Trang tin tức sự kiện
 
Giáo trình: Những vấn đề kế toán đương đại

Giáo trình "Những vấn đề kế toán đương đại" giới thiệu và phân tích những chủ đề còn gây nhiều tranh cãi trong lĩnh vực kế toán hiện nay. Giáo trình cung cấp cho người đọc những tình huống thực tiễn và các ví dụ thực hành kế toán hiện đại giúp tăng cường khả năng phân tích và giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong thực tế dựa trên nền tảng kiến thức kế toán sâu rộng và đa chiều.


Tác giả: TS. Nguyễn Thị Phương Dung, NCS. Nguyễn Thị Hải Hà (Đồng chủ biên)

Năm xuất bản: 2020

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội

ISBN: 9786043000603

Khổ sách: 16×24cm

 

Cuốn sách được biên soạn gồm 8 chương như sau:

Chương 1 “Các lý thuyết trong kế toán và các vấn đề kế toán đương đại” giới thiệu các lý thuyết kế toán, các lý thuyết kinh tế thường được sử dụng trong kế toán và việc vận dụng các lý thuyết này để lý giải cho các quyết định và thực hành kế toán. Đồng thời, chương này giới thiệu chung về các vấn đề kế toán đương đại được trình bày trong giáo trình.

Chương 2 “Quản trị công ty và vai trò của kế toán” cung cấp các thông tin liên quan đến mối quan hệ giữa quản trị công ty và kế toán gồm: lợi ích và các vấn đề trong quản trị công ty, các cách tiếp cận trong quản trị công ty, đồng thời tập trung phân tích vai trò của kế toán đối với quản trị công ty.

Chương 3 “Các quy định chung và các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế” trình bày nội dung của khung khái niệm được phát triển bởi Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế và các vấn đề gây tranh cãi đối với Khung khái niệm. Chương này cũng tập trung phân tích hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và phân biệt hai hệ thống chuẩn mực dựa trên nguyên tắc và chuẩn mực dựa trên quy tắc.

Chương 4 “Cơ sở đo lường trong kế toán” cung cấp các khái niệm về các cơ sở đo lường trong kế toán, lợi ích và hạn chế của từng cơ sở đo lường, tác động của cơ sở đo lường tới chất lượng thông tin kế toán. Đồng thời, chương này phân tích những tranh cãi trong việc sử dụng giá trị hợp lý cũng như các thách thức trong việc lựa chọn cơ sở đo lường phù hợp trong kế toán.

Chương 5 “Những vấn đề về điều chỉnh lợi nhuận” trình bày khái niệm điều chỉnh lợi nhuận, vấn đề đạo đức khi thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận, các phương pháp điều chỉnh lợi nhuận phổ biến, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lợi nhuận cũng như mối quan hệ giữa điều chỉnh lợi nhuận với chất lượng lợi nhuận.

Chương 6 “Ghi nhận và công bố thông tin về tài sản vô hình và tài sản di sản trên báo cáo tài chính” trình bày việc ghi nhận và công bố thông tin về hai khoản mục đặc biệt trên báo cáo tài chính là tài sản vô hình và tài sản di sản cùng những tranh cãi thường gặp trong thực tiễn doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận.

Chương 7 “Dự báo những thất bại của công ty” lý giải các nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của công ty, phân tích phương pháp sử dụng mô hình định tính và định lượng để dự đoán thất bại của công ty.

Chương 8 “Phát triển bền vững và kế toán” trình bày định nghĩa về phát triển bền vững, cách lập báo cáo phát triển bền vững và các hướng dẫn liên quan và vai trò của kế toán đối với phát triển bền vững.

 

TẬP THỂ TÁC GIẢ

Giáo trình do TS. Nguyễn Thị Phương Dung và NCS. Nguyễn Thị Hải Hà đồng chủ biên, cùng với sự tham gia của các tác giả thuộc Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: TS. Nguyễn Thị Hương Liên, NCS. Đỗ Quỳnh Chi và ThS. Nguyễn Hoàng Thái.