Trang tin tức sự kiện
 
Triển khai lớp đào tạo mẫu trong khuôn khổ đề tài đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Ninh Bình

Các học viên được nhận Giấy chứng nhận tham gia khóa học
Sau thành công của lớp đào tạo mẫu về Khởi sự kinh doanh, ngày 10/3/2017, Khoa Kế toán - Kiểm toán và Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình tổ chức khóa đào tạo “Kỹ thuật nấu ăn cơ bản” cho 30 học viên là phụ nữ, thanh niên trên địa bàn huyện.


Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ đề tài “Nâng cao hiệu quả mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” do TS. Trần Thế Nữ - Phó Chủ nhiệm khoa Kế toán - Kiểm toán làm chủ nhiệm đề tài. Trên cơ sở các nghiên cứu thực trạng và mô hình đề xuất, nhóm nghiên cứu đã tổ chức các lớp đào tạo mẫu nhằm đánh giá mức độ phù hợp của chương trình đào tạo, nội dung đào tạo, từ đó có thêm cơ sở đề xuất với địa phương các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Về phía Ban tổ chức, giảng viên có TS. Trần Thế Nữ, ThS. Tô Lan Phương và thầy Nguyễn Đại Sơn, cô Phan Thị Việt Hà tham gia tổ chức, giảng dạy. Về phía địa phương, tham dự lễ khai giảng và trao chứng nhận tham gia lớp học có ông Giang Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Yên Khánh và đại diện lãnh đạo Trung tâm đào tạo nghề huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

 
 Các thầy cô giáo hướng dẫn cho các học viên kỹ thuật nấu các món ăn
 

Với mục tiêu đưa các nghề cụ thể, dễ ứng dụng, có thể sử dụng cho các cá nhân khác nhau để tự kinh doanh hay dễ dàng tìm được việc làm ở các nhà hàng, khách sạn phù hợp với môi trường du lịch tiềm năng của Ninh Bình, nhóm nghiên cứu mong muốn triển khai thử nghiệm để đưa các nội dung này trở thành một phần chương trình đào tạo cho lao động nông thôn. Khóa “Kỹ thuật nấu ăn cơ bản” tập trung vào các kỹ thuật hữu ích và dễ sử dụng như trang trí vành đĩa, các món khai vị, các món giòn, các món chiên phù hợp với nguyên liệu có sẵn tại địa phương.

 
Cô Mai Thị Sửu - Học viên lớn tuổi nhất của khóa học vui vẻ chia sẻ những thành quả của mình
 

Trong 2 ngày, các thầy cô giáo đã sử dụng kỹ thuật "cầm tay chỉ việc" để hướng dẫn học viên thực hành được nhiều món ăn cơ bản, trang trí đẹp mắt. Học viên lớn tuổi nhất lớp - cô Mai Thị Sửu vui vẻ chia sẻ với Ban tổ chức: “Khóa học bổ ích lắm, tôi đã tỉa được hoa, nấu ăn và trang trí rất đẹp mắt, khác hẳn với cách chém to kho mặn hằng ngày của nông dân chúng tôi”

Với sự thành công của khóa học, nội dung Kỹ thuật nấu ăn sẽ được nhóm nghiên cứu đề xuất trở thành danh mục đào tạo nghề cho địa phương để mở rộng các đối tượng hưởng lợi từ chương trình này.

 

Trong khuôn khổ đề tài “Nâng cao hiệu quả mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thực hiện theo đặt hàng của Sở KHCN tỉnh Ninh Bình, nhóm nghiên cứu tập trung đánh giá thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh có điều kiện tương đồng phát triển kinh tế và nghiên cứu tiềm năng, xu hướng phát triển của địa phương. Từ đó, nhóm đưa ra các đề xuất mô hình phù hợp về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Ninh Bình nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Từ đó giúp người nông thông trên địa bàn tỉnh dễ dàng hơn trong tiếp cận việc làm hoặc tự khởi sự kinh doanh.

 

 


Trần Thế Nữ (Khoa KTKT)