Trang tin tức sự kiện
 
Toạ đàm “Tri thức và công nghệ đối với sự phát triển ngành công nghiệp: quan điểm Đông - Tây”

Chuyên gia người Ý trình bày tham luận
Nằm trong khuôn khổ dự án K.I.T.F.E.M, ngày 15/3/2019, tại phòng 801 Nhà E4, Viện Quản trị Kinh doanh – Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề Knowledge and Technology for Industrial Development: an East-West Perspective (Tri thức và công nghệ đối với sự phát triển ngành công nghiệp: quan điểm Đông - Tây).


Tham dự tọa đàm, về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Về phía trường Đối tác có đại diện đến từ KisStartup, Công ty Naica (Italita) và Trường Đại học Salento (Italia).

 

 ĐHKT là đối tác duy nhất tại Việt Nam trong dự án K.I.T.F.E.M

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Nhâm Phong Tuân đã giới thiệu tới người tham dự những thông tin tổng quát về dự án K.I.T.F.E.M. Tên dự án là viết tắt của “Tri thức và đổi mới sáng tạo trong, đến và từ các thị trường mới nổi”, tập trung nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở việc chuyển giao kiến thức, đổi mới sáng tạo xuyên biên giới trong môi trường doanh nghiệp. Dự án được thực hiện trong 3 năm bắt đầu được triển khai từ đầu năm 2017 và đến nay đã thực hiện nhiều hoạt động trao đổi nghiên cứu giữa các đối tác đến từ 9 nước (Đức, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Trung Quốc, Việt Nam, Achentina, Mexico, Ma Rốc) mà trong đó Trường Đại học Kinh tế được vinh dự là đối tác duy nhất từ Việt Nam. Đây là dự án được tài trợ bởi Chương trình Marie Sklodowska - Curie Actions thuộc Horizon 2020, là chương trình Nghiên cứu và Đổi mới lớn nhất của EU từ trước tới nay.
 

Tại buổi toạ đàm, người tham dự đã được nghe bài tham luận của TS. Nguyễn Đặng Tuấn Minh - CEO và Đồng sáng lập KisStartup với tên gọi “Smart-Building Management System: An internet-of-things (IOT) application business model in Vietnam”, trong đó TS. Tuấn Minh đã giới thiệu trường hợp điển hình thú vị là CyFeer trong việc ứng dụng công nghiệp thông tin để khởi nghiệp.

Ở bài thuyết trình thứ hai, TS. Claudio Petti đến từ Trường Đại học Salento (Italia) đã giới thiệu về vai trò của tri thức và việc nắm bắt cơ hội của các công ty phát triển  trong quá trình đổi mới với bài thuyết trình  “Making knowledge and technologies work: the hidden pitfalls of innovation catch-up”.
Phần cuối của buổi toạ đàm, Adele Caroppo đến từ Công ty Naica, Italy đã mang đến cho người tham dự nhiều kinh nghiệm hay trong việc phối hợp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Italia trong bài thuyết trình “Leveraging public-private collaborations for fostering youth entrepreneurship in South Italy: A dynamic ecosystem governance approach”.
 

 Tọa đàm thu hút nhiều giảng viên ĐHKT quan tâm

Ba bài tham luận đã nhận được nhiều quan tâm của các học giả Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và cũng nhận được rất nhiều góp ý quý báu mang tính xây dựng nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đây là hoạt động trao đổi học thuật thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cho sự thành công của dự án.

Thanh Mai - Văn Công


Các tin khác