Trang tin tức sự kiện
 
Phát huy sức mạnh hợp tác với Ban Kinh tế Trung ương

TS. Hoàng Xuân Hòa - quyền Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
TS. Hoàng Xuân Hòa - quyền Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, sau hơn một năm hợp tác với Trường Đại học Kinh tế (bắt đầu từ tháng 05/2013), ông nhận thấy đây là một cộng đồng văn hóa ấn tượng, một môi trường học thuật hài hòa. Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với ông để hiểu hơn về quá trình hợp tác này cũng như những đánh giá của Ban kinh tế Trung ương về Trường Đại học Kinh tế!


Sự hợp tác chiến lược

Thưa ông, xuất phát từ ý tưởng nào mà Ban Kinh tế Trung ương lại chọn Trường ĐHKT làm đối tác?

Tôi cho rằng việc lựa chọn Trường ĐKHT làm đối tác chiến lược trong thời gian qua xuất phát từ vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của cả hai đơn vị.
Ban Kinh tế Trung ương được tái lập với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương. Ban Kinh tế Trung ương có chức năng nghiên cứu, thẩm định, tham mưu đề xuất, kiểm tra giám sát việc xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chính vì vậy, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương rất chú trọng đến việc huy động sức mạnh tri thức của đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu lớn của cả nước trên từng lĩnh vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, chúng tôi tin rằng, là một thành viên tích cực của ĐHQGHN, với 40 năm truyền thống xây dựng và trưởng thành, Trường ĐHKT là trung tâm đào tạo đại học và sau đại học có uy tín, đồng thời cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức về kinh tế có chất lượng, trình độ cao theo chuẩn quốc tế. Do đó, chúng tôi rất tin tưởng khi lựa chọn Trường ĐHKT là đơn vị hợp tác nghiên cứu và qua thực tế công việc cũng đã chứng minh, Trường ĐHKT là một trong những đơn vị đã phối hợp tốt với Ban Kinh tế Trung ương trong việc nghiên cứu, tham mưu đề xuất những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước.

Những hoạt động hợp tác nào đã được Ban Kinh tế Trung ương và Trường ĐHKT triển khai trong thời gian qua, thưa ông?

Căn cứ vào Quy chế phối hợp giữa Ban Kinh tế Trung ương và ĐHQGHN được ký kết vào tháng 5/2013, các đơn vị trực thuộc Ban Kinh tế Trung ương và Trường ĐHKT đã phối hợp xây dựng nhiều chương trình và tổ chức triển khai thực hiện nhiều kế hoạch hợp tác. Theo đó, hai bên đã có các hoạt động tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng các chủ trương, đề án lớn. Cụ thể, Vụ Kinh tế Tổng hợp - đơn vị đầu mối của Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của Trường ĐHKT để tham gia đóng góp nhiều nội dung theo chương trình hành động. Trong đó, tiêu biểu là các đề án: “Tổng kết 30 năm đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”, “Sơ kết 5 năm Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, “Quá trình xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020”, “Cơ chế chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục, đào tạo”,… Đây là những chất liệu tốt, công phu nhằm phục vụ dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng sắp tới.

Cần phát huy lợi thế trong nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKT

Thưa ông, theo đánh giá của ông, những hoạt động hợp tác này đã mang lại lợi ích gì cho Ban Kinh tế Trung ương cũng như Trường ĐHKT?

Với tư cách là một trong những đơn vị hợp tác nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương, Trường ĐHKT đã rất năng động trong việc chắt lọc, phân tích và tổng hợp các ý kiến đóng góp cho những chủ trương lớn của đất nước. Việc này đã góp phần giúp Ban Kinh tế Trung ương hoàn thành nhiệm vụ trọng trách, đưa ra những tham mưu, đề xuất hợp lý và có tính khả thi trong phát triển kinh tế - xã hội cho Trung ương Đảng, phấn đấu nỗ lực nhằm đpá ứng được yêu cầu công tác cũng như sự kỳ vọng của Đảng, của nhân dân và toàn xã hội.
Đối với Trường ĐHKT, quá trình hợp tác này không chỉ giúp uy tín của đơn vị được nâng cao, năng lực của cán bộ, giảng viên được trau dồi qua từng hoạt động, mà quan trọng hơn là Nhà trường cũng có những đóng góp cho sự phát triển của đất nước, giúp đời sống kinh tế - xã hội ngày càng ổn định, phát triển.

Kết quả của những hoạt động hợp tác này có đáp ứng kỳ vọng của Ban Kinh tế Trung ương không, thưa ông? Ông đánh giá thế nào về những kết quả ấy?

Chúng tôi cho rằng, kết quả từ quá trình phối hợp giữa hai bên đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của Ban Kinh tế Trung ương. Như chúng ta đã biết, các nhiệm vụ, đề án được Ban Kinh tế Trung ương xây dựng đều hướng tới tầm nhìn chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, có điểm nhấn, trọng tâm, trọng điểm và tác động sâu sắc vào hệ thống. Nhiều đề án gần đây mà Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được đánh giá cao về ý nghĩa và tính khả thi. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực lớn lao của tập thể cán bộ, công chức trong Ban Kinh tế Trung ương, nhưng cũng không thể không kể đến sự góp sức, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả của các nhà khoa học và chuyên gia đến từ Trường ĐHKT và một số đối tác khác.
Cũng chính nhờ sự hợp tác hiệu quả này mà trong tháng 7 vừa qua, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trao bằng khen cho Trường ĐHKT. Đây không chỉ là sự ghi nhận của Ban đối với những đóng góp của Nhà trường mà tôi tin rằng nó còn là niềm động viên lớn lao đối với các cán bộ, giảng viên của Trường.

Ông có mong muốn gì từ phía Nhà trường để quá trình hợp tác này đạt được kết quả tốt hơn nữa?

Tôi cho rằng Trường ĐHKT cần phát huy tốt hơn nữa vai trò và những lợi thế trong công tác nghiên cứu của Nhà trường ở các mảng quan trọng như: nghiên cứu, đánh giá về lĩnh vực kinh tế vĩ mô; tạo dựng cơ sở dữ liệu về các đề tài, đề án, công trình nghiên cứu khoa học; cung cấp các kết quả nghiên cứu kinh tế định lượng chính xác… Từ những kết quả nghiên cứu, đánh giá này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tham khảo, chắt lọc và tham mưu cho Trung ương những quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

ĐHKT - Cộng đồng văn hóa ấn tượng

Sau quá trình hợp tác, ông đánh giá thế nào về Trường ĐHKT?

Tôi nhận thấy Trường ĐHKT không chỉ là một thương hiệu lớn mà còn là một đối tác rất tin cậy. Trong quá trình hợp tác, tôi đánh giá rất cao chất lượng công việc và tinh thần làm việc hăng hái, nhiệt tình của cán bộ, nhân viên trong Trường. Mọi người ở đây rất chuyên nghiệp và nguyên tắc.

Điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất về Trường ĐHKT?

Trường ĐHKT là một cộng đồng văn hóa ấn tượng, một môi trường học thuật hài hòa. Ở đó, các giảng viên, nhà khoa học, sinh viên cùng sống và làm việc cởi mở, thân thiện với nhau. Đây là những yếu tố quan trọng để mọi người có thể học hỏi lẫn nhau, đồng thời có cơ hội phát huy cao độ năng lực của bản thân, từ đó có những đóng góp ấn tượng cho nền khoa học nước nhà.

Thời gian tới, Ban kinh tế Trung ương có dự định mở rộng hợp tác với Trường ĐHKT không? Nếu có, cụ thể đó là những gì?

Thời gian tới, chúng tôi sẽ bám sát Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ theo chương trình đã được phê duyệt. Định kỳ hàng năm, chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức họp sơ kết tình hình phối hợp để đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm về các vấn đề đang thực hiện. Trên cơ sở rà soát, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động hiện tại, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác cho các năm sau. Các công việc này sẽ được báo cáo thường xuyên với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Giám đốc ĐHQGHN. Như vậy, chúng tôi sẽ luôn tăng cường phối hợp với Trường ĐHKT trong từng dự án cụ thể, nhất là lĩnh vực kinh tế vĩ mô, dự báo thống kê, chính sách tiền tệ - tài khóa, hội nhập kinh tế quốc tế…
Về kế hoạch trước mắt, để chủ động thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Kinh tế Trung ương, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy kết quả, kinh nghiệm triển khai hợp tác với Trường ĐHKT trong thời gian qua, cũng như bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung cao độ cho việc chuẩn bị các nội dung liên quan về phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng; chủ động phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các Cơ quan Đảng ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện giám sát chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
Chúng tôi luôn hy vọng, Trường ĐHKT và các đơn vị nghiên cứu sẽ luôn đồng hành và chung sức phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian tới cũng như cùng chia sẻ những kết quả, dữ liệu nghiên cứu phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện! Chúc ông sức khỏe, thành công và chúc cho việc hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Trường ĐHKT luôn đạt được những kết quả tốt đẹp nhất.


Trích: Kỷ yếu kỷ niệm 40 năm truyền thống Trường ĐHKT - ĐHQGHN Tháng 11/2014