Trang tin tức sự kiện
 
Hợp tác xây dựng chương trình phát thải Cacbon thấp tại tỉnh Quảng Ninh

Nằm trong chuỗi các hoạt động thực hiện Hợp phần 3 của Dự án “Xây dựng năng lực nghiên cứu chính sách, giáo dục và đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển xanh” (GDPRTE) về Xây dựng Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA). Ngày 23/3/2015, Ban Quản lý dự án (BQLDA) GDPRTE, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi họp nhóm với các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh tại trụ sở UBND tỉnh nhằm giới thiệu tổng quan về chương trình phát thải Cacbon thấp và bàn thảo kế hoạch hợp tác trong việc triển khai xây dựng kế hoạch NAMA.


Tham dự buổi họp nhóm, về phía các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh có TS. Hoàng Danh Sơn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ông Hà Thế Nam - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng các đại diện đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch, Sở Xây dựng, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và đại diện lãnh đạo các huyện. Về phía đoàn công tác của BQLDA GDPRTE có PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN kiêm Giám đốc Dự án Quốc gia cùng một số thành viên thuộc BQLDA. Đặc biệt, buổi làm việc có sự tham gia của đoàn chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường do GS.TS. Trần Thục - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu dẫn đầu.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc nhóm, TS. Hoàng Danh Sơn cho biết, hiện tại Quảng Ninh đang quy hoạch phát triển theo hướng chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ các ngành khai thác khoáng sản sang dịch vụ và hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 trở thành một địa phương có nền công nghiệp hiện đại và là một hình mẫu về phát triển xanh. Trong điều kiện đó, ông Sơn cũng khẳng định rằng UBND tỉnh, cụ thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hợp tác với BQLDA GDPRTE, Trường ĐHKT.

Thay mặt BQLDA, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn gửi lời cảm ơn tới các sở, ban, ngành đã dành thời gian tiếp đón đoàn làm việc. Ông cho biết, thông qua việc thực hiện các hoạt động của Dự án, Trường ĐHKT - ĐHQGHN mong muốn góp phần củng cố vai trò của trường đại học trong việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh Quốc gia, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong Nhà trường, đồng thời góp phần tích cực trong quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh, cụ thể là hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng đề xuất NAMA để xanh hóa nền sản xuất địa phương.

Sau khi nghe giới thiệu tổng quan nhất về các mục tiêu và hoạt động trong khuôn khổ của dự án GDPRTE, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh và Tóm lược các dự án môi trường đang thực hiện tại tỉnh Quảng Ninh, các đại biểu bàn về kế hoạch xây dựng đề xuất hành động NAMA tại tỉnh Quảng Ninh.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, GS.TS. Trần Thục đã giới thiệu đến cán bộ của UBND tỉnh Quảng Ninh các vấn đề cơ bản liên quan đến NAMA, bao gồm có các cơ chế quốc tế về giảm nhẹ biến đổi khí hậu như cơ chế mua bán quyền phát thải; cơ chế bù trừ Cacbon; các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia; Cơ chế Bù trừ Tín chỉ song phương của Nhật Bản (JCM/BOCM). Đồng thời, ông cũng trình bày tổng quan về cách tiếp cận, các bước xây dựng và thực hiện NAMA trên thế giới, trong đó nhấn mạnh kế hoạch làm việc để thực hiện Hợp phần 3 của dự án tại tỉnh.

Trong phần thảo luận, BQLDA đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các cán bộ địa phương. Các nội dung thảo luận tập trung vào khái niệm tăng trưởng xanh, nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh, giải pháp cho mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển nhanh và việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là cơ chế hợp tác giữa hai bên để xây dựng thành công một đề xuất NAMA cụ thể.

Kết thúc chương trình, TS. Hoàng Danh Sơn đã gửi lời cảm ơn Trường ĐHKT - ĐHQGHN vì đã chọn Quảng Ninh làm địa phương hợp tác. Hiện tại, tỉnh có nhu cầu lớn trong việc xanh hóa nền sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Tăng trưởng xanh sẽ là một hướng đi mới đối với tỉnh và cần nhiều nguồn lực để đầu tư. Mặc dù Hợp phần 3 của Dự án về xây dựng đề xuất NAMA chỉ là một hoạt động nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn đối với tỉnh. TS. Hoàng Danh Sơn cũng bày tỏ kỳ vọng rằng, dự án này sẽ góp phần vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế của địa phương và làm nền tảng cho những chương trình hợp tác tiếp theo.


Mai Nguyễn (Ban Quản lý Dự án GDPRTE)