Trang tin tức sự kiện
 
Bế giảng khóa bồi dưỡng “Áp dụng phương pháp mô phỏng trong nghiên cứu và giảng dạy”

Giáo sư Soemon Takakuwa (ngoài cùng bên trái) và PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (ngoài cùng bên phải) trao chứng chỉ cho các học viên
Khóa bồi dưỡng được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Đại học Nagoya - Nhật Bản, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho giảng viên. Chiều ngày 12/9/2013, lễ bế giảng khóa học đã được tổ chức.


Tham dự buổi lễ có GS. Soemon Takakuwa (Trường Đại học Nagoya), PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ThS. Cảnh Chí Dũng - Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự nhà trường.
Diễn ra từ 10/9 - 12/9/2013, khóa học thu hút sự tham gia của 31 học viên là cán bộ, giảng viên trong và ngoài Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT); trong đó 22 học viên đến từ Trường ĐHKT và 9 học viên đến từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn quản lý OCD…GS. Soemon Takakuwa - Chuyên gia về mô phỏng (Trường Đại học Nagoya) đã trực tiếp giảng dạy tại khóa học.
Khóa học được thiết kế để hướng dẫn cho học viên thực hành trực tiếp trên máy tính cá nhân các quy trình, công cụ và kỹ thuật để thực hiện các phân tích mô phỏng hiệu quả. Đặc biệt, khóa học tập trung vào các nguyên tắc cơ bản về cách mô phỏng; làm thế nào để thu thập và phân tích dữ liệu đầu vào; làm thế nào để xây dựng mô hình mô phỏng cơ bản sử dụng phần mềm mô phỏng ARENA; cách xác minh và xác nhận mô hình mô phỏng; cách giải thích (và thực hiện các phân tích thống kê) của đầu ra mô phỏng.
Tham gia chương trình, học viên được làm quen về khái niệm mô phỏng cơ bản, phân tích đầu vào các chỉ định tham số và phân bố, được cài đặt phần mềm mô phỏng Arena vào máy tính cá nhân. Bên cạnh đó, chương trình học còn giới thiệu về hình thức mô phỏng trong vận chuyển thực thể: tuyến đường, vận chuyển và băng tải (Entity Transfer: Routing, Transporter, and Conveyor); các ví dụ thực tế như: hệ thống sản xuất, hậu cần, bệnh viện, cửa hàng bán lẻ, trung tâm điện thoại, sân bay, đường bay.
Tại lễ bế giảng, GS. Takakuwa và PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã trao chứng chỉ hoàn thành khóa học cho các học viên.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn và tặng quà lưu niệm cho GS. Takakuwa


Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới GS. Takakuwa đã tới và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm quý báu tới các cán bộ, giảng viên của Trường ĐHKT nói riêng và của các các đơn vị tham gia nói chung. Thay mặt Trường ĐHKT, ông đã tặng GS. Takakuwa món quà lưu niệm trong thời gian giáo sư làm việc tại trường.

Chia sẻ về khóa học này PGS.TS. Trần Thị Thái Hà (Khoa TCNH, Trường ĐHKT) cho rằng “Đây là một khóa học vô cùng bổ ích và ý nghĩa đối với cá nhân tôi, thông qua khóa học, tôi đã có thể sử dụng tốt phần mềm Arena cho những dự án và đề tài nghiên cứu của mình”.
Thay mặt các học viên đến từ đơn vị ngoài Trường ĐHKT, TS. Dương Mạnh Cường (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cảm ơn GS. Takakuwa và Trường ĐHKT tạo điều kiện cho các học viên có cơ hội học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm của chuyên gia đến từ đất nước phát triển như Nhật Bản.

Lãnh đạo Trường ĐHKT chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và học viên của khóa


Xúc động trước những tình cảm của lãnh đạo nhà trường và học viên của lớp, GS. Takakuwa khẳng định sự phối hợp hiệu quả của hai bên khi thực hiện thành công khóa học “Áp dụng phương pháp mô phỏng trong nghiên cứu và giảng dạy” lần này; đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tiếp tục đạt được kết quả hợp tác tốt hơn nữa trong nghiên cứu, đào tạo cũng như các hoạt động hợp tác khác trong tương lai.
 


Mô phỏng là một phương pháp khoa học tái hiện lại hoạt động của một hệ thống thực (mô hình hoạt động của doanh nghiệp, các hiện tượng kinh tế...vv). Trong giáo dục, mô phỏng trên máy tính là một hướng nghiên cứu định lượng hiện đại giúp dựng ra những kịch bản, phương án tối ưu hóa nguồn lực mà trong thực tế nếu thử nghiệm các phương án đó sẽ mất nhiều chi phí. Đây là xu hướng dạy học mới, nhiều trường đại học trên thế giới đã tìm kiếm và đưa vào vận dụng “phòng thí nghiệm và thực hành ảo”.

Trong nghiên cứu khoa học, mô phỏng là một phương pháp hiệu quả trong nghiên cứu lý thuyết nâng cao và nghiên cứu trong trạng thái, hệ thống phức tạp. Phân tích mô phỏng mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển lý thuyết và định hướng nghiên cứu thực nghiệm. Mô phỏng cung cấp cái nhìn sâu sắc về vận hành của hệ thống phức tạp, và kiểm nghiệm kết quả những vấn đề tranh luận hay lý thuyết giả định.
Trong giảng dạy, các bài giảng có ứng dụng mô phỏng kết hợp phương tiện nghe nhìn hiện đại sẽ tạo cho sinh viên nhiều kỹ năng như: khả năng hoạt động quan sát (các hình ảnh tĩnh hoặc động), khả năng thao tác trên đối tượng, khả năng tự do phát triển tư duy, lựa chọn con đường tối ưu để nhận thức.


Bích Hà - Văn Ba