Trang tin tức sự kiện
 
Hành trình mơ ước của tôi đến Đại học Chung-Ang

Nhà sáng lập thương hiệu Apple nổi tiếng, Steve Jobs đã từng nói "Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ" điều đó có nghĩa là chúng ta nên luôn theo đuổi ước mơ với niềm đam mê. Khi ta được làm điều mình thích, ta tìm thấy niềm khao khát muốn cống hiến hết mình và phấn đấu để làm được điều tốt nhất - chính là yếu tố mang lại thành công trong công việc. Câu nói này đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong sự nghiệp cũng như hành trình trải nghiệm của tôi trên thế giới.


Lớn lên ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, tôi thường tự nhắc nhở mình rằng tôi sẽ “luôn dại khờ” để trải nghiệm cuộc sống và mở rộng kiến ​​thức. Thế giới phẳng cho chúng ta cơ hội hiểu biết về những điều đang diễn ra ngoài kia, bên ngoài quốc gia nhỏ bé của chúng ta, cho chúng ta cơ hội học hỏi từ các quốc gia phát triển hơn. Vì vậy, tôi chọn bắt đầu sự nghiệp giảng viên của mình tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) để thỏa mãn sự tò mò của mình về thế giới thông qua các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu thực tế, đồng thời nắm bắt các cơ hội tham gia vào mạng lưới học thuật quốc tế. Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển từ Đại học Đông Dương, được thành lập năm 1906 bởi chính quyền thực dân Pháp với tư cách là một tổ chức học thuật đa ngành. Hiện nay, ĐHQGHN đứng số 1 Việt Nam và thứ 124 trong bảng xếp hạng danh sách các trường đại học Châu Á. Là đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN khuyến khích các giảng viên của mình tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế. Tôi đặc biệt quan tâm đến các chủ đề nghiên cứu như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), quản trị doanh nghiệp và tinh thần kinh doanh. Vì vậy, tôi đã và đang tìm kiếm cơ hội để có được học bổng trao đổi học giả ở nước ngoài bao gồm cả Hàn Quốc. 

Cơ hội đến với tôi vào cuối năm 2017 khi tôi giành được học bổng Chương trình trao đổi học giả quốc tế (ISEF) do Quỹ nghiên cứu cấp cao Hàn Quốc (KFAS) điều hành. Tôi rất may mắn khi được gặp Giáo sư Yongshik Choo từ Chương trình Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Chung-Ang (GSIS - CAU) trong một hội thảo tại Campuchia. Sau đó, ông trở thành thầy hướng dẫn chính của tôi ở Hàn Quốc và hành trình đến GSIS - CAU của tôi bắt đầu từ tháng 8 năm 2018.

 

Sau 8 tháng tại GSIS với tư cách nghiên cứu viên, tôi đã trải nghiệm nhiều điều thú vị. Ban đầu, tôi gặp một số khó khăn để thích nghi với môi trường mới như ngôn ngữ, phong cách làm việc và văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau tất cả trong tâm trí tôi là những kỷ niệm đẹp với giảng viên và sinh viên của GSIS. Điều đáng nhớ nhất đối với tôi là môi trường làm việc chuyên nghiệp tại GSIS với các giảng viên và sinh viên đầy nhiệt huyết. Tôi đã được mời đến một số sự kiện tại GSIS nơi tôi không thấy bất kỳ rào cản nào giữa các giáo sư và sinh viên. Các giảng viên của GSIS rất thân thiện và gần gũi, họ khiến môi trường học tập trở nên hấp dẫn. Các giáo sư GSIS đã chào đón chúng tôi nhiệt tình tại tất cả các chương trình định hướng. Tôi tin rằng các hoạt động này mang lại hiệu quả trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài giữa các khoa và sinh viên của GSIS. Cách mà các giáo sư GSIS chăm sóc sinh viên của họ thực sự làm tôi ngạc nhiên. Tại GSIS, sinh viên có thể đắm chìm vào một môi trường học tập tích cực. các lớp học hiện đại và tiện nghi với hệ thống thư viện khổng lồ cùng nhiều hoạt động để nâng cao kiến ​​thức và kỹ năng.

Các chương trình thạc sĩ tại GSIS - CAU có một vài điểm chung với trường đại học nơi tôi giảng dạy - Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Tại GSIS, chương trình thạc sĩ bao gồm hai chương trình chung là Chương trình nghiên cứu quốc tế (ISP) và Chương trình biên dịch và phiên dịch nâng cao (AITP). Chương trình ISP tập trung vào hai vấn đề là vấn đề toàn cầu và kinh doanh (GA&B) cùng với thương mại và giao dịch toàn cầu (GA & T). Tất cả các chương trình đều có trọng tâm giáo dục chung - kiến ​​thức thực tế trong các vấn đề toàn cầu và thành thạo giao tiếp ngoại ngữ. Tương tự, tại ĐHKT, chúng tôi có các chương trình thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Tài chính. Chúng tôi cũng có chương trình giảng dạy tương tự với ISP bao gồm các khóa học về quản lý kinh doanh, tài chính và thương mại toàn cầu.

Thời gian lưu trú của tôi tại GSIS cũng đầy ắp các cuộc thảo luận thú vị về các chủ đề nghiên cứu có liên quan. Tôi hiện đang tiến hành một nghiên cứu so sánh về khởi sự kinh doanh trong giới trẻ ở Hàn Quốc và Việt Nam. Tôi đã có một vài cuộc thảo luận với các giáo sư GSIS, những người đã đưa ra các đề xuất cần thiết để tôi hoàn thành nghiên cứu của mình. Các sinh viên GSIS cũng giúp tôi rất nhiều khi tham gia cuộc khảo sát của tôi về khởi sự kinh doanh. Quả không sai khi cho rằng GSIS là một ngôi trường lý tưởng không chỉ mang đến môi trường học tập hoàn hảo cho sinh viên mà còn là địa điểm làm việc dễ chịu và hiệu quả cho các nhà nghiên cứu như tôi.

Cuộc hành trình dù vui thế nào rồi cũng phải đi đến hồi kết. Thời gian trao đổi của tôi tại GSIS sẽ kết thúc vào tháng 8 này. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội trao đổi hơn dành cho sinh viên và giảng viên Đại học Chung-Ang và Đại học Kinh tế trong tương lai gần. Các chương trình này sẽ tạo nên một mạng lưới học tập và nghiên cứu rộng rãi cho các học giả Hàn Quốc và Việt Nam. Thật lòng mà nói, tôi sẽ rất nhớ khoảng thời gian tuyệt vời này tại GSIS nói riêng và tại Hàn Quốc nói chung. Nếu có cơ hội, tôi chắc chắn sẽ quay trở lại Hàn Quốc vào một ngày nào đó bởi vì tôi vẫn muốn "Luôn khát khao, luôn dại khờ " trên con đường sự nghiệp của mình.

 Bài viết được đăng trên GSIS Newsletter số 1 năm 2019
>>> Xem bài gốc tại đây

Phương Mai - Viện QTKD