Sáng ngày 30/11/2017, Khoa Tài chính - Ngân hàng (TCNH), Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN đã tổ chức Seminar khoa học cho nghiên cứu sinh (NCS) khóa I trình bày trước khi bước ra tại Hội đồng cấp cơ sở.
Tham dự seminar có PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa, các giáo viên hướng dẫn cùng toàn thể cán bộ giảng viên, NCS của Khoa Tài chính - Ngân hàng và có sự tham gia nhận xét của 2 thầy, cô giảng viên: TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS. TS. Nguyễn Thanh Phương - Học viện Ngân hàng.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của buổi seminar, Buổi seminar được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho NCS trình bày kết quả nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến nhận xét, đóng góp của các giảng viên và NCS khác trong khoa nhằm bổ sung hoàn thiện và nâng cao chất lượng luận án trước khi đưa ra trình bày tại Hội đồng cấp cơ sở sắp tới.
Mở đầu seminar, NCS Trần Long đưa ra những cơ sở lý luận cho lý do chọn đề tài “Quản trị chiến lược của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam sau cổ phần hóa: Nghiên cứu điển hình tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam” làm chủ đề nghiên cứu trong luận án của mình. Cách tiếp cận nghiên cứu của tác giả nhận được sự đồng thuận, nhất trí của hầu hết các nhà khoa học tham dự seminar.
Bài trình bày cũng đưa ra một số điểm mới trong nghiên cứu, điển hình như: xây dựng mô hình quản trị chiến lược theo thông lệ và có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn môi trường hoạt động của các NHTM Việt Nam và BIDV. Đây là một trong những đóng góp của luận án được các khách mời tham dự đánh giá cao và mong muốn tác giả sẽ phát triển hơn nữa để nêu bật điểm mới của nghiên cứu.
Luận án đã làm rõ qui trình quản trị chiến lược quốc tế để đưa ra quy trình quản trị chiến lược phù hợp với điều kiện Việt Nam và BIDV. Các câu hỏi trong bảng hỏi dựa trên thông lệ quốc tế để qua đó đánh giá thực tiễn quản trị chiến lược của BIDV so với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, bài trình bày đã nhận được nhiều góp ý mang tính gợi mở của các giảng viên tham dự về phương pháp nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, cách lựa chọn quy mô nghiên cứu phù hợp.
Buổi thảo luận giữa các giảng viên, giáo viên hướng dẫn và NCS diễn ra sôi nổi. Qua đây, NCS đã nhận được nhiều ý kiến góp ý bổ ích góp phần hoàn thiện và phát triển thêm cho luận án của mình.
Kết thúc seminar, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú đã cảm ơn chân thành tới các ý kiến góp ý của các khách mời tham dự dành cho nghiên cứu của NCS, đồng thời nhấn mạnh thêm mục đích của buổi seminar sẽ trở thành cầu nối để các giáo viên hướng dẫn, các giảng viên và NCS trong khoa có cơ hội giao lưu, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn nhằm phát triển hơn nữa các hướng nghiên cứu trong thời gian tới.