Trang tin tức sự kiện
 
Seminar “Phương pháp nghiên cứu khoa học sinh viên”: Một buổi giao lưu hiệu quả của sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế với TS. Võ Trí Thành

Buổi tọa đàm của sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT với TS. Võ Trí Thành
Chiều ngày 6/12/2009, Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học sinh viên” dưới sự chủ trì của TS. Khu Thị Tuyết Mai - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế. Tại cuộc hội thảo, sinh viên đã có cơ hội lắng nghe và trao đổi với TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, diễn giả chính của chương trình.


TS. Võ Trí Thành (xin được gọi là thầy Võ Trí Thành) là một trong những “nhân vật” có ảnh hưởng lớn đến sinh viên kinh tế, đặc biệt là sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế. Sự ảnh hưởng này có thể do sự mộc mạc, chân thành và gần gũi đối với sinh viên của Thầy hay cũng có thể là vì cảm nhận riêng của mỗi người. Với sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Thầy luôn dành cho một tình cảm đặc biệt, năm nào Thầy cũng dành thời gian để chia sẻ với sinh viên Khoa về phương pháp luận nghiên cứu khoa học và hơn nữa đó chính là những trải nghiệm của Thầy và những lời khuyên chân thành đến sinh viên. Với riêng người viết, một sinh viên của Khoa Kinh tế Quốc tế được Thầy hướng dẫn nghiên cứu khoa học, đã có rất nhiều dịp được lắng nghe Thầy nói về phương pháp nghiên cứu nhưng dường như lúc nào cũng mới, mới từ cách trình bày đến cách trao đổi...
Thầy đã bắt đầu bài trình bài bằng một câu hỏi “Kinh tế học có phải là khoa học?”, qua đó dẫn dắt để sinh viên hiểu thế nào là kinh tế học - thế nào là khoa học và thế nào là nghiên cứu kinh tế. Bốn đặc trưng của khoa học được nêu ra làm hệ quy chiếu cho kinh tế học nói chung và các khoa học khác nói riêng là “Thực tiễn - Lý luận - Kiểm định - Ứng dụng và nhìn lại”, tiếp đến là phân tích những đặc thù của kinh tế học khi là một khoa học trong đó nổi bật là đặc thù ứng dụng - hàm ý chính sách của nghiên cứu.


Tiếp đến Thầy đã chia sẻ với sinh viên về cách thức chọn một đề tài nghiên cứu. Có thể nói rằng đây chính là “cửa ải thách thức” đầu tiên đối với sinh viên. Nếu chọn được một đề tài phù hợp thì quá trình sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đó có thể là một vấn đề trong giáo trình - ứng dụng lý thuyết vào thực tế nền kinh tế Việt Nam xem có đúng không, hay là qua nghiên cứu các diễn biến và hiện tượng thực tế như các chính sách của nền kinh tế, các kết quả nghiên cứu trước đó... hoặc có thể nghiên cứu các vấn đề tranh cãi hiện nay. Tuy nhiên, cần chú ý rằng không nên chọn đề tài rộng quá vì khi nghiên cứu sẽ không tập trung vào trọng tâm, hoặc nếu nhỏ quá thì sẽ khó có số liệu nghiên cứu hay các tài liệu tham khảo.
Từ kinh nghiệm học tập và làm việc, Thầy cho rằng điều quan trọng nhất của một nghiên cứu khoa học sinh viên chính là “câu hỏi nghiên cứu” - và đây là một trong những thiếu sót của nhiều nghiên cứu hiện nay. Nếu sinh viên xác định được câu hỏi nghiên cứu của mình là gì thì gần như đã hoàn thành 50% đề tài nghiên cứu. Do vậy, trước khi làm đề tài sinh viên cần phải làm rõ “Đề tài nghiên cứu của mình trả lời cho câu hỏi gì?”
Tiếp đó, Thầy đã trình bày về cấu trúc trình bày của một bài nghiên cứu khoa học sinh viên từ lời mở đầu cho đến kết luận với một vài điểm nhấn quan trọng nhất định. Phần mở đầu, cần chú ý vào lý thuyết dẫn dắt cho nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu và phương pháp tiếp cận - giải thích tại sao lại chọn cách tiếp cận này? Tính ưu việt của tiếp cận này so với các tiếp cận khác? Tiếp đến là khuôn khổ phân tích, sinh viên cần phải chứng minh tính hợp lý của lý thuyết - có thể sáng tạo ra một lý thuyết mới, hay sửa đổi một lý thuyết hiện hành hoặc đơn thuần là chỉ áp dụng vào thực tiễn (phù hợp nhất với sinh viên). Điều quan trọng nhất là làm cho người đọc hiểu những khái niệm cơ bản nhất và nếu có thể hãy so sánh / đối chiếu với những nghiên cứu đã biết. Thầy cũng đã khuyến khích sinh viên sử dụng các công cụ kinh tế lượng để nghiên cứu nếu có thể. Bàn về kết quả mô hình / nghiên cứu, Thầy trao đổi rằng nếu gặp phải kết quả mà ngược với lý thuyết được đề cập thì không nên từ bỏ mà phải kiểm tra lại quy trình. Nếu quy trình đúng thì cố gắng giải thích tại sao “kết quả lại như vậy”! Điều này sẽ thật sự tạo nên sự “HẤP DẪN” của nghiên cứu. Thầy cũng đã khuyến khích sinh viên nếu có thể hãy phân tích độ nhạy cũng như độ ổn định của mô hình. Trong phần Kết luận, cần nêu lên những kết quả đạt được cũng như những hạn chế của đề tài làm tiền đề cho các nghiên cứu về sau. Và Thầy khuyên sinh viên nên đưa ra các hàm ý chính sách trong phần này mà không cần tách ra một chương riêng và đảm bảo rằng các chính sách đưa ra cần phù hợp với phương pháp tiếp cận cũng như dựa trên kết quả nghiên cứu .
Để giúp sinh viên có thể thuận tiện tìm số liệu cho nghiên cứu, Thầy đã gợi ý một số nguồn phổ biến dành cho nghiên cứu vĩ mô như IMF (Country report), ADB, WB hay Tổng cục thống kê và nghiên cứu vi mô như Thống kê các doanh nghiệp Việt Nam hay các số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Thầy cũng đã trao đổi với sinh viên cách thức thực hiện một trích dẫn sao cho khoa học và hướng dẫn sinh viên sử dụng cách tiếp cận theo kiểu Havard (Havard style) vì đây là một cách trích dẫn phổ biến và có tính quốc tế cao.
Phần hỏi - đáp cuối chương trình đã diễn ra hết sức sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt ra và đã được Thầy trả lời một cách hết sức sâu sắc và nhiệt tình. Bên cạnh đó, Thầy đã đưa ra rất nhiều gợi ý về hướng đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế trong năm học 2009 - 2010 liên quan đến các lĩnh vực đặc trưng của kinh tế quốc tế: đầu tư, thương mại và tài chính quốc tế.
Buổi Seminar đã diễn ra tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc trong các sinh viên tham gia. Đây là một hoạt động hiệu quả đối với sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế nói chung và đối với bản thân người viết khi lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.


Nguyễn Minh Anh (51CLC - KTĐN)