Trang tin tức sự kiện
 
Thông tin luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Hải Minh

Đề tài: Văn hóa doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế - Phân tích trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam


. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Hải Minh

2. Giới tính: Nam

3. Ngày sinh: 27/09/1982

4. Nơi sinh: Hà Nội

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 1250/QĐ-ĐHKT ngày 19 tháng 07 năm 2011 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo:

Điều chỉnh tên Đề tài luận án, theo quyết định số 1928/QĐ-ĐHKT ngày 23 tháng 8 năm 2012 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội:

- Đề tài cũ: Phát triển văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

- Đề tài mới: Văn hóa doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế - Phân tích trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

7. Tên đề tài luận án: Văn hóa doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế - Phân tích trường hợp Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

8. Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh

9. Mã số: 62.34.05.01.

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS. TS Đỗ Minh Cương

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

Về mặt lý luận:

Một là, luận án đã tổng quan được các công trình nghiên cứu tiêu biểu trên thế giới và Việt Nam về khái niệm VHDN, vai trò của VHDN, phân loại VHDN, phân tích các nhân tố tác động đến VHDN, các mô hình VHDN và phương pháp đo lường VHDN. Bằng nghiên cứu tài liệu và nghiên cứu định tính, tác giả đã đưa ra một số đặc điểm nổi bật trong VHDN của các NHTM so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Hai là, luận án đã tiếp cận nghiên cứu VHDN ở một góc độ mới đó là quan sát và phân tích sự thay đổi của các cấp độ VHDN, sự dịch chuyển của mô hình VHDN giữa hai giai đoạn khác nhau. Đã có nhiều công trình ở Việt Nam nghiên cứu về VHDN nói chung và VHDN trong các NHTM nói riêng nhưng hoặc là tiếp cận theo mô hình 3 cấp độ (Schein, 2004) hoặc theo mô hình 4 loại hình văn hóa OCAI (Camaron và Quinn, 2011) hoặc theo mô hình DOCS (Denison, 2007) một cách độc lập chứ không kết hợp nghiên cứu đồng thời các mô hình trên nhằm phân tích tổng quan nhiều mặt VHDN của đơn vị nghiên cứu. Vì vậy, cách tiếp cận mới của luận án có thể nói đã góp phần làm sâu sắc thêm lý luận về VHDN.

Ba là, luận án đã bước đầu xây dựng được thang đo các cấp độ VHDN với điều kiện các NHTM Nhà nước ở Việt Nam. Điều này có ý nghĩa gợi ý trong các nghiên cứu tiếp theo về VHDN, đó là cụ thể hóa thang đo các cấp độ VHDN vào từng lĩnh vực, ngành nghề và đơn vị.

Về mặt thực tiễn:

Một là, luận án đã đánh giá được một số khía cạnh quan trọng trong các cấp độ VHDN và sự thay đổi của các cấp độ VHDN tại ngân hàng Vietcombank nói riêng và các NHTM Nhà nước ở Việt Nam nói chung giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Luận án cũng đã chứng minh được sự khác biệt trong đánh giá các cấp độ VHDN theo những yếu tố nhân khẩu học của nhân viên ngân hàng.

Hai là, luận án đã xác định được mô hình VHDN và xu hướng dịch chuyển của mô hình VHDN tại ngân hàng Vietcombank và một số NHTM Nhà nước khác ở Việt Nam giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Theo mô hình 4 loại hình VHDN của Quinn và Camaron, 2011).

Ba là, luận án đã đánh giá, lý giải nguyên nhân sự thay đổi các cấp độ VHDN và sự dịch chuyển mô hình VHDN của ngân hàng Vietcombank, từ đó nhận diện và đề xuất những điểm trọng tâm cần ưu tiên đầu tư trong xây dựng VHDN tại ngân hàng Vietcombank thời gian tới.

Bốn là, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án đã đưa ra một số đề xuất giải pháp đối với các NHTM Nhà nước ở Việt Nam nhằm củng cố các cấp độ VHDN, định hình mô hình VHDN phù hợp, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả áp dụng VHDN, từ đó tăng cường lợi thế cạnh tranh, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các NHTM Nhà nước ở Việt Nam.

12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:

  • Bộ câu hỏi đánh giá các cấp độ văn hóa doanh nghiệp và mô hình văn hóa doanh nghiệp được sử dụng trong luận án có thể được tiếp tục bổ sung, cải thiện để áp dụng đánh giá các cấp độ văn hóa doanh nghiệp và mô hình văn hóa doanh nghiệp của các loại hình doanh nghiệp khác, từ đó giúp lãnh đạo doanh nghiệp định hình được bức tranh tổng thể về thực tế văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị mình.
  • Các đề xuất giải pháp trong luận án đối với các NHTM Nhà nước ở Việt Nam có thể được nghiên cứu áp dụng với các loại hình ngân hàng hoặc doanh nghiệp khác nhằm củng cố các cấp độ VHDN, định hình mô hình VHDN phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả áp dụng VHDN, tăng cường lợi thế cạnh tranh, đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:

Tác giả đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo như sau:

  • Nghiên cứu trong tương lai có thể mở rộng nội dung nghiên cứu, đưa thêm các yếu tố thuộc cấp độ văn hóa thứ hai “Những giá trị chung được thống nhất” và cấp độ văn hóa thứ ba “Những ngầm định cơ bản” vào nội dung nghiên cứu.
  • Bên cạnh đó, nghiên cứu trong tương lai cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, mở rộng nghiên cứu tới các NHTM tư nhân và các NHTM nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
  • Ngoài lĩnh vực ngân hàng, nghiên cứu về VHDN có thể mở rộng thực hiện với nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ khác.

14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:

- “Vận dụng mô hình văn hóa doanh nghiệp nghiên cứu về quản trị của các ngân hàng thương mại nhà nước ở Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, “Giảng dạy và nghiên cứu Khoa học quản lý : Lý luận và thực tiễn”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, tháng 1/2016.

- “Changes in Adaption to Organizational Culture Levels in Vietnamese Commercial Banks Before and After WTO Participation”, Asian Social Science, ISSN 1911-2017, Vol. 11, pp.104-111.

- “Mô hình văn hóa doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại Nhà nước trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN - Kinh tế và Kinh doanh, ISSN 0866-8612, Tập 31, Số 3 (2015) tr. 10-20.

- “Các lý thuyết, mô hình về lãnh đạo, quản lý bằng văn hóa”, Kỷ yếu Hội thảo “Thực tiễn lãnh đạo, quản lý tại vực công và tư ở Việt Nam hiện nay: Những điển hình tiên tiến”, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, tháng 8/2015.

- “Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp trong các ngân hàng thương mại Nhà nước ở Việt Nam giữa hai thời kỳ trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO ”, Tạp chí Khoa học Thương mại, ISSN 1859-3666, Số 82+83 (6-7/2015) tr. 108-116.

- “Về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Trung ương”, Kỷ yếu Hội thảo “Khoa học lãnh đạo, quản lý và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam hiện nay”, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, tháng 1/2015.


UEB_net