Nhóm nghiên cứu Khoa QTKD cùng giảng viên hướng dẫn - TS. Nguyễn Đăng Minh tại Lễ trao giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ năm 2012"
Đỗ Thị Cúc, Tạ Thị Hương Giang, Hoàng Thị Thu Hà (lớp QH-2009-E) là 3 thành viên của nhóm nghiên cứu Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã vinh dự được nhận giải Nhì giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ năm 2012” với đề tài: “Sản xuất tinh gọn tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Thực trạng và giải pháp”. Dưới đây là những chia sẻ của nhóm về quá trình thực hiện đề tài.
Năm học đầu tiên tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, những điều mà 3 sinh viên từ tỉnh lẻ ra như chúng tôi hy vọng là sẽ có được một quãng đời sinh viên ý nghĩa với thật nhiều trải nghiệm như tham gia các câu lạc bộ, hội hè, giao lưu. Nhưng có lẽ khi nhìn lại chặng đường đã đi gần hết, chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp, những cảm xúc và kỷ niệm đọng lại là nhiều hơn thế. ĐHKT chính là nơi chắp cánh và ghi dấu cho quãng đời sinh viên của chúng tôi.
Vẫn biết ĐHQGHN và các trường thành viên (trong đó có ĐHKT) là một cái nôi giàu truyền thống về công tác nghiên cứu, nhưng cả 3 chúng tôi vẫn nghĩ, nghiên cứu khoa học (NCKH) là thứ gì đó được tạo nên trong phòng thí nghiệm, là những môn khoa học thuần túy như toán, lý, công nghệ, xã hội học chứ kinh tế thì có gì để nghiên cứu. Tuy nhiên, mọi cái nhìn đã thay đổi khi con người ta muốn thử sức mình và rồi đam mê.
Sau khi trường phát động phong trào NCKH sinh viên, nói thực là 3 chúng tôi vẫn chưa có khái niệm gì về nó cả, mù tịt về phương pháp và mơ hồ về cái gọi là mục đích nghiên cứu. Mục đích đăng ký lúc đó chỉ là lấy điểm rèn luyện để “nhỡ” đứa nào được học bổng! Cái mục đích rất sinh viên ấy té ra lại là cái may khởi đầu và cũng là cái duyên để nhóm gặp được “thầy”.
Là “dân” học quản trị kinh doanh, biết về quản trị sản xuất và tác nghiệp chỉ một chút và cũng là lần đầu tiên chúng tôi bắt gặp khái niệm “lean” trong giáo trình, cả 3 tặc lưỡi sau lời gợi ý của “thầy” và yêu cầu đăng ký đề tài của phòng đào tạo: “Ừ thì chọn cái này nhá!”
Lần đầu tiên gặp “thầy” - TS. Nguyễn Đăng Minh, cùng với nhóm chúng tôi còn 2 nhóm nữa, tất cả 9 “đứa” nghe thầy chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khi còn là sinh viên. Chính lần gặp ấy đã nhen nhóm lên niềm yêu thích và hào hứng trong lòng 3 chúng tôi. Mỗi người chúng tôi vẫn nhớ câu nói của thầy: “Đã nghiên cứu là phải tìm ra được cái gì đó mới; mà phải là nghiên cứu từ thực tế; lúc nào cũng phải chân chạy đầu nghĩ!”. Dù chưa hiểu hết câu “chân chạy đầu nghĩ” ấy, nhưng cả 3 đều biết chắc chắn con đường nghiên cứu sẽ không dễ dàng. Dù vậy, có khó khăn thì thành quả mới ngọt ngào, vậy là chúng tôi bắt tay vào làm.
Trong NCKH, quan trọng nhất là phương pháp, định hình rõ ràng cách thức, mục tiêu, đối tượng của nghiên cứu giống như xương sống đảm bảo sự logic cho công trình, cũng là ngọn đèn soi rọi con đường và cách thức phải đi. Gần một năm theo đuổi và nghiên cứu về lean manufacturing (sản xuất tinh gọn), trước tiên, nhóm đã tự tìm hiểu toàn bộ kiến thức về lean mà chủ yếu là dịch từ tài liệu nước ngoài để có thể hiểu rõ về cái mà mình đang nghiên cứu (do đây là một khái niệm còn mới ở Việt Nam nên lượng tài liệu tiếng Việt về nó còn tương đối hạn chế).
Phần khó khăn nhất chính là mảng thực tế. Để có tư liệu thực tiễn cho bài nghiên cứu, nhóm cần phải đến và phỏng vấn các doanh nghiệp, nhưng vì vẫn đang là sinh viên, cái khó nhất chính là làm sao để nhóm có thể vào doanh nghiệp tham quan thôi chứ chưa nói là phỏng vấn. Vạn sự khởi đầu nan. Việc nghiên cứu giống như mò mẫm giữa đại dương với biết bao câu hỏi: chọn doanh nghiệp nào để đi, làm sao có được thông tin thực tế, làm sao để họ cho mình vào chụp ảnh, hỏi han khiến đã có những lần nhóm muốn bỏ cuộc.
Nhưng từ một số công ty, thầy Minh gợi ý, cả 3 đã mạnh dạn gửi email đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội, các tổ chức, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả các trung tâm đào tạo có liên quan đến lean, và cuối cùng đã nhận được sự hồi đáp. Thế là nhóm bắt tay vào xây dựng hệ thống câu hỏi.
Nhớ những chuỗi ngày vất vả nhưng thật vui, 3 “đứa” làm việc cùng nhau, hết tranh cãi lại an ủi và nhắc nhở nhau cố gắng. Nhớ mỗi lần nói chuyện, báo cáo tiến độ qua “checklist”, mỗi lần gặp là mỗi lần thầy động viên, khích lệ và tiếp lửa để cả 3 có thể vững tâm hơn. Nhớ những lần thầy trò cùng thức đêm, những lần cắm đầu sửa bài không kịp ăn uống; nhớ những chuyến đi thực tế giữa trời nắng đổ lửa của Hà Nội, những ngày đóng đô từ sáng tới tối ở hàng photo, những câu chuyện vui và sự nhiệt tình của con người lao động nhóm được gặp trực tiếp trong nhà máy, và còn vô vàn những thứ linh tinh mà những bài vở và các “case” trong giáo trình không thể nào lột tả được.
Làm rồi lại sửa, lại làm, lại sửa, theo vòng PDCA (plan - do - check - act) để hoàn thiện thêm nhưng cũng lại càng thấy có nhiều thứ muốn khám phá quá! Giờ nhóm lại càng thực sự thấm thía câu “chân chạy đầu nghĩ” của thầy, làm gì cũng phải để cả tâm trí và tinh thần cầu tiến vào trong công việc, và đặc biệt, cái động lực sâu sa hơn cả vẫn chính là đam mê. Bất cứ lĩnh vực nào cũng đều cần tình yêu cho nó. Ai bảo nghiên cứu kinh tế, đặc biệt về sản xuất là khô khan? Những câu chuyện thực tế bao giờ cũng sống động và chính là những bài học sâu sắc và dễ ghi nhớ nhất.
Buồn, vui, hào hứng, tiếc nuối và rất nhiều những cung bậc cảm xúc khác khó có thể gọi tên mà nhóm đã được trải qua kể từ khi bắt tay vào nghiên cứu. Từ lần bảo vệ đầu tiên trước các thầy cô trong khoa, trong trường, đến vòng cuối tại Bộ Giáo dục & Đào tạo và chuyến bay vào TP Hồ Chí Minh nhận giải, cảm xúc sung sướng như vỡ òa khi thành tựu của mình được ghi nhận.
Chặng đường gần một năm theo đuổi đề tài không thể nói là dài so với chững công trình về sinh học, toán học (có khi mất tới 2, 3 năm) nhưng cũng không phải là ngắn. Cả 3 đã thực sự trưởng thành lên không chỉ về kiến thức mà cả nhiều kỹ năng cơ bản khác, đặc biệt là những kiến thức thực tế vô cùng quý báu.
Dĩ nhiên, có thành công nào mà không phải trải qua thử thách, chỉ cần lúc đó chúng ta giữ được sự vững tâm và lòng kiên trì. NCKH cũng vậy, không những là khám phá tri thức, hiểu sâu về một lĩnh vực mà còn là một sự thử thách thực sự với những ai đam mê tìm tòi.
Và xin được dành những dòng cuối cùng này để cảm ơn ĐHKT, cảm ơn các thầy cô trong Khoa QTKD, đặc biệt là TS. Nguyễn Đăng Minh - người đã thổi ngọn lửa đam mê và trực tiếp dẫn dắt nhóm, cảm ơn những người bạn đã sát cánh bên chúng tôi và hết lòng ủng hộ để nhóm có thể đi đến ngày hôm nay!
__________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN: