Trang tin tức sự kiện
 
Khách sạn người nghèo giữa lòng Hà Nội

Dự án Thriive Hà Nội và công ty Bách Việt sẽ chung tay cùng ông Hiệp vệ sinh 3 khu trọ (ảnh Zing)
Ai không may gắn bó tuổi thơ tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì chắc hẳn không thể biết ông Nguyễn Thế Hiệp - chủ 3 khu nhà trọ tiện như khách sạn cho người nghèo trong ngõ 879 Đê La Thành.


Từ đạp xích lô sang chủ trọ

Chúng tôi tìm đến xóm trọ ông Hiệp vào một buổi chiều nắng chói chang, ngay cổng vào là rất nhiều người già và trẻ nhỏ đang quạt cho nhau xua đi cái nắng ngày hè. Hỏi ông Hiệp, ai cũng cười vui vẻ chỉ “ông ấy kia kìa”, đó là một người đàn ông nhỏ con đang cần mẫn nhặt từng cái rác trong khu nhà trọ.

Mời chúng tôi vào nhà, ông Hiệp tâm sự, vốn quê ở Hà Nam thời chiến tranh đi bộ đội về rồi làm nghề đạp xích lô. Thời ấy, đất đai rộng rãi, ông tích góp mua rẻ được mảnh đất ở cổng Bệnh viện Nhi bây giờ, công việc đạp xích lô thường xuyên tiếp xúc người nghèo, người bệnh từ quê xa đến rồi nghe họ trải lòng cuộc đời mà ông không khỏi xót xa. Ông kể, có lần gặp người bệnh nằm khóc một mình ở cổng bệnh viện vì tiền mang đi bị kẻ cắp lấy mất, bệnh thì không chữa được, thương người ông đón về nhà ở tạm rồi hỗ trợ tiền về quê.

 
Ông Nguyễn Thế Hiệp mong muốn nhiều tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ người nghèo (ảnh Zing)

Đau đáu mãi với những cảnh người nghèo khổ, ở lay lắt những ngày đi chữa bệnh vì tiền thuê nhà trọ không có, năm 1994 ông nảy sinh ý định cho thuê nhà trọ bằng giá xe buýt. Ông cùng vợ và các con sửa sang lại nhà cửa, mua đồ đạc và treo biển cho thuê nhà trọ bằng giá xe buýt với ước vọng giúp đỡ tối đa cho người nghèo, để họ không chịu cảnh màn trời chiếu đất những ngày nằm viện nữa.

Hồi đó, xe buýt giá 3 nghìn đồng rồi lên 7 nghìn, bây giờ ông Hiệp cho thuê với giá từ 10 đến 15 nghìn một ngày, ai hết tiền ông cho ở miễn phí. Đến nay, ông Hiệp có 54 phòng trọ, trong đó có nhiều phòng là thuê lại của người không sử dụng đến, số người ở trọ hằng ngày khoảng 100 người. Mọi người thường gọi ông là "Hiệp khùng" vì tính đi tính lại tiền thu chi hằng ngày ông chẳng để ra đồng nào ngoài hai bữa cơm đạm bạc.

Chị Lò Thị Hà (21 tuổi) nghẹn ngào chia sẻ về ông Hiệp, người đã cưu mang gia đình mình. Chị kể, hai vợ chồng chị cùng mẹ từ Điện Biên lên đây để chữa bệnh cho con bị viêm não. Do chi phí chữa bệnh quá lớn mà hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, số tiền dành dụm được chỉ đủ trả viện phí, vì vậy hai vợ chồng và mẹ chị chỉ có thể ngủ ở hành lang bệnh viện, bữa ăn bữa không.

Dự án Thriive chung tay cùng "ông già khùng"

Biết được việc làm nghĩa hiệp của ông Hiệp mấy chục năm nay, Dự án Thriive Hà Nội thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Công ty vệ sinh công nghiệp Bách Việt tới thăm khu xóm trọ của ông và lên kế hoạch giúp đỡ vệ sinh. Cả xóm trọ, hầu như toàn là người nghèo, có con ốm nằm dài ngày ở bệnh viện, có người ở đây đã 3 năm ròng, họ còn nói vui “con mình do bệnh viện nuôi, dứt viện ra không biết sẽ thế nào”.

Khu trọ của ông Hiệp qua thời gian đã xuống cấp rất nhiều, tuy ông và các nhân công luôn cố gắng dọn dẹp và cung cấp tiện nghi nhất cho khách trọ nhưng cảnh “đi viện” thì nheo nhóc đã hiện rõ. Bản thân ông Hiệp luôn khao khát một điều rằng khu trọ của mình có ngày sẽ không cần hoạt động nữa nếu như bệnh viện đáp ứng hết phòng trọ cho bệnh nhân và đặc biệt là giảm giá tối đa cho người nghèo. Ông bảo, gọi là khách sạn cho người nghèo vì có cả điều hòa, wifi, nước máy chứ nói thật cũng khu trọ đã xuốngcấp, nhiều chỗ ẩm thấp, tường bong chóc, chỉ có tình người nghèo khổ mới níu chân họ lại được với nhau.

 
 
Công ty Bách Việt sẽ hỗ trợ vệ sinh cho xóm trông Hiệp 

Ông chia sẻ: Tôi mà có nhiều tiền tôi đập đi xây lại xây hẳn cái chung cư cho người nghèo, tôi không phải kinh doanh gì nên chỉ muốn bệnh viện đáp ứng được chỗ ở tiện nghi cho bệnh nhân rồi tôi cũng “nghỉ hưu”. Hoặc các bệnh viện xây mới phải tính trước được số phòng lưu trú cho bệnh nhân nghèo từ các nguồn kinh phí xã hội hóa, chứ cứ để thuê trọ manh mún ở ngoài vừa tốn kém vừa gây ùn tắc giao thông. Nhưng trước mắt, ước mơ đó còn xa vời nên được sự giúp đỡ của Thriive Hà Nội và Công ty Bách Việt vệ sinh được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Nhìn trước mắt là tòa nhà Vincom hiện đại, đằng sau là khu nhà trọ đã xuống cấp mà ai cũng phải chạnh lòng: Sao khoảng cách giàu - nghèo nó lớn thế, chỉ cách nhau có vài bước chân.

Theo như dự kiến, Dự án Thriive Hà Nội và Công ty Bách Việt sẽ tổng vệ sinh 3 khu trọ của ông Hiệp mỗi tuần một lần bằng máy công nghiệp, tăng nhân công và một số hóa chất tẩy rửa, khử mùi từ nay đến Tết nguyên đán.

Trước đó, Công ty vệ sinh công nghiệp Bách Việt đã vay vốn không lãi suất từ Dự án Thriive Hà Nội và bây giờ bắt đầu chiến dịch trả nợ bằng cách hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội qua các hình thức dạy nghề, vệ sinh, trao tặng máy vệ sinh…và xóm trọ ông Hiệp chính là địa chỉ từ thiện đầu tiên mà công ty đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Thriive cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn không lãi suất để mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất, tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Vốn vay được hoàn trả bằng việc trao tặng sản phẩm, dịch vụ hoặc đào tạo nghề từ thiện cho cộng đồng.

Thriive Hà Nội là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Tổ chức Thriive, Hoa Kỳ từ năm 2005 nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình Thriive không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực và có chung mục tiêu phát triển và giúp đỡ cộng đồng. Đến năm 2016, Thriive Hà Nội đã giúp đỡ 116 doanh nghiệp vay vốn của chương trình. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 1.446 lao động mới và hơn 120.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm, dịch vụ từ thiện của chương trình. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ là những cộng đồng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ mồ côi…

 
Mọi thông tin chi tiết liên hệ:
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Nhà G4, số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: http://ceds.ueb.edu.vn/

Nguyễn Công