Trang tin tức sự kiện
 
Tăng cường kiến thức thực tiễn: Một trong các lợi thế của chương trình đào tạo chất lượng cao

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong một giờ học thuyết trình
Kiến thức thực tế và kỹ năng làm việc là nội dung mà sinh viên được đặc biệt chú trọng đào tạo khi theo học 2 chương trình cử nhân chất lượng cao ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Kinh tế Quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.


Với mục tiêu trở thành một trường đại học đạt chuẩn quốc tế và với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh, hoạt động đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) luôn chú trọng đến tính thực tiễn, chất lượng hướng đến đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh các chương trình cử nhân hệ chuẩn đã và đang thực hiện với các tiêu chí đó, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN còn có các chất lượng cao ngành Tài chính - Ngân hàng và Kinh tế Quốc tế nhằm đáp ứng cao hơn những yêu cầu về tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế, khả năng sử dụng tin học và tiếng Anh cho sinh viên.

Chương trình 
cử nhân CLC ngành Kinh tế quốc tế được thiết kế trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo cử nhân của Đại học Santa Cruz (Hoa Kỳ), có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung kiến thức cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nội dung chương trình gồm các khối kiến thức theo 2 lĩnh vực: Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế nhằm giúp sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn định hướng nghề nghiệp.

Dựa trên mạng lưới đối tác là các tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học trong và ngoài nước như: PVN, Hapro, Đại học Yokohama, Đại học Waseda, Đại học Oita (Nhật Bản)…, chương trình cũng chú trọng các hoạt động ngoại khóa, thực tập, thực tế, đào tạo các kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp khác giúp sinh viên có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đặc biệt, chương trình đã được kiểm định đạt chuẩn chất lượng quốc tế do Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) đánh giá và công nhận.


Chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp CareerTalk dành cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Nhiều sinh viên tốt nghiệp chương trình được tuyển chọn vào các vị trí quan trọng trong các tập đoàn, tổ chức quốc tế (như Toshiba, Uniqlo) hoặc dành được học bổng sau đại học tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mỹ, vương quốc Anh… Các cuộc điều tra khảo sát đối với các nhà tuyển dụng đều cho thấy các nhà tuyển dụng đánh giá cao khả năng làm việc và cơ hội phát triển nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp từ chương trình.

Là cựu sinh viên đã trải nghiệm môi trường học tập tại chương trình CLC ngành Kinh tế Quốc tế (trước năm 2011 gọi là Kinh tế Đối ngoại), Nguyễn Thị Ngọc Ánh (khóa QH-2009-E) cho biết: “Các lớp thuộc chương trình CLC luôn được sự quan tâm và có cơ hội gần gũi hơn với các thầy cô, một phần là do quy mô lớp nhỏ và thầy cô dạy chương trình CLC không những có chuyên môn cao mà còn có tư duy mở và luôn định hướng cho sinh viên. Trong các tiết học bọn mình được khuyến khích phản biện, thảo luận và thể hiện quan điểm cá nhân. Chương trình CLC cũng sẽ tạo điều kiện để sinh viên sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và học tập, vì vậy chúng mình đều phát triển và khá tự tin với khả năng ngoại ngữ”.



Chuyến giao lưu tại Đại học Chiang Mai (Thái Lan)


Chương trình cử nhân CLC ngành Tài chính - Ngân hàng
 được thiết kế dựa trên chương trình của trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) có điều chỉnh, bổ sung một số môn học phù hợp với đặc trưng của Việt Nam. Nhằm giúp sinh viên dễ dàng lựa chọn định hướng nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, các môn học tự chọn chuyên sâu về tài chính, ngân hàng được đưa vào giảng dạy với những kiến thức cập nhật chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình thực tập, thực tế và các khóa học ngoại khóa phong phú, cùng sự hợp tác nhiều đối tác trong và ngoài nước, sinh viên ĐHKT được rèn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ năng làm việc để có thể thích ứng với công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy mới được triển khai từ năm 2011, đây đã và đang là chương trình được nhiều sinh viên quan tâm tham gia khi đỗ vào trường.

TS. Lê Trung Thành, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết: “Chương trình CLC ngành Tài chính - Ngân hàng được Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế đầu tư ưu tiên về mọi nguồn lực, kể cả tài chính và giảng viên. Trong những năm vừa qua, Khoa Tài chính - Ngân hàng đã xây dựng và phát triển mạnh mẽ chương trình CLC với môi trường học tập tốt nhất và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn. Với kiến thức, kỹ năng thu nhận được, đặc biệt là với tinh thần doanh nhân tài chính - ngân hàng được hun đúc xuyên suốt trong quá trình đào tạo, kết hợp tham gia các sự kiện như: chuỗi Career Talk do AI Capital bảo trợ, các chương trình đào tạo và sự kiện do ACCA tài trợ, các cuộc thi về tài chính, ngân hàng, kế toán - kiểm toán… sinh viên theo học chương trình CLC ngành Tài chính - Ngân hàng có thể tự tin vững bước lập nghiệp trong một thị trường tài chính năng động và cạnh tranh”.

Tham gia giảng dạy trong các chương trình CLC ngành Tài chính - Ngân hàng và Kinh tế Quốc tế là những giảng viên có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, hầu hết có học vị tiến sĩ trở lên, tốt nghiệp từ các nước có nền giáo dục tiên tiến với phương pháp giảng dạy hiện đại.

Bên cạnh các chương trình chất lượng cao, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN còn có chương trình đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị kinh doanh (đây là một trong những chương trình nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN).
Chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo chương trình Quản trị kinh doanh của Trường Haas School of Business- Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) - một trong những đại học hàng đầu thế giới về quản trị kinh doanh. Các môn thuộc chương trình được giảng dạy hầu hết bằng tiếng Anh. Bên cạnh các môn học chính thuộc khối kiến thức kinh doanh và quản trị lãnh đạo (như: lãnh đạo, quản trị nguồn nhân lực, quản trị chiến lược, quản trị và văn hóa công ty, quản trị sáng tạo và sự thay đổi…), sinh viên sẽ được lựa chọn thêm các môn học thuộc khối kiến thức chuyên sâu về marketing, quản trị sản xuất, kế toán, tài chính.
Sinh viên chương trình đạt chuẩn quốc tế sẽ được học tiếng Anh một năm đầu tiên tại Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN để đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.5.
Thông tin chi tiết xem trên website của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
 

Với mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế phong phú, hàng năm, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung và sinh viên các chương trình CLC nói riêng có nhiều cơ hội giao lưu với các sinh viên, chuyên gia trong nước và quốc tế góp phần nâng cao vốn hiểu biết và khả năng giao tiếp tự tin bằng tiếng Anh. Một số chương trình giao lưu quốc tế có thể đến như: giao lưu với Đại học Waseda (Nhật Bản), tham gia Diễn đàn thủ lĩnh sinh viên ASEAN, Diễn đàn Sinh viên Châu Á (GPAC)…



Sinh viên Đại học Waseda đến giao lưu tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN



Tham gia môi trường học tập tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, sinh viên còn có nhiều lựa chọn để tham gia các hoạt động ngoại khóa tại 
11 câu lạc bộ kỹ năng của trường như: CLB Tình nguyện, CLB Truyền thông, CLB Quản trị kinh doanh, CLB Kinh tế trẻ, CLB Ghita… Những hoạt động Đoàn - Hội sôi nổi hàng năm như: SV Tài chính, Tỏa sáng cùng FIBE, Ngày hội đổi đồ cũ Mottainai, Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh… còn là sân chơi để sinh viên thể hiện tài năng, trí tuệ, cùng như rèn luyện thêm các kỹ năng cho bản thân.

Năm 2014, việc tuyển sinh vào các chương trình CLC sẽ được thực hiện theo quy định mới của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thí sinh sau khi trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN theo kỳ thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu có nguyện vọng, sẽ được tham dự kỳ thi đánh giá năng lực để chọn vào học các chương trình này.

Xem thông tin gốc tại đây >>

T.A (Dân trí)