Trang tin tức sự kiện
 
Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 7/2021)



1. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 do Chính phủ ban hành về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021.

b) Đối tượng áp dụng:

   1. Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công).

   2. Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

   3. Đơn vị sự nghiệp công thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng và của pháp luật khác có liên quan.

   4. Đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo Hiệp định và cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc tổ chức quốc tế thực hiện cơ chế tài chính theo cam kết, Điều ước quốc tế hoặc Quyết định đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

c) Nội dung cơ bản:

   Ngày 21 tháng 6 năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) ban hành ngày 14 tháng 2 năm 2015. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có một số điểm mới đáng chú ý:

   1. Sửa quy định về nguồn tài chính

   Nghị định số 60/2021/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tách rõ nguồn thu. Cụ thể, nguồn thu hoạt động sự nghiệp gồm:

- Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

- Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

- Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

   2. Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết

   Theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đơn vị SNCL được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải đảm bảo các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

   Nghị định này không quy định việc sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới. Trường hợp liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới thì đơn vị SNCL thực hiện theo các quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khác...

>> Xem toàn văn nghị định tại đây
 

2. Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ

a) Hiệu lực thi hành: Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021.

b) Đối tượng áp dụng:

- Quy chế này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

- Quy chế này là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định chi tiết về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ áp dụng tại cơ sở đào tạo (sau đây gọi là quy chế của cơ sở đào tạo).

- Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo những chương trình ở trình độ tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng (bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định về hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục).

c) Điều khoản chuyển tiếp

   1. Việc tổ chức đào tạo đối với những khóa đã tuyển sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

   2. Cơ sở đào tạo quyết định việc áp dụng khoản 2 Điều 5, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 14 của Quy chế này đối với khóa đã tuyển sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

d) Nội dung cơ bản:

   Ngày 28/6/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Thông tư này thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017. Những điểm thay đổi đáng chú ý của Thông tư 18/2021 so với Thông tư 08/2017 như sau:

   Thứ nhất, theo Quy chế cũ, nghiên cứu sinh (NCS) cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Theo Quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục WoS/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Tuy nhiên, Quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0.75 điểm trở lên). Cách tính điểm sẽ căn cứ khung điểm tối đa của Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định, với tổng điểm đối với người đủ điều kiện hướng dẫn NCS là 4,0 và đối với đầu ra của NCS là 2,0.

   Thứ hai, Quy chế mới bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ, theo đó minh chứng sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL theo quy định trước đây.

   Thứ ba, Quy chế mới điều chỉnh tăng số lượng NCS được hướng dẫn trong cùng một thời gian cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 NCS; phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 NCS; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 NCS. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 NCS được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 NCS. Theo quy định trước đây, số NCS tối đa hướng dẫn tương ứng là 5, 4 và 3.

   Thứ tư, thời gian đào tạo tiến sĩ cũng được thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo của thực tiễn. Theo đó, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn là từ 3 - 4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thiện các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này là từ 6 tháng đến 1 năm tùy tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định. Theo Quy chế trước đây, NCS không có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn chỉ được xin gia hạn học tập không quá 24 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn luận án của NCS không được thông qua, kết quả học tập sẽ không được bảo lưu.

Thứ năm, phản biện độc lập đối với luận án có thể tiến hành 2 lần, tăng so với 1 lần so với quy định trước đây, nhằm đảm bảo NCS và người đánh giá có cơ hội giải trình hoặc bảo lưu quan điểm trong nghiên cứu của mình.

   Ngoài ra, Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT yêu cầu chung đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ như sau:

- Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ.

(Hiện hành, có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ).

- Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển.

- Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; Hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố;

Hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ.

(Hiện hành, có 01 bài báo hoặc báo cáo thuộc lĩnh vực nghiên cứu đăng tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 36 tháng tính đến ngày đăng ký dự tuyển).

- Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.

>> Xem toàn văn thông tư tại đây.
 

3. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 do Chính phủ ban hành về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

a) Hiệu lực thi hành: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

c) Nội dung cơ bản:

   Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải ngừng việc do đại dịch COVID-19 được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;

- Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc.

   Ngoài ra, với NLĐ làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên… bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của nhà nước để phòng, chống dịch COVID-19 có:

+ Thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;

+ Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.

   Mức hỗ trợ một lần cho trường hợp này như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người...

>> Xem toàn văn nghị quyết tại đây.
 

4. Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 29 tháng 6 năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành về việc sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

a) Hiệu lực thi hành: Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

c) Nội dung cơ bản:

   Thông tư 03/2021/TT-BNV sửa đổi chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Theo đó, bổ sung thêm 04 trường hợp về thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên vào điểm c Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV gồm:

- Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).

- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

- Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.

- Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật.

03 trường hợp khác hiện hành vẫn đang áp dụng bao gồm:

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV...

>> Xem toàn văn thông tư tại đây.
 

5. Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT ngày ngày 01 tháng 6 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

a) Hiệu lực thi hành: Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/07/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (gọi chung là các cơ sở đào tạo), sở giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu (gọi chung là sở GDĐT) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

c) Nội dung cơ bản:

   Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 16/2021/TT-BGDĐT ngày 01/6/2021 sửa đổi Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, với một số điểm mới nổi bật, đơn cử như:

- Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến 03 lần.

   Cụ thể, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 03 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.

   (Hiện hành, theo Thông tư 09/2020, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT 01 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp).

- Về việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học:

   Hội đồng tuyển sinh của cơ sở đào tạo gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của cơ sở đào tạo trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học;

   Cơ sở đào tạo chỉ được sử dụng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi làm căn cứ xác nhận nhập học (đối với thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh). (Nội dung mới bổ sung).

   Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc chỉ nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh) vào cơ sở đào tạo theo quy định của Quy chế này, trong thời hạn do cơ sở đào tạo quy định....

>> Xem toàn văn thông tư tại đây.
(Cập nhập đến ngày 13 tháng 7 năm 2021) 

Phòng Thanh tra và Pháp chế Đại học Kinh Tế - ĐHQGHN