Trang tin tức sự kiện
 
Nhớ mãi “thuở ban đầu lưu luyến ấy”

Xin mượn tứ thơ của nhà thơ Thế Lữ để nói về những tình cảm chân thành và bầu nhiệt huyết cháy bỏng mà PGS.TS Lê Danh Tốn - một trong những thế hệ sinh viên đầu tiên của Khoa Kinh tế Chính trị và sau này cũng là người lãnh đạo mẫu mực - đã dành cho trường lớp trong chặng đường gần 40 năm.


Tự hào là sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị
Khi còn học ở trường huyện vùng quê quan họ, cậu học trò Lê Danh Tốn đã là một tấm gương về học tập với nhiều lần đạt giải nhất nhì văn cấp tỉnh và từng tham dự giải học sinh giỏi văn toàn miền Bắc cùng đoàn học sinh tỉnh Hà Bắc, ước mơ lớn nhất khi đó là được trở thành sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN).
Năm 1971, Lê Danh Tốn xung phong đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở Trường Sơn. Đến năm 1975, trở về từ chiến trường, Lê Danh Tốn đã vượt qua rất nhiều thí sinh, thực hiện được điều mà không ít người thời đó mơ ước là trở thành sinh viên của Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN.
Hồi đó, ngành Kinh tế Chính trị còn rất mới trong hệ thống đào tạo đại học ở Việt Nam. Việc tuyển chọn sinh viên vào học những khóa đầu tiên của Khoa Kinh tế Chính trị do Ban Khoa giáo Trung ương kết hợp với Trường ĐHTHHN thực hiện với những yêu cầu rất khắt khe. Sinh viên được chọn vào Khoa Kinh tế Chính trị không chỉ là người được điểm thi tuyển sinh cao ở tất cả các khoa của Trường ĐHTHHN mà còn phải có thành tích tốt về học tập, rèn luyện và công tác trong trường phổ thông, trong lao động sản xuất hoặc chiến đấu”, thầy Lê Danh Tốn cho biết.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, thầy và trò Khoa Kinh tế Chính trị đã nỗ lực hết mình cho mục tiêu là đào tạo ra những chuyên gia kinh tế giỏi, những cán bộ giảng dạy Kinh tế Chính trị, cán bộ nghiên cứu kinh tế và hoạch định chính sách. Từ những bài giảng trên lớp, đến những chuyến đưa sinh viên đi thực tập, thực tế để thực sự hòa nhập vào đời sống kinh tế thực tại của đất nước, mỗi giảng viên của Khoa Kinh tế Chính trị đã thực sự trở thành người truyền lửa và những lớp học trò đầu tiên ấy cũng đã nỗ lực hết mình để trở thành người giữ lửa đam mê với khoa học kinh tế chính trị.
Thời đó và cả bây giờ, chúng tôi luôn dành tình cảm kính mến và sự ngưỡng mộ đối với những người thầy giàu tài năng và tâm huyết. Với chúng tôi, những người như GS. Trần Phương, cố GS. Đào Văn Tập không chỉ là những chủ nhiệm khoa mà thực sự là những người thầy đầu tiên đã dẫn dắt chúng tôi đến với ngành Kinh tế Chính trị, thắp sáng ngọn lửa đam mê và khát khao khám phá khoa học này. Chúng tôi được truyền thụ triết lý phát triển và phương pháp luận về học tập và nghiên cứu khoa học từ các thầy. Các giảng viên của những khóa đầu hầu hết là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ của Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Không chỉ được đào tạo bài bản với những kiến thức quý báu trên lớp, chúng tôi còn được các thầy dẫn dắt tham gia vào hoạt động nghiên cứu, hướng dẫn kỹ lưỡng trong quá trình thực tập, thực tế”, thầy Lê Danh Tốn chia sẻ.
Khi tất cả chỉ mới bắt đầu với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, các sinh viên những khóa đầu đã tự xác định cho mình những yêu cầu và mục tiêu cần có của một sinh viên ngành kinh tế chính trị. Nghĩa là chỉ có kiến thức về kinh tế chính trị thôi chưa đủ, mỗi người phải tự bồi dưỡng cho mình kỹ năng, phương pháp học tập, nghiên cứu và bản lĩnh chính trị. Cũng bởi nhờ vậy mà ngay từ thời kỳ đầu, Khoa Kinh tế Chính trị đã trở thành một trong số ít các đơn vị có phong trào học tập và rèn luyện đi đầu, nhiều năm liền là tập thể sinh viên Xã hội Chủ nghĩa do Trung ương Đoàn phát động.
Và ngay cả khi chàng sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị thời ấy đã trở thành Chủ nhiệm khoa, nay là Trưởng Ban Thanh tra ĐHQGHN thì những năm tháng, những ký ức của “thời sinh viên sôi nổi” vẫn mãi là dấu ấn khó phai: “Vào những năm 1975-1985, điều kiện học tập, sinh hoạt rất khó khăn, song sinh viên thời đó hầu như đều có tinh thần tự học và nghiên cứu cao. Ngoài thời gian lên lớp, sinh viên đều dành rất nhiều thời gian và trí lực để tự nghiên cứu tài liệu. Đặc biệt, chúng tôi đã nghiên cứu bộ Tư bản của Các Mác rất sâu. Cách học này đã được nhiều khóa sinh viên của Khoa Kinh tế Chính trị duy trì. Tất cả sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị hồi đó đều phải ở trong khu ký túc xá của Trường, kỷ luật học tập, sinh hoạt rất nghiêm ngặt, ngay cả việc tự học cũng phải thực hiện theo hiệu lệnh. Đến giờ tự học, mọi sinh viên đều tự giác học bài, nghiên cứu tài liệu và thảo luận rất sôi nổi. Có những tối ký túc xá mất điện, sinh viên học bài dưới ánh đèn công cộng. Những chiều nắng nóng, sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị học bài trên bờ mương ngoài cánh đồng dưới rặng phi lao…
Từ giữ lửa đến truyền lửa
Năm 1979, Khoa Kinh tế Chính trị bắt đầu có sinh viên tốt nghiệp, nhiều người trở thành cán bộ của Viện Kinh tế, một phần ở lại Khoa để tiếp tục nhiệm vụ “truyền lửa” cho các thế hệ sinh viên tiếp theo. Chàng sinh viên ưu tú Lê Danh Tốn là một trong số đó (tốt nghiệp năm 1980). Và dù ở vị trí giảng dạy hay quản lý thì mỗi chặng đường phát triển của Khoa đều có sự đóng góp đầy tâm huyết của người thầy đáng kính này.
Nối tiếp những thế hệ đàn anh đi trước, ở vị trí Phó Chủ nhiệm khoa từ năm 1993 (Chủ nhiệm Khoa lúc bấy giờ là GS.TS Trần Ngọc Hiên) và vị trí Chủ nhiệm Khoa từ 1995-2004, PGS.TS Lê Danh Tốn đã nỗ lực hết mình cho sự phát triển của Khoa Kinh tế.
Năm 1995, từ trực thuộc Trường ĐHTHHN, Khoa trở thành Khoa trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN và là một trong những đơn vị nòng cốt của Trường. Quy mô và uy tín về đào tạo cũng được mở rộng, nâng cao. Điều quan trọng là công tác đào tạo vẫn được đảm bảo chất lượng đúng mục tiêu của Khoa từ khi thành lập. Ngày 5 tháng 7 năm 1999, Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN được thành lập trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHKHXH&NV. Đây là một vận hội lớn cho sự phát triển của Khoa.
Từ một khoa nhỏ với quy mô vài trăm sinh viên, Khoa Kinh tế Chính trị, sau đó là Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN đã có hàng nghìn sinh viên với nhiều ngành và loại hình đào tạo đa dạng song vẫn đảm bảo lấy tinh hoa làm gốc. Rất nhiều thế hệ sinh viên đã trưởng thành từ “mái nhà” Kinh tế. Những cái tên như Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), Lê Bộ Lĩnh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Khóa XIII), Phùng Xuân Nhạ (Phó Giám đốc ĐHQGHN)… sẽ mãi là những minh chứng tốt đẹp cho sự nghiệp dạy và học của thầy và trò nơi đây.
Khi được bầu từ Phó Chủ nhiệm khoa lên Chủ nhiệm khoa, ban đầu cũng khó tránh khỏi những lo lắng bởi các Chủ nhiệm khoa trước đều là những nhà khoa học và quản lý rất nổi tiếng về tài năng và đức độ. Và tôi khi đó là Chủ nhiệm khoa đầu tiên không kiêm nhiệm. Chính những kinh nghiệm quản lý có được từ thời làm Chủ nhiệm bộ môn và Phó Chủ nhiệm khoa cùng những bài học đúc rút từ các thầy đi trước đã giúp tôi rất nhiều”, PGS.TS Lê Danh Tốn chia sẻ.
Tất cả những gì làm được trong thời kỳ làm Chủ nhiệm khoa của tôi đều là sự học tập và kế thừa kinh nghiệm, phẩm chất của những người đi trước. Bên cạnh đó, tôi nhận được sự ủng hộ, động viên và giúp đỡ nhiệt tình của đội ngũ cán bộ giảng viên và công nhân viên trong Khoa”. Đó là lời khẳng định chắc chắn và cũng là sự hàm ơn của PGS.TS Lê Danh Tốn đối với các thế hệ cha anh và đồng nghiệp của mình.
Truyền thống đoàn kết vì mục tiêu phát triển của các thế hệ lãnh đạo cũng như đội ngũ giảng viên đã làm nên sức mạnh tổng hòa quyết định sự phát triển của Khoa Kinh tế Chính trị trước đây và Trường ĐHKT lớn mạnh ngày nay. Với truyền thống đoàn kết, kiên định mục tiêu đào tạo là hình thành ở sinh viên tư duy kinh tế mang tính khoa học hiện đại, kết hợp lý luận với thực tiễn, kinh tế với chính trị, xã hội, văn hóa và lịch sử, coi trọng đặc biệt các kiến thức cơ bản, chú ý thích đáng tới các kiến thức ứng dụng, các kiến thức tích lũy được trở thành bản lĩnh khoa học, phương pháp tư duy phải trở thành phương pháp hành động trong thực tiễn, Khoa đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như: được công nhận là đơn vị xuất sắc của ĐHQGHN và được tặng nhiều bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (1997), Huân chương Lao động hạng Hai (2004).
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của Khoa khi đó đã đặt nền móng cho sự nối tiếp và phát triển hết sức mạnh mẽ với chất lượng và hiệu quả cao về nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của Trường ĐHKT trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa Khoa với các doanh nghiệp cũng hình thành và phát triển, góp phần đổi mới chương trình đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên.
Nhắc tới hợp tác phát triển, PGS.TS Lê Danh Tốn đầy hào hứng kể về Trung tâm Nghiên cứu Phát triển vì “Trung tâm đã thiết lập một mô hình mới kết hợp giữa Khoa và doanh nghiệp, giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, lý luận và thực tiễn, đào tạo trong nước và hợp tác quốc tế”.
Nhìn lại chặng đường đã qua, thầy Lê Danh Tốn chia sẻ: “Điều đáng quý theo tôi là trong bất kỳ thời điểm nào, đội ngũ quản lý, lãnh đạo, giảng viên và nhân viên của Khoa vẫn luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu chất lượng, nhiều khi phải hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung và luôn xem xét lại mình. Chính triết lý cộng đồng đó là bệ phóng vững vàng cho sự lớn mạnh và phát triển với mục tiêu cuối cùng là chất lượng cao trong đào tạo, việc làm của sinh viên. Trong đội ngũ cán bộ cũng như các thế hệ lãnh đạo luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau một cách tận tâm và tự nhiên như nó vốn thế”. 
Quả đúng như lời của người thầy đã nói về tinh thần đoàn kết và triết lý cộng đồng của các thế hệ quản lý, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị trước đây và Trường ĐHKT ngày nay, người thầy đáng kính ấy ngay cả khi đã chuyển sang vị trí công tác mới vẫn luôn tin tưởng vào sự trưởng thành và phát triển của Trường ĐHKT.
Ở mỗi thời kỳ đều có những đặc điểm và khó khăn, thách thức riêng, điều quan trọng là phải đoàn kết để xuyên qua, vượt qua khó khăn, thách thức đó. Trường ĐHKT đã, đang và sẽ giữ vững và phát huy xuất sắc triết lý phát triển, mục tiêu ban đầu là đào tạo chuyên gia kinh tế giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị để từ đó hình thành được thương hiệu và vị thế về đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế trong cộng đồng ĐHQGHN - trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao”, đó cũng là điều mà thầy mong mỏi nhất.


La Giang (ghi)

Trích kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển