Trang tin tức sự kiện
 
Sáng tạo là yêu cầu và cũng là tiêu chí đánh giá người lao động trong mọi lĩnh vực

Quyết tâm sáng tạo trước khi làm việc nhóm
Trong giáo dục, sáng tạo tồn tại trong mọi bài giảng, phong thái lên lớp, cách truyền đạt kiến thức của giảng viên, vì vậy đến những giáo sư đã có nhiều năm kinh nghiệm vẫn luôn cần sáng tạo và đổi mới. Khóa học Đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên dưới 45 tuổi của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chính là cú hích cho toàn bộ giảng viên trong Trường đổi mới, tránh lặp lại mình sau mỗi giờ lên lớp. Khóa học diễn ra trong 2 ngày: 21 và 22/7/2020.


Mạnh dạn đập vỡ vỏ trứng, thoát ra vùng an toàn 

Phát biểu khai mạc khóa học, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho biết: Đổi mới sáng tạo là hoạt động thường xuyên trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, đối với Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, chúng ta đang đẩy mạnh đề án Đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy để hòa nhập vào môi trường quốc tế hóa giáo dục. Mỗi chúng ta ngồi đây, kể cả giảng viên đã cao niên, giảng viên trẻ cũng luôn cần phải đổi mới và tránh lặp lại mình sau mỗi giờ giảng. Chúng ta không thể dùng mãi một slide, dùng đi dùng lại vài ví dụ, cung cấp chừng ấy quyển sách cho sinh viên… mà yêu cầu phải mỗi ngày một khác, mỗi ngày phải mới hơn, tốt hơn hôm trước.
 Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh ý nghĩa của việc đổi mới sáng tạo trong giảng dạy

Đội ngũ giảng viên chia sẻ về đổi mới sáng tạo ở khóa học này gồm: TS. Hoàng Thị Bảo Thoa; TS. Nguyễn Hương Liên; TS. Trịnh Thị Phan Lan và ThS. Nguyễn Thị Hải Hà. Trước khi khóa học bắt đầu, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa đã thay mặt Ban tổ chức nói về vai trò và ý nghĩa của đổi mới sáng tạo. “Nokia từng là một ông lớn trong làng công nghệ nhưng chỉ chậm đổi mới so với các đối thủ mà dẫn đến sụp đổ một cách không tưởng, đó là một bài học cho tất cả chúng ta. Mỗi giảng viên lên lớp cũng vậy, nếu như môn thứ nhất dùng phương pháp học A với sinh viên, đến môn tiếp theo nếu không có phương pháp B thì rất dễ sinh viên sẽ chán, chán từ môn học đến chán người dạy. Vậy nên, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ hàng ngày, trên mọi lĩnh vực không chỉ ở giảng viên trẻ mà ở cả giảng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm” TS. Thoa chia sẻ.

 TS. Hoàng Thị Bảo Thoa lấy ví dụ về sự thất bại của hãng Nokia khi chậm đổi mới so với thị trường công nghệ

TS. Hoàng Thị Bảo Thoa còn gợi mở một số tư duy trước giờ học bắt đâu như, “Nếu bạn đợi người khác đập vỡ quả trứng từ bên ngoài, vậy thì bạn sẽ là thức ăn của người khác. Nếu có thể tự đập vỡ từ bên trong, vậy bạn sẽ phát hiện sự trưởng thành của mình cũng giống như một lần trùng sinh”. Hay “khi khám phá một lĩnh vực gì đó, hãy coi chúng ta như chính đứa trẻ, lúc đó ta chỉ như tờ giấy trắng và tự do khám phá kể cả là những câu hỏi vu vơ nhất thì ta mới có thể kích thích trí tò mò và đào sâu được vấn đề”.

 PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, Chủ nhiệm đề án Đổi mới hoạt động giảng dạy ở Trường ĐHKT phát biểu tại khóa tập huấn

Đổi mới mình thường xuyên như cơm ăn, nước uống

Mở đầu buổi học, TS. Trịnh Phan Lan đã tạo ra một trò chơi ấn tượng khi ví dụ về một quả cầu được làm bằng giấy vệ sinh, một điều tưởng chừng như không thể. Quả cầu được truyền tay tới tất cả mọi người, buộc mọi người phải thể hiện một cung bậc cảm xúc khi đến với lớp học và không được trùng lặp với nhau.

 TS. Trịnh Thị Phan Lan bắt đầu khuấy động lớp học
 Các giảng viên tham gia trò chơi chuyền cầu để khởi động lớp học

Từ trò chơi truyền cầu, TS. Lan rút ra một số vấn đề như, giấy vệ sinh đâu chỉ có thể dùng trong nhà vệ sinh, đó có thể là một quả cầu để chuyền đi chuyền lại. Sáng tạo cũng vậy, nếu sáng tạo mà làm theo lối mòn, theo lề lối cũ thì chẳng có gì gọi là sáng tạo. Mỗi người đến đây có đi bằng những phương tiện khác nhau, con đường khác nhau và sẽ cũng có cảm xúc khác nhau, cho dù gần giống nhau nhưng phải có cách diễn đạt mới hơn cách cũ.

 
 
Các giảng viên háo hức chơi trò chơi

Sau phần hâm nóng lớp học, Ban tổ chức chia học viên thành các nhóm và cùng thảo luận chung vấn đề về nguyên nhân vì đâu mà ngại đổi mới sáng tạo. Các đội thảo luận và lần lượt trình bày quan điểm của từng nhóm.

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, đại diện nhóm 4 mùa cho biết: "Việc các thầy cô chưa tự đổi mới mình trong các bài giảng có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nhưng một số lý do cơ bản đó là, đa phần các thầy cô ngại thay đổi và sợ thay đổi sẽ không được hoàn hảo hơn rồi lại phải quay trở về cái cũ. Một số thầy cô tư duy rằng, giảng dạy nhiều năm thì kinh nghiệm càng nhiều và điều đó là đổi mới, nhưng thực chất đó chỉ là lối mòn mà thời gian để lại."

Ở chuyên đề 2, học viên được tiếp cận với phương pháp lớp học đảo ngược của TS. Nguyễn Hương Liên và trợ giảng TS. Lê Thị Hồng Duyên (Trường ĐH Ngoại ngữ). Chuyên đề này tập trung đưa ra các hình thức học tập phù hợp với từng đối tượng cụ thể để đạt được hiệu quả tốt nhất. Đối với sinh viên tiếp thu nhanh cần giải thích các thuật ngữ chính rồi để sinh viên tự khám phá, hay đối với sinh viên có độ giải trí cao cần thiết kế bài học dưới dạng game hoặc các trò chơi hoạt động. Đặc biệt, cần kết nối với sinh viên qua mạng xã hội nhiều hơn, đa dạng hình thức học (online, trực tiếp), áp dụng bài tập dạng trắc nghiệm vui, có phần thưởng để khuấy động lớp học….

 TS. Nguyễn Thị Hương Liên với chuyên đề lớp học đảo ngược

Chuyên đề 3, chuyên đề Tư duy áp dụng cho việc giảng dạy do TS. Hoàng Thị Bảo Thoa chia sẻ. TS. Thoa đã lấy ví dụ về giờ giảng sáng tạo truyền cảm hứng và có những gợi ý để kích thích khả năng sáng tạo của người học.

Theo đó, khởi động lớp học sôi động, hiệu quả ngay khi bước chân vào lớp đóng một vai trò quan trọng, giảng viên cần biết cách kiểm tra bài cũ mà không tạo áp lực cũng như tinh thần đối phó của sinh viên. Tăng cường các hoạt động kích thích tư duy, những hoạt động sôi động để khiến tất cả các thành viên trong lớp tham gia mà không ai cảm thấy bị lạc lõng.

Một giờ học truyền cảm hứng nên và cần để lại một câu chuyện nghề ấn tượng. Đó có thể là câu chuyện của bản thân, của đồng nghiệp hoặc một ai đó mà sinh viên chưa hề biết, câu chuyện chứa đựng nhiều cảm xúc, bài học kinh nghiệm sẽ tạo được ấn tượng với sinh viên không chỉ nhân vật mà cả chính người kể chuyện.

Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số, các giảng viên cần phải làm chủ được việc giảng dạy online và có những bí quyết riêng để giảng dạy online hiệu quả. Kỹ năng thấu cảm trước, trong và sau môn học cũng rất quan trọng, giảng viên cần xem xét sự khác biệt về tư duy người học trong tiến trình môn học, tránh việc “học qua rồi như không”.

Phần cuối cùng của khóa tập huấn, các giảng viên được chia thành các nhóm và thảo luận, đề xuất từng giải pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng khác nhau, trong đó có nhiều kiến nghị hay và ấn tượng đã được Ban tổ chức tập hợp lại và gửi đến Ban Giám hiệu Nhà trường xem xét.
 Nhóm Khoa Tài chính Ngân hàng

 

 Nhóm Viện Quản trị Kinh doanh 
 
Nhóm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế
 
 
 Các giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh hồ hởi trao đổi, chia sẻ tại khóa học
Khóa tập huấn nhà giáo dục đổi mới sáng tạo đã thực sự tạo ra một “cú hích” cho đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tăng thêm khát khao đổi mới và liên tục đổi mới.

Phát biểu bế mạc khóa tập huấn, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đánh giá cao tinh thần ham đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giảng viên Nhà trường. Hiệu trưởng tin tưởng rằng, cùng với việc đề án Đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy đang được đẩy mạnh, mỗi giảng viên phát huy tính chủ động, sáng tạo thì hoạt động giảng dạy của Trường sẽ có một bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ đó, người thụ hưởng chính là sinh viên, học viên có có chất lượng đầu ra cao hơn, thương hiệu Nhà trường càng được khẳng định trên bản đồ giáo dục quốc tế.

 Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê gửi lời cảm ơn đến các giảng viên đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp hay, sáng tạo trong giảng dạy

Qua đây, Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các giảng viên đứng lớp khóa tập huấn đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và tận tâm chia sẻ kinh nghiệm đến giảng viên toàn Trường, góp phần vào sự phát triển chung của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.


Văn Công