Trang tin tức sự kiện
 
Gà H’mông “lạc” đến Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN

Chủ doanh nghiệp gà sạch Quốc Oai tặng ĐHKT đặc sản gà H'mông
Với gần 20 doanh nghiệp tham dự Hội thảo thông tin Dự án Thriive Hà Nôi 2018 ngày 21/10, doanh nghiệp nuôi gà H’Mông ở Quốc Oai và doanh nghiệp Dao's Care (Dịch vụ tắm lá người Dao) đã để lại nhiều ấn tượng.


Năm nay, gần 20 doanh nghiệp tham gia dự án Thriive Hà Nội mang đến những sắc màu khác nhau. Từ doanh nghiệp chăn nuôi sạch đến làm răng giả, sửa chữa điện thoại, thuốc gia truyền… có chủ doanh nghiệp là người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn muốn vươn lên giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

 
 
Hội thảo thu hút gần 20 doanh nghiệp xã hội

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, đơn vị quản lý dự án Thriive Hà Nội cho biết, nhiều năm qua nhà trường và các doanh nghiệp xã hội đã đồng hành với nhau tạo công ăn việc làm cho người yếu thế, giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại hàng trăm doanh nghiệp xã hội từ chỗ khó khăn đã vươn lên thành doanh nghiệp lớn từ nguồn vốn Thriive, đây là niềm tự hào, niềm vui chung của cả Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN lẫn các doanh nghiệp. Tôi hy vọng rằng, năm nay các doanh nghiệp Thriive cũng sẽ tiếp tục dựa vào nguồn vốn của Thriive để bứt lên mạnh mẽ, gây dựng được thương hiệu riêng cho mình. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ không chỉ đóng vai trò điều phối mà còn có thể giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và đưa thương hiệu vươn ra ngoài thế giới.

 
 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê khẳng định rằng ngoài nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN còn thực hiện nhiệm vụ xã hội, chia sẻ cộng đồng 

Tại Hội thảo, Ban điều phối đã dành riêng một gian để trưng bày sản phẩm. Những sản phẩm mang đến hội thảo đều là những sản phẩm gần gũi với đời sống, đảm bảo chất lượng tốt. Nhiều chủ doanh nghiệp đã kết nối được mối làm ăn và đơn hàng ngay tại hội thảo như gà H’mông ở Quốc Oai có thể sẽ là đơn vị cung cấp gà sạch cho Công đoàn ĐHKT, Doanh nghiệp thủ công giấy Thương Thương sẽ là nơi sản xuất quà tặng để giảng viên ĐHKT mang đi nước ngoài… rất nhiều ý tưởng hay đã lóe lên ngay tại hội thảo.

 
 
 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê trò chuyện với Thương Thương - Cô gái xương thủy tinh với nghị lực vươn lên 

Anh Nguyễn Hữu Chuyền - Giám đốc cơ sở sửa chữa Iphone Nghị lực Việt cho biết, bản thân tôi là người khuyết tật, quê tại Bắc Ninh, năm 2008 tôi xuống Hà Nội mở cơ sở Nghị Lực Việt với mong muốn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Qua chục năm hoạt động, cơ sở đã đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 40 bạn. Hiện nay, với mong muốn phát triển cơ sở thu hút nhiều hơn nữa các bạn khuyết tật đến học nghề, tôi đã chủ động tiếp cận với dự án Thriive Hà Nội và trở thành doanh nghiệp Thriive 2018.

 
 
Doanh nghiệp khám răng ngay cho bệnh nhân tại hội thảo 
 

Tại hội thảo điều phối chương trình Thriive tại Hà Nội đã cung cấp, giải đáp toàn bộ thông tin quan trọng về hồ sơ, giấy tờ và những thủ tục cuối cùng để các doanh nghiệp được giải ngân. Ở phần tiếp theo, các doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể về toàn bộ quy trình hoàn trả vốn vay và có cái nhìn rõ hơn để thực hiện hoạt động trả nợ trong 2 năm tới. Ban điều phối chương trình Thriive Hà Nội cũng chia sẻ về “Giá trị của doanh nghiệp Thriive” và “Cam kết bảo vệ trẻ em” cho các doanh nghiệp được nhận vốn vay trong năm nay, để tất cả cùng hướng tới và thực hiện khi tham gia chương trình.

 
 
 
 
 
Các sản phẩm được trưng bày 

Cũng trong hội thảo, các doanh nghiệp đã mang các sản phẩm, tờ rơi, thông tin hữu ích cho góc trưng bày của mình để giới thiệu sản phẩm. Đại diện các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trò chuyện và kết nối, cùng nhau tham gia các hoạt động tương tác thú vị.

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Phạm Vũ Thắng - Giám đốc dự án Thriive Hà Nội mong muốn các chủ doanh nghiệp có những kết nối, hợp tác lâu dài với chương trình, đồng thời hy vọng Thriive Hà Nội sẽ được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai để trở thành điểm tựa vật chất lẫn tinh thần to lớn trong xã hội.
 
 
 

Thriive Hà Nội là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Tổ chức Thriive (Hoa Kỳ) từ năm 2005 nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình Thriive không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực và có chung mục tiêu phát triển và giúp đỡ cộng đồng. Đến năm 2016, Thriive Hà Nội đã giúp đỡ 141 doanh nghiệp vay vốn của chương trình. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 1.634 lao động mới và hơn 120.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm, dịch vụ từ thiện của chương trình. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ là những cộng đồng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ mồ côi…


Văn Công