Trang tin tức sự kiện
 
Khởi động dự án I Research mùa thứ 2 R-Talk 1: “Nghiên cứu khoa học sinh viên - Tôi có thể!”

TS. Nguyễn Anh Thu (áo vàng) chia sẻ với các sinh viên tham gia chương trình
Tiếp nối thành công của dự án hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nghiên cứu khoa học (NCKH) mùa đầu tiên, dự án I RESEARCH mùa thứ 2 tiếp tục được tổ chức với buổi khởi động diễn ra ngày 4/11/2015 vừa qua. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên trong và ngoài trường.


Tham dự chương trình có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Lê Trung Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển; anh Nguyễn Trung Phong - Bí thư Đoàn Thanh niên, chị Trần Thị Thu Hưởng - Phó Bí thư; chị Trần Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên (CSS).
Diễn giả của R-Talk 1 là TS. Nguyễn Anh Thu và bạn Bùi Nguyên Hạnh - Giải Nhì NCKHSV cấp Trường ĐHKT năm 2015.
Trong phần đầu chương trình, Trưởng nhóm dự án I Research Nguyễn Thị Giang đã giới thiệu tới các khách mời và sinh viên về Cộng đồng Sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES) và các dự án sẽ được RCES thực hiện trong năm học 2015 - 2016.
Theo đó, trong mùa nghiên cứu năm nay, RCES sẽ triển khai 3 dự án: I Research, RCES Companion và RCES Sreadout với các hoạt động chính gồm: chuỗi chương trình talkshow chuyên biệt về NCKH dành cho sinh viên ĐHKT mang tên R-Talk; chuỗi chương trình đồng hành cùng “newbie” tham gia dự án RCES Companion; cuộc thi Báo cáo và bảo vệ thử công trình NCKH dành cho sinh viên khối kinh tế trên địa bàn Hà Nội (Defense Trial); hộp thư trực tuyến đồng hành cùng mùa nghiên cứu và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hỗ trợ các sinh viên bắt đầu đến với hoạt động NCKH trên website
www.rces.info.
Với nhiều đổi mới trong hỗ trợ sinh viên ĐHKT năm nay, nhóm dự án I Research kỳ vọng các dự án sẽ thực hiện được những mục tiêu đề ra - truyền cảm hứng NCKH đến sinh viên ĐHKT, thay đổi cách nhìn nhận của sinh viên ĐHKT về hoạt động NCKH và đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho các sinh viên trong suốt hành trình nghiên cứu.
Chia sẻ tại chương trình, TS. Lê Trung Thành nhấn mạnh Trường ĐHKT là trường đại học định hướng nghiên cứu, trong nhiều năm qua, sinh viên của Trường đã liên tục giành được các giải Nhất, Nhì, Ba tại các giải thưởng uy tín trong lĩnh vực NCKH. TS. Lê Trung Thành cho rằng, một phần quan trọng đóng góp vào sự thành công của mỗi mùa NCKH chính là nhờ các hoạt động hỗ trợ NCKH do chính sinh viên thực hiện. Ông đánh giá cao Cộng đồng RCES với các hoạt động hỗ trợ sinh viên nghiên cứu thiết thực, ý nghĩa và tin tưởng vào sự thành công hơn nữa của các dự án được triển khai năm nay.




Chương trình thu hút đông đảo sinh viên tham dự


Phần nội dung hấp dẫn được các sinh viên tham gia chương trình chờ đón nhất chính là phần chia sẻ của 2 khách mời: TS. Nguyễn Anh Thu và bạn Bùi Nguyên Hạnh.
Với sự tương tác gần gũi cùng các sinh viên tham gia chương trình, TS. Nguyễn Anh Thu đã khiến 4 chữ “nghiên cứu khoa học” không còn khó hiểu mà thực sự gần gũi: “NCKH là việc đưa ra một vấn đề mới và chứng minh vấn đề đó”. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Anh Thu nhấn mạnh khi tham gia NCKH, sinh viên sẽ nhận được rất nhiều lợi ích và hoạt động này sẽ hỗ trợ cho bất cứ công việc nào sau này của sinh viên - bởi nghiên cứu giúp sinh viên nâng cao khả năng tư duy theo hướng khoa học và rèn luyện được phương pháp nghiên cứu tốt.
TS. Nguyễn Anh Thu nhận định, NCKH là hoạt động mà bất cứ sinh viên nào cũng đều có thể và nên tham gia để vượt qua và hoàn thiện bản thân mình trong thời gian học đại học.
Trong phần chia sẻ của mình, TS. Nguyễn Anh Thu cũng đã giúp sinh viên hình dung được rõ nét về các bước để thực hiện một NCKH, cũng như những lưu ý quan trọng khi thực hiện, đồng thời hướng dẫn sinh viên cách để tìm ra đề tài nghiên cứu - vấn đề khó khăn nhất của mỗi sinh viên bắt đầu đến với NCKH.
Theo đó, sau khi tìm ra được một đề tài nghiên cứu rộng, sinh viên cần chú ý đến việc thu hẹp đề tài đó để tìm ra khía cạnh nghiên cứu phù hợp với khả năng của mình và đảm bảo đó là một đề tài nghiên cứu khoa học. TS. Nguyễn Anh Thu lưu ý sinh viên cần rất chú ý đến việc tổng thuật tài liệu trong quá trình này để xác định được câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu trước khi chốt được đề tài và viết bản đề cương nghiên cứu chi tiết. Các tiêu chí về một chủ đề nghiên cứu khoa học và một bài nghiên cứu tốt cũng đã được làm rõ với các sinh viên tham gia chương trình.
Với trải nghiệm của một sinh viên vừa tham gia và hoàn thành công trình NCKH đầu tiên, bạn Bùi Nguyên Hạnh đã chia sẻ với các sinh viên tham gia chương trình câu chuyện nghiên cứu của mình về lý do đến với NCKH, những khó khăn, kỷ niệm đáng nhớ và những giây phút khó quên trong suốt hành trình này.
Từng nghĩ “NCKH là thứ gì đó rất xa vời”, bạn Nguyên Hạnh cho rằng mình đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về hoạt động NCKH sau khi trải nghiệm nó. Giành được giải thưởng và thấy được sự trưởng thành của chính mình sau một năm nghiên cứu, Nguyên Hạnh tin rằng mọi sinh viên đều có thể tham gia hoạt động NCKH và có thể gặt hái được rất nhiều trải nghiệm trên chặng đường này - từ kiến thức, tình bạn, kỹ năng…, cho đến phát triển tư duy khoa học và sự chuẩn bị cho những cơ hội trong tương lai. Với phần chia sẻ của mình, Nguyên Hạnh đã mang đến nhiều góc nhìn mới về hoạt động NCKH và truyền cảm hứng cho các sinh viên sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ trên hành trình này.
Sau phần chia sẻ của các diễn giả, phần hỏi - đáp đã diển ra sôi nổi với nhiều câu hỏi của sinh viên có mặt tại chương trình và các câu hỏi được gửi trước tới diễn giả qua đơn đăng ký. Các thắc mắc chủ yếu xoay quanh vấn đề chọn nhóm, chọn đề tài, giảng viên hướng dẫn, cách chọn chủ đề nghiên cứu, duy trì tinh thần nhóm và các bước NCKH… đã được các diễn giả giải đáp chi tiết. Do thời lượng của chương trình có hạn nên những câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp trong chương trình sẽ được Cộng đồng RCES trả lời thông qua hộp thư hỗ trợ trực tuyến đồng hành cùng mùa nghiên cứu năm nay (
rces.info@gmail.com).
Chia sẻ sau chương trình, bạn Đào Thị Ngân cho biết: “Qua chương trình R Talk 1, mình đã hiểu hơn về NCKH. Nó không cao siêu, hay khó đến mức mình không thể làm được. Với chia sẻ của cô Anh Thu và chị Nguyên Hạnh, mình cũng phần nào hình dung ra các bước cần tiến hành trong quá trình NCKH và có định hướng rõ hơn so với trước. Điều mình thấy thú vị nhất là cảm nhận được sự nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu của các diễn giả. Mình cũng cảm thấy thích thú, hào hứng hơn với dự định NCKH sắp tới.”
Hy vọng rằng, năm học 2015 - 2016 sẽ tiếp tục là một mùa nghiên cứu thành công của sinh viên ĐHKT khi ngày càng nhiều sinh viên tham gia hoạt động NCKH và đạt những thành tích cao.


Các khách mời và  các sinh viên tham gia chương trình cùng chụp ảnh lưu niệm


Chương trình R-Talk 2 với chủ đề liên quan đến tổng thuật tài liệu dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 12/2015. Bên cạnh đó, dự án RCES Companion mùa thứ 2 dành cho các sinh viên tiềm năng mới bắt đầu tham gia hoạt động NCKH trong năm nay cũng sẽ chính thức khởi động vào tháng 11/2015. Thông tin chi tiết về cách thức để ứng tuyển cho vị trí “newbie” tham gia dự án này có
tại đây.

I Research là dự án phi lợi nhuận, được triển khai nhằm đưa hoạt động NCKH đến gần hơn với sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Dự án I RESEARCH được thực hiện hiện bởi Cộng đồng sinh viên kinh tế NCKH (RCES) và Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên (CSS), với sự bảo trợ và cố vấn chuyên môn của Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển. Dự án được bảo trợ truyền thông bởi Kênh thông tin Chất lượng cao dành cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam (YBOX.VN).
R-Talk được viết tắt của Research Talk, là chuỗi chương trình talkshow chuyên biệt về NCKH được thực hiện từ lúc sinh viên bắt đầu đăng ký đề tài cho tới khi sinh viên hiệu chỉnh công trình nghiên cứu. Nội dung và lịch trình của các buổi talkshow trong chuỗi chương trình được thiết kế theo sát quá trình thực hiện NCKH của sinh viên nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên bắt đầu đến với NCKH. Để có thêm thông tin về dự án và cập nhật thông tin về các chương trình tiếp theo vui lòng truy cập
tại đây.

Tin: Quang Thắng - Nguyễn Giang Ảnh: Mạnh Dũng (Cộng đồng RCES)