Trang tin tức sự kiện
 
Số lượng công bố quốc tế tăng mạnh - thành tích đáng khích lệ của ĐHKT

Hoạt động hợp tác quốc tế của Trường Đại học Kinh tế góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên Nhà trường (Ảnh: Đỗ Đỗ)
Trong những năm gần đây, số lượng công bố quốc tế của trường tăng mạnh với chất lượng ngày càng cao, năng lực nghiên cứu của các cán bộ giảng viên ngày càng tiệm cận chuẩn quốc tế cũng như trở nên đồng đều ở tất cả các đơn vị trong trường.


Năm 2016, Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp thứ hạng cao về công bố ISI (SSCI) theo phân ngành Kinh tế và Kinh doanh trong top 15 trường đại học ở Việt Nam. Kết quả này được nhóm dự án S4VN (Trắc lượng Khoa học Việt Nam) công bố trong bảng thống kê SSCI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information - ISI) về 15 cơ sở giáo dục đào đạo Việt Nam dẫn đầu về công bố bài báo ISI giai đoạn 2011-2015 (1/1/2011 - 26/10/2015).

Theo đó, trong phân ngành này, ĐHQGHN xếp thứ 2 với 14 bài, trong đó có đến 13 bài được đóng góp bởi Trường ĐHKT, và chỉ sau Đại học Kinh tế Quốc dân (25 bài). Hơn nữa, các chỉ số đo lường chất lượng bài báo xuất bản cũng khá tốt, với thứ hạng trích dẫn (hạng 3) và chỉ số H (hạng 2) so với 15 trường được xếp hạng ở trên.


Thành tích này có được là do sự say mê nghiên cứu và nỗ lực không mệt mỏi của các giảng viên, nghiên cứu viên của trường. Đặc biệt là trong những năm gần đây, số lượng công bố quốc tế của trường tăng mạnh với chất lượng ngày càng cao, năng lực nghiên cứu của các cán bộ giảng viên ngày càng tiệm cận chuẩn quốc tế cũng như trở nên đồng đều ở tất cả các đơn vị trong trường.

Riêng năm học 2015-2016, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tiếp tục duy trì số lượng công bố quốc tế ở mức cao: 18 bài trên hệ thống ISI/Scopus trong tổng số 34 bài công bố quốc tế. Đặc biệt trong năm học này, lần đầu tiên số lượng bài báo quốc tế được thực hiện đều ở 6 Khoa trực thuộc: Khoa KTQT (8 bài), KTCT (8 bài), QTKD (6), TCNH (5), KTPT (5), KTKT (2). Trong đó, có một số bài báo được xuất bản ở các tạp chí xếp hạng cao (Q1 trong xếp hạng ISI hay Scopus) như tạp chí: Applied Mathematical Modelling; Expert Systems with Applications; Environmental and Resource Economics; Journal of Business Ethics;  International Journal of Production Economics; International Journal of Simulation Modelling.

Số lượng bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc ISI/Scopus trong tổng số các công bố quốc tế của Trường Đại học Kinh tế trong các năm gần đây


Số lượng bài báo quốc tế của cán bộ, giảng viên Nhà trường chiếm tỷ trọng ngày càng cao so với số lượng bài báo trong nước và các sản phẩm công bố quốc tế là những sản phẩm khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên độc lập hoặc đồng tác giả với các học giả trong nước và quốc tế.

Tỉ trọng bài báo quốc tế và bài báo trong nước của Trường Đại học Kinh tế trong những năm gần đây

Một số nội dung nghiên cứu trong các công bố có thể kể đến như: Đánh giá khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam; Tăng trưởng, nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa; Hội nhập của Việt Nam với các nền kinh tế khu vực; Ngành chè Việt Nam: Phân tích từ cách tiếp cận chuỗi giá trị; Vai trò chiến lược của các nước châu Á trong chuỗi giá trị toàn cầu; Tác động sinh thái của các cơn bão nhiệt đới ở khu vực ven biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh, Việt Nam); Áp dụng Kaizen trong các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ Việt Nam; Nguồn thu nhập và bất bình đẳng giữa các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, Việt Nam; Các yếu tố Góp phần vào sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Hà Nội, Việt Nam; Ngân hàng xanh - kinh nghiệm quốc tế và triển vọng cho Việt Nam…

Chỉ tiêu về số lượng bài báo đăng trên tạp chí thuộc ISI hoặc/và Scopus trên cán bộ khoa học trong 5 năm gần đây của trường đạt 0,68 (69 bài báo/101 giảng viên), vượt mức 136% so với chỉ tiêu của Đại học Quốc gia Hà Nội (0,5). So với các trường thành viên khác, Trường Đại học Kinh tế có quy mô tương đối nhỏ trong, do đó, đây có thể coi là thành tích đáng khích lệ của Trường về sản phẩm nghiên cứu khoa học cả về mặt lý thuyết và thực tế.

Để đạt được thành tựu trên, hoạt động hợp tác quốc tế cũng góp phần không nhỏ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ giảng viên Trường Đại học Kinh tế, cũng như tạo môi trường và mạng lưới quốc tế, tăng cường cơ hội giao lưu và kết nối rộng rãi.

Một số hoạt động đã triển khai có hiệu quả như: tổ chức các buổi thỉnh giảng về nội dung chuyên môn với các học giả quốc tế (như học giả Fulbright), đặc biệt có Tọa đàm về chuẩn bị bản thảo cho bài báo khoa học quốc tế của Giáo sư Luc Hens tới từ Đại học VRIJE Universiteit Brussel (VUB) - Bỉ, hiện là Tổng biên tập tạp chí thuộc ISI: "Environment, Development and Sustainability".

Ngoài ra, hoạt động hợp tác cũng giúp tăng cường hỗ trợ cho các công bố quốc tế thông qua những tổ chức như Thakral In Sewa, theo đó Thakral đã trao phần thưởng trị giá 10 triệu đồng cho 5-10 giảng viên trẻ/năm với sản phẩm công bố quốc tế trên hệ thống ISI/Scopus.

Các kết quả công bố quốc tế trong những năm gần đây đã phần nào thể hiện sự phát triển đúng định hướng của Nhà trường là trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. Kết quả trên cũng góp phần khẳng định năng lực nghiên cứu tiếp cận chuẩn quốc tế của các giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Nguyễn Bích Hà Phòng NCKH&HTPT