thức hiệp hội dân sự có thể quản lý các nguồn lực chung tốt hơn so với trường hợp nếu các nguồn lực đó được quản lý bởi nhà nước hoặc bởi cơ chế thị trường thuần tuý. Ở lĩnh vực kinh tế tổ chức, Williamson cho chúng ta thấy rằng, tuỳ vào mức độ khó dễ trong việc xác định lợi ích mà một tài sản nào đó đem lại các bên tham gia giao dịch, các cá nhân có thể lựa chọn các cơ chế hướng định khác nhau như cơ chế giá cả, cơ chế hành chính, cơ chế hợp đồng dài hạn, v.v... để thực hiện các giao dịch.
Một điều ít được biết đến là đóng góp của Ostrom và Williamson trên khía cạnh phương pháp luận trong việc nghiên cứu các thể chế xã hội. Cả hai đều xuất phát từ phương pháp cá thể luận (methodological individualism). Các cá nhân quyết định dựa trên lý tính nhưng là lý tính giới hạn (bounded rationality) và có hành vi cơ hội (opportunism), tức luôn lợi dụng lẫn nhau vì lợi ích của mình. Dựa trên các tiền đề này, Ostrom và Williamson đã đề ra các phương pháp khác nhau (như phương pháp so sánh, phương pháp thực nghiệm) tiến hành nghiên cứu các định chế xã hội được hình thành và phát triển một cách tự phát từ các quyết định của các cá nhân như thế nào. Và đến lượt, những định chế này ảnh hưởng đến lợi ích của từng cá nhân ra sao.
Giải Nobel năm nay là xác nhận cho một xu thế nghiên cứu mới trong kinh tế học: kinh tế thể chế mới (new institutional economics). Đã có rất nhiều tác gia được giải Nobel có những đóng góp tích cực cho xu hướng này như F.A. Hayek (1974), H. Simon (1978), J. Buchanan (1986), R. Coase (1991), D. North (1993), V. Smith (2002), Leonid Hurwicz, Eric Maskin, và Roger Myerson (2007) và bây giờ Elinor Ostrom và Oliver E. Williamson (2009).
Thông điệp của giải Nobel Kinh tế năm nay có lẽ là để giải quyết vấn nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, chúng ta cần thay đổi các định chế cũng như quy tắc hành xử trong xã hội. Kinh tế thể chế mới, trong đó có các đóng góp quan trọng của Elinor Ostrom và Oliver E. Williamson về hướng định kinh tế, có thể góp phần vào việc tìm hiểu cũng như thay đổi những định chế kém hiệu quả trong phạm vi quốc gia và phạm vi toàn cầu hiện nay.

Elinor Ostrom:
- Sinh năm 1933.
- Hiện đang là giáo sư khoa học chính trị, giám đốc của nhóm Nghiên cứu về lý thuyết chính trị và phân tích chính sách tại trường đại học Tổng hợp Indiana (Mỹ).
- Nhận bằng cử nhân (1954), thạc sĩ (1962) và tiến sĩ (1965) đều về khoa học chính trị và đều tại đại học Tổng hợp California (UCLA).
- Các tác phẩm chính: Governing the Commons: The Evolution of Institutions for Collective Action (1990); A Behavioral Approach to the Rational Choice Theory of Collective Action: Presidential Address, American Political Science Association (1997); Understanding Institutional Diversity (2005); Understanding Knowledge as a Commons: From Theory to Practice (eds) (2006).

Oliver E. Williamson:
- Sinh năm 1932.
- Hiện là giáo sư danh dự tại trường Quản lý Haas (Mỹ).
- Nhận bằng tiến sĩ (1963) tại đại học Tổng hợp Carnegie Mellon (Mỹ).
- Các tác phẩm chính: Arkets and Hierarchies: Analysis and Antitrust Implications (1975); The Economic Institutions of Capitalism (1985); The Mechanisms of Governance (1996).


Đinh Tuấn Minh (SGGP) Trung tâm NCKT&CS, ĐHKT - ĐHQGHN