Trang tin tức sự kiện
 
Trường ĐHKT tích cực chuẩn bị cho Tiểu ban Kinh tế và sinh kế Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 5

Tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 (2012), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham gia với vai trò chỉ trì Tiểu ban 3.
Tiếp nối 4 kỳ hội thảo đã được tổ chức thành công tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vào các năm 1998, 2002, 2008 và 2012, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/2016 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu - Sustainable Development in the Context of Global Change.”


Hội thảo lần này nhằm 2 mục đích chính: 1) Tạo ra diễn đàn học thuật thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam; 2) đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu, quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tiến tới hình thành một tổ chức quốc tế về Việt Nam học.

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là đơn vị tổ chức chính của hội thảo lần này, phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5 gồm 6 tiểu ban chính: Tiểu ban 1: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế, Tiểu ban 2: Nguồn lực văn hóa, Tiểu ban 3: Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Tiểu ban 4: Chuyển giao tri thức và công nghệ, Tiểu ban 5: Kinh tế và sinh kế, Tiểu ban 6: Biến đổi khí hậu. Trường Đại học Kinh tế vinh dự được ĐHQGHN giao nhiệm vụ làm đơn vị tổ chức Tiểu ban 5: Kinh tế và sinh kế và PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường làm Trưởng Tiểu ban.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham gia Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 với vai trò chủ trì Tiểu ban 3: “Kinh tế Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững”.  Đây là một chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đã có 22 báo cáo khoa học thuộc Tiểu ban 3 trong tổng số 71 báo cáo trong nước và quốc tế của Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4.

Tại hội thảo lần này, Tiểu ban 5 sẽ tập trung vào các chủ đề và lĩnh vực như: Kinh tế vĩ mô Việt Nam; Kinh tế ngành và lĩnh vực ở Việt Nam; Doanh nghiệp Việt Nam; Lao động và việc làm ở Việt Nam; Thu nhập và công bằng xã hội; và Môi trường, di dân, đô thị hóa, kinh tế xanh và kinh tế bao trùm.

Hy vọng đây sẽ là nơi để các nhà kinh tế học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, những phát hiện khoa học mới, những tư liệu quý giá về Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế và sinh kế trong quá trình hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Đây cũng sẽ là diễn đàn để các nhà học thuật đưa ra những luận điểm giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững trong điều kiện Việt Nam ngày càng tham gia sâu và rộng vào các hiệp định và tổ chức kinh tế khu vực và thế giới.

Với vai trò làm đầu mối của Tiểu ban 5, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức trong việc triển khai truyền thông cho hội thảo, gửi thông tin hội thảo và thư mời viết bài tới các nhà nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Tiểu ban 5 đã nhận được hơn 200 bài đăng ký của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Một số tóm tắt của các học giả quốc tế mang lại giá trị tham khảo rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam như bài viết “Organization and Incentive: Ever more important to raise self-propelled employees” của Giáo sư Hiromitsu Takemi đến từ Đại học Thương mại Chiba - Nhật Bản. Một số tóm tắt về thị trường lao động có tính gợi ý đối với Việt Nam trong quá trình chuyển dịch lao động trong khu vực như “Regional labour markets in Vietnam” của Giáo sư Uwe Blien - Institut fuer Arbeitsmarkt - und Berufsforschung (IAB - Institute for Employment Research) và “Informal migrant labour and its discontents” của Giáo sư Jonathan De Luca đến  từ Đại học York, Canada.

Với tinh thần làm việc hiệu quả, Tiểu ban 5 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm đầu mối tổ chức đã hoàn thành công tác tập hợp các tóm tắt của các tác giả. Tiểu ban sẽ nhận các báo cáo khoa học toàn văn vào ngày 15/10/2016 và tiến hành công tác sàng lọc, biên tập, chốt danh sách các bài viết sẽ in kỷ yếu trong kỳ hội thảo năm nay. Tiểu ban 5 dự kiến sẽ có khoảng 300 học giả trong và ngoài nước tham gia hoạt động của Tiểu ban 5 tại hội thảo lần này.

Các thông tin chi tiết về Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5, mẫu đăng ký tham dự và mẫu tóm tắt báo cáo xin vui lòng truy cập website chính thức của hội thảo: http://icvs2016.vnu.edu.vn/home/

Phòng NCKH&HTPT