Trang tin tức sự kiện
 
Quy chế đào tạo đại học mới đòi hỏi cả người dạy - người học đều phải chủ động hơn

Ngày 10/9/2007 vừa qua, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định ban hành văn bản mới về “Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQGHN”. Ngay khi vừa chính thức được công khai, bản quy chế đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên thuộc các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN.


Rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, người ủng hộ, người thắc mắc và cũng có một số người không bày tỏ thái độ. Xoay quanh một số vấn đề liên quan đến bản quy chế mới này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết đây là bản quy chế thứ bao nhiêu tình từ thời điểm năm 1993, khi ĐHQGHN được thành lập?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Đây là bản Quy chế đào tạo thứ tư của ĐHQGHN tính từ năm 1993 đến nay. Mỗi giai đoạn phát triển, ĐHQGHN đều ban hành các văn bản pháp quy để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn đó. Trước năm 2004, Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành 2 quy chế đào tạo đại học và sau đại học chung. Song do sự phát triển về số lượng và chất lượng các ngành và các lĩnh vực đào tạo, đồng thời để phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các ban chức năng, tăng cường gắn kết hoạt động khoa học công nghệ với đào tạo sau đại học, đến ngày 4/2/2004, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 10/ĐT ban hành Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQGHN, quy định cụ thể những điểm cơ bản nhất của phương thức triển khai tổ chức đào tạo theo niên chế, áp dụng cho tất cả các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN. Còn Quy chế đào tạo sau đại học được ban hành riêng.
PV: Quy chế mới về đào tạo đại học ở ĐHQGHN mới hơn, ưu việt hơn quy chế cũ ở những điểm cụ thể nào theo ông đánh giá?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQGHN mới được ban hành theo Quyết định số 3413 ngày 10/9/2007 của Giám đốc ĐHQGHN là Quy chế đào tạo phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ, áp dụng cho các khoá QH-2006 và QH-2007 ở tất cả các đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHQGHN, theo Kết luận của Giám đốc ĐHQGHN tại phiên họp Ban Chỉ đạo thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ (Thông báo số 1948/ĐT ngày 17/11/2006). Các khoá đào tạo khác ở ĐHQGHN vẫn áp dụng Quy chế đào tạo cũ, tức là Quy chế đào tạo đại học được ban hành theo Quyết định số 10/ĐT ngày 4/2/2004 vẫn còn giá trị sử dụng cho năm học 2007-2008.
Như vậy, năm học 2007-2008, ĐHQGHN đồng thời có 2 quy chế đào tạo đại học được áp dụng và cùng có hiệu lực. Một quy chế đào tạo đại học theo niên chế, áp dụng cho các khoá QH-2005 trở về trước; một quy chế đào tạo đại học phù hợp phương thức đào tạo theo tín chỉ, áp dụng cho các khoá QH-2006 và QH-2007 theo chương trình đào tạo đã được chuyển đổi theo tín chỉ, mới được Giám đốc ĐHQGHN ban hành đầu năm học. Nói cho cùng thì thật không đơn giản khi so sánh quy chế nào ưu việt hơn, mà vấn đề là mỗi quy chế phù hợp tương ứng riêng với từng phương thức đào tạo hiện hành, cả 2 quy chế này đều giúp các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN triển khai thống nhất, có hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.
PV: So với bản quy chế chung của Bộ Giáo dục & Đào tạo về đào tạo đại học thì theo ông bản Quy chế đào tạo đại học mới này ở ĐHQGHN có gì khác biệt?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, áp dụng đối với sinh viên các khoá đào tạo hệ chính quy ở trình độ đại học và cao đẳng trong các đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng thực hiện theo hình thức tích luỹ tín chỉ, mà chúng ta quen gọi là áp dụng 100% phương thức đào tạo theo tín chỉ. Còn Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQGHN mới được ban hành theo Quyết định số 3413 ngày 10/9/2007 của Giám đốc ĐHQGHN là quy chế đào tạo mới chỉ áp dụng những yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ mà thôi, phù hợp với lộ trình giai đoạn I (2007-2010) ở ĐHQGHN.
Về cơ bản, Quy chế đào tạo đại học mới của ĐHQGHN đã tích hợp được những vấn đề chung nhất và phù hợp với các điều đã nêu trong Quy chế đào tạo của Bộ Bộ Giáo dục & Đào tạo, không có gì mâu thuẫn, nhưng điều khác biệt là: ĐHQGHN yêu cầu chất lượng cao, phù hợp với sứ mệnh đã nêu trong Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến 2010 và tầm nhìn 2020, do đó một số điều đòi hỏi cao hơn, ví dụ điều kiện với đối tượng học văn bằng thứ hai... Hơn nữa, trong giai đoạn I chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, ĐHQGHN chưa yêu cầu đòi hỏi, mà chỉ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đào tạo chủ động đăng ký, sớm áp dụng 100% phương thức đào tạo theo tín chỉ. Do đó Quy chế đào tạo đại học mới ở ĐHQGHN chưa quy định kỹ việc đăng ký học tập, số tín chỉ tích luỹ trong một học kỳ, nhiệm vụ của cố vấn học tập... Đơn vị đào tạo nào chủ động đăng ký và được Giám đốc ĐHQGHN cho phép thí điểm triển khai tổ chức đào tạo hoàn toàn theo tín chỉ 100% thì phải nghiên cứu kỹ cả 2 quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của ĐHQGHN để xây dựng Quy định học vụ chi tiết, cụ thể phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị mình.
PV: Đây là một bản quy chế mới với những quy định mới gắn với phương thức đào tạo theo tín chỉ, vậy theo ông các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN, cán bộ, giảng viên và đặc biệt là sinh viên phải chú ý đến nội dung trọng tâm nào, điều khoản nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Đã là một văn bản quy chế pháp quy được Giám đốc ĐHQGHN ban hành thì mọi cán bộ, giảng viên và sinh viên đều có trách nhiệm tìm hiểu và nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng quy chế đào tạo. Đặc biệt chúng tôi rất mong các đồng chí cán bộ quản lý đào tạo các cấp của ĐHQGHN có kế hoạch in, sao và phổ biến quy chế đào tạo mới này tới mọi đối tượng liên quan để cùng đồng thuận áp dụng đúng các điều của Quy chế đào tạo.
PV: Lãnh đạo ĐHQGHN mà trực tiếp là Ban Đào tạo đã có những giải pháp cụ thể nào để chỉ đạo việc triển khai bản quy chế này xuống từng đơn vị, đến từng đối tượng cần thiết? Nếu muốn được giải đáp những khúc mắc liên quan đến Bản quy chế đào tạo đại học mới này thì giảng viên và sinh viên sẽ phải tìm đến những kênh thông tin nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Ban Đào tạo đang phối hợp chặt chẽ với Khoa Sau đại học và Ban Khoa học Công nghệ để tổ chức tập huấn về 2 quy chế đào tạo mới ban hành ở ĐHQGHN; Quy chế đào tạo đại học và Quy chế đào tạo sau đại học. Mong rằng các đơn vị đào tạo chủ động tổ chức tập huấn cho các cán bộ, giảng viên và sinh viên của đơn vị mình về quy chế đào tạo cũng như các quy định, hướng dẫn của ĐHQGHN. Chỉ khi mọi người cùng hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ thông tin, chúng ta mới có được sự đồng thuận, nhất trí cao và văn bản quy chế đào tạo mới thực sự đi vào cuộc sống.
Cũng như Văn phòng và các ban chức năng khác, Ban Đào tạo sẵn sàng được trao đổi giải đáp mọi thắc mắc liên quan tới thực hiện Quy chế đào tạo đại học cũng như các văn bản hướng dẫn, quy định khác liên quan tới triển khai hoạt động đào tạo ở ĐHQGHN, các bạn có thể hoặc liên hệ trực tiếp hoặc qua e-mail. Hy vọng Bản tin của ĐHQGHN là một kênh thông tin hiệu quả giúp bạn đọc hiểu đầy đủ hơn về sự nghiệp và từng bước trưởng thành của ĐHQGHN.
PV: Xin cảm ơn ông.
______________________________________
Ghi chú:

  •  Giờ tín chỉ: Là đại lượng được dùng làm đơn vị để đo thời lượng lao động học tập của sinh viên. Giờ tín chỉ được phân thành 3 loại gồm: Giờ tín chỉ lên lớp (với 1 tiết lên lớp và 2 tiết tự học); Giờ tín chỉ thực hành (với 2 tiết thực hành và 1 tiết tự học); Giờ tín chỉ tự học (với 3 tiết tự học). Một tiết học được tính bằng 50 phút

  •  Tín chỉ: Là đại lượng xác định khối lượng kiến thức, kỹ năng (trung bình) mà sinh viên tích lũy được từ môn học trong 15 giờ tín chỉ được thực hiện mỗi tuần 1 giờ và kéo dài 15 tuần/học kỳ. Tín chỉ được sử dụng làm đơn vị để tích lũy khối lượng học tập của sinh viên.


Tuấn - Minh (thực hiện)