Trang tin tức sự kiện
 
“Việc gì cũng bàn bạc với nhân dân”

Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”; Hồ Chí Minh tin tưởng, đánh giá cao trí thông minh sáng tạo của quần chúng nhân dân. Người nói “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.


Do vậy, việc bàn bạc với dân chúng là yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Bởi dân chúng có rất nhiều kinh nghiệm, đề xuất, hiến kế rất chính xác và kịp thời. Nếu không tin dân, không bàn bạc thảo luận dân chủ với dân sẽ dẫn tới hệ quả “Không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm…, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, cắm cằm bà kia”.

Bằng sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức đảng trong hoạt động lãnh đạo, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở, phê phán một số cán bộ, đảng viên quan liêu xa dân, không cùng với dân bàn bạc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, đời sống các mặt của nhân dân. Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán “Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề… Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn”. Theo Hồ Chí Minh còn có cán bộ mắc bệnh kiêu ngạo, không cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành, có trách nhiệm của nhân dân “Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng”.

Không tham khảo, học hỏi nhân dân là một thiếu sót lớn, dễ làm cho các chủ trương, chính sách xa rời thực tiễn, không phù hợp với tâm tư nguyện vọng của dân, do đó bất luận trong hoàn cảnh điều kiện nào, Người cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”; rằng “phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng, phải gom góp tư tưởng, kinh nghiệm, sáng kiến và ý chí của quần chúng, sắp xếp nó thành hệ thống, rồi lại áp dụng vào trong quần chúng”.

Người yêu cầu các tổ chức đảng: Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta. Ý nghĩa, tác dụng của việc đưa cho dân chúng bàn bạc, góp ý các chủ trương, quyết sách lớn “sẽ học kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”, làm cho các chủ trương, nghị quyết phù hợp quy luật khách quan, thuận lòng dân.

Để nhân dân phát huy tính tích cực chính trị đòi hỏi các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải “Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân, Cán bộ phải đi thật sát với dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu vì dân nghe theo là mình mạnh”.

Để nhân dân tham gia tích cực vào đời sống chính trị, nâng cao ý thức chính trị, thực sự là người chủ thì “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Người chỉ rõ phương thức tiến hành và nhấn mạnh làm sao trong các quyết sách chính trị phải được dân bàn, hiến kế rồi mới quyết định thông qua. Người nói: Trước kia, việc gì cũng từ trên dội xuống. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”, có như vậy mới phù hợp với quy trình xây dựng nghị quyết của Đảng. Do đó “Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ con đường, phương châm học hỏi dân chúng thì nhất định sẽ thu được những tri thức, kinh nghiệm bổ ích, giúp cán bộ, đảng viên tổ chức thực hiện nhiệm vụ tốt hơn “Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó suy nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”. Bởi vì theo Người không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân.

Người còn chỉ rõ phương thức, phương châm đối với các tổ chức đảng, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong việc phát huy dân chủ, kinh nghiệm, sáng kiến của dân “Mọi việc bất kỳ to nhỏ, phải có kế hoạch, phải bàn bạc kỹ. Phải giải thích cho dân hiểu rõ, sao cho dân vui vẻ thi đua làm”; đồng thời “Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”. Thiết nghĩ thực hiện tốt những chỉ dẫn trên của Hồ Chí Minh là góp phần thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, hiện thực hoá Quy chế dân chủ cơ sở mà Đảng ta đã xác định.

Xem bài gốc >>


Bình Nguyễn