Trang tin tức sự kiện
 
ĐH Hiroshima - trường thứ 11 của Nhật Bản ký MOU với ĐHKT

Lãnh đạo 2 trường ký kết hợp tác
Ngày 27/2, Trường Hiroshima Business and Management School đã trở thành trường thứ 11 của Nhật Bản ký MOU với ĐHKT, mở ra nhiều hơn cơ hội hợp tác giữa 2 bên.


Tham dự lễ ký có GS. Yoshinori Yokoyama, Hiệu trưởng; GS. Katsue Edo, Trưởng phòng; PGS. Narumi Yoshikawa; Ông Yasuhiko Oishi, Văn phòng chương trình MBA; về phía ĐHKT có PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, cùng lãnh đạo các Phòng/Khoa liên quan.

 PGS.TS Nguyễn Anh Thu phát biểu tại buổi ký kết

Phát biểu tại buổi ký kết, PGS.TS Nguyễn Anh Thu cho biết, Trường ĐH Hiroshiama là trường thứ 11 của Nhật Bản ký kết hợp tác với Trường ĐHKT, đây là một ngôi trường nổi tiếng và có bề dày truyền thống tại Nhật Bản. Việc hợp tác với ĐH Hiroshima sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên hai trường được giao lưu học thuật và văn hóa với nhau, góp phần chung vào mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản.

 Đại diện lãnh đạo Trường Hiroshima phát biểu

Đại diện lãnh đạo HBMS cho biết: HBMS thiết kế chương trình MBA đổi mới và sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên sau đại học trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Với mục tiêu đó, chúng tôi mong muốn hợp tác và kết nối với các trường đại học ở Châu Á, đặc biệt là với quốc gia đang phát triển mạnh như Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi. Mối quan hệ hợp tác giữa HBMS và ĐHKT bắt đầu từ tháng 10/2017 và MOU này sẽ là bước đánh dấu quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai trường, đặc biệt đây cũng là MOU quốc tế đầu tiên của chúng tôi.
Trước khi ký kết hai bên đã họp bàn về các nội dung hợp tác, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến trao đổi sinh viên. Trước khi ký kết hợp tác, đã có đoàn của sinh viên ĐH Hiroshima sang thăm ĐHKT và 2 sinh viên ĐHKT đến giao lưu tại ĐH Hiroshima.

 Lãnh đạo 2 trường ký kếthợp tác trong niềm hân hoan, hữu nghị

Dự kiến 2019 (trung tuần tháng 8), HBMS sẽ đưa đoàn học viên MBA gồm 5-10 người tham gia học ngắn hạn 1 tuần. Các hoạt động bao gồm: Trường ĐHKT thiết kế các bài giảng theo đặt hàng của HBMS, trong đó có thể bao gồm: Quản trị nguồn nhân lực (Hiroshima càng ngày càng thu hút nhiều nhân lực/lao động từ Việt Nam sang Nhật Bản, làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng…), Môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Quản lý đô thị…; Trao đổi/ giao lưu với học viên MBA của ĐHKT, networking, thiết lập các mối quan hệ; Đi thăm quan doanh nghiệp, thăm quan văn hóa, lịch sử…

Trong lĩnh vực trao đổi giảng viên HBMS sẽ cử 2 đến 3 giảng viên thỉnh giảng tới ĐHKT, nội dung thỉnh giảng có thể bao gồm: chính sách môi trường, kinh tế nông nghiệp, quản lý đô thị, marketing…

Ngoài ra, hai bên còn nghiên cứu các cơ hội hợp tác khác gồm: Joint research: Viện QTKD trực tiếp liên hệ về các chủ đề nghiên cứu chung (đầu mối TS. Hồ Chí Dũng - GS. Katsue Edo)

Sau khi bàn bạc kỹ càng, lãnh đạo 2 bên đã cùng nhau đặt bút ký vào biên bản ghi nhớ MOU, đặt cơ sở nền móng để triển khai những nội dung đã thống nhất. Buổi lễ ký kết có sự chứng kiến của lãnh đạo các Khoa/Phòng của hai bên.

 

Buổi ký kết kết thúc trong không khi hữu nghị, thắm tình hợp tác. Sau đó, GS. Yoshinori Yokoyama và TS. Hồ Chí Dũng đã chủ trì tọa đàm Hệ thống Y tế Nhật Bản cho gần 100 sinh viên ĐHKT. Tọa đàm đi sâu phân tích về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích và tác phong ngành y tại xứ sở Mặt trời mọc. Chính sự hiện đại và ân cần, coi người bệnh như người thân là điều giúp cho hệ thống y tế Nhật Bản vào top hang đầu thế giới, Nhật Bản cũng là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Nhiều thành tựu y học thế giới do người Nhật phát minh ra, điều này cho thấy giáo dục và y tế có mối quan hệ khăng khít với nhau.

 
 
Tọa đàm về Hệ thống y tế Nhật Bản 


Văn Công