PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, tân Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) đã có cuộc trò chuyện cùng chúng tôi về triết lý giáo dục và câu chuyện nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên nhà trường:
Câu chuyện "đại học nghiên cứu"
- Thưa ông, là thủ lĩnh mới của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, ông có thể cho biết chiến lược mà ông muốn trường mình hướng đến trong thời gian tới, là gì?
Mục tiêu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đến năm 2020 là trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu với những đặc trưng cơ bản là giảng dạy dựa trên cơ sở nghiên cứu hay nghiên cứu dẫn dắt giảng dạy và quá trình giảng dạy cũng chính là quá trình nghiên cứu. Nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội là một trong những sứ mệnh của trường. Trên thực tế, việc xác định xây dựng trường đại học theo định hướng mô hình đại học nghiên cứu không phải là việc mà trường nào cũng làm.
- Nhưng để hướng tới một đại học với đặc trưng là nghiên cứu, thì không phải là chuyện dễ dàng gì?
Một trong những điểm khác biệt của ĐHKT - ĐHQGHN là trường cố gắng tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tài năng và năng lực sáng tạo của tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên. Trường đang trở thành nơi thu hút những chuyên gia, học giả nổi tiếng trong và ngoài nước đến trình bày những ý tưởng mới và trao đổi với cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên. Chỉ riêng việc những chuyên gia tầm cỡ thế giới đến và trao đổi tại trường, đó cũng đã là một việc thành công, vì phải là một trường đại học thế nào mới được họ lựa chọn làm điểm đến.
- Trong một trường đại học "nặng" về nghiên cứu, chương trình đào tạo sẽ được xây dựng như thế nào, thưa ông?
Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính ở Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Nghiên cứu đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn, hơn nữa nghiên cứu phải có thời gian thì mới có thành quả, nhưng nếu làm được điều đó thì mới tạo ra được điểm nhấn và tính bền vững trong hoạt động của một trường đại học. Mục tiêu của đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế -ĐHQGHN là cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng để sau này họ có thể phát triển theo hướng chuyên gia và lãnh đạo. Những kiến thức và kỹ năng đó không đơn thuần là những kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, mà còn là những kiến thức và kỹ năng cuộc sống, giúp cho người học sau khi tốt nghiệp có thể thích nghi được với những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Chúng tôi đang thực hiện điều đó thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO (Conceive Design Implement Operate). CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Nhà trường tiến hành xây dựng chương trình đào tạo dựa trên điều tra, khảo sát nhu cầu bên ngoài để xem có nhu cầu thực sự về chương trình đào tạo đó không? Khi có kết quả khảo sát, Trường sẽ đặt ra được một loạt các tiêu chuẩn đối với người tốt nghiệp (gọi tắt là “chuẩn đầu ra”) để đào tạo được người học đảm bảo có đủ những tiêu chuẩn đó. Sau khi xây dựng và tổ chức thực hiện, chúng tôi tổng hợp phản hồi của những người có liên quan bao gồm sinh viên, nhà tuyển dụng, giảng viên và những người có liên quan khác... Quá trình đó khiến cho chương trình đào tạo của đại học gần gũi với thực tiễn, thực sự đáp ứng yêu cầu của xã hội.
- Để trở thành một đại học nghiên cứu, thì giảng viên cũng phải biết và say mê nghiên cứu. Ông khuyến khích các giảng viên của mình nghiên cứu như thế nào?
Đã là giảng viên đại học thì ai cũng biết nghiên cứu. Vấn đề cốt lõi là họ có say mê hay không. Có rất nhiều cách để khuyến khích giảng viên say mê nghiên cứu. Ở Trường ĐHKT - ĐHQGHN, chúng tôi khuyến khích giảng viên tham gia các khóa học nâng cao về phương pháp nghiên cứu và gợi mở các vấn đề cần nghiên cứu Tôi cho rằng với bất kỳ trường đại học nào, thì danh tiếng, uy tín của trường đại học đó trước hết chính là nghiên cứu, và giảng viên luôn là nguồn lực quý giá nhất của bất cứ một trường đại học nào. Chính đội ngũ giảng viên tạo ra những nghiên cứu, và những nghiên cứu tạo ra thương hiệu của một trường đại học.
Để khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu, đầu tiên chúng tôi đã xây dựng chiến lược nghiên cứu chung của trường, trong đó xác định rõ mục tiêu của nghiên cứu là: Nghiên cứu phục vụ giảng dạy; Nghiên cứu phục vụ tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Nghiên cứu phục vụ tư vấn phát triển doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở để các khoa và các giảng viên xây dựng các định hướng nghiên cứu của chính họ...
Bước tiếp theo là đưa ra các cơ chế khuyến khích nghiên cứu. Trường ĐHKT - ĐHQGHN không đặt nặng vấn đề phạt, mà đặt nặng về vấn đề thưởng cho nghiên cứu. Bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín sẽ được thưởng. Mức thưởng từ 10 đến 15 triệu đồng. Các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí trong nước có uy tín cũng được thưởng. Đề tài nghiên cứu khoa học được hoàn thành trước thời hạn, đạt loại tốt cũng được Nhà trường thưởng. Trường ĐHKT-ĐHQGHN lấy kết quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên. Bên cạnh việc tạo điều kiện, khuyến khích nghiên cứu như vậy, chúng tôi luôn chủ động mời các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước đến trường diễn thuyết, tạo cơ hội cho các giảng viên, sinh viên nắm bắt được những tư tưởng và những vấn đề nghiên cứu mới dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó chính là cách thức chúng tôi đã và đang triển khai để khơi gợi sự say mê nghiên cứu khoa học trong mỗi giảng viên của trường.
- Sản phẩm nghiên cứu và người nghiên cứu có tốt đến đâu, mà sản phẩm đầu ra chính của trường (là các sinh viên) mà èo uột thì cũng sẽ là một nan đề?
Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng bên cạnh các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thì thương hiệu của một trường đại học còn được thể hiện qua sự thành đạt của sinh viên đã tốt nghiệp. Chẳng hạn, Đại học Harvard nổi tiếng nhưng không phải chỉ nổi tiếng ở lĩnh vực nghiên cứu mà còn nổi tiếng vì nhiều sinh viên tốt nghiệp trường này là những doanh nhân rất thành đạt.
Chúng tôi luôn xác định: NCKH trong sinh viên không phải là phong trào mà là hoạt động có tính chất thiết thực. Nhà trường đã tạo nhiều điều kiện và có chính sách khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học như: hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu, trao thưởng cho các công trình nghiên cứu có chất lượng, tạo điều kiện để sinh viên được tham gia giao lưu, trao đổi học thuật với sinh viên các đại học khác trên thế giới v.v…
- Là một nhà nghiên cứu lâu năm, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với sinh viên?
Để trở thành một nhà nghiên cứu thực thụ đầu tiên phải có sự say mê. Niềm say mê này khởi đầu từ sự tò mò, muốn tìm tòi để giải đáp cho cái tò mò của mình. Nghiên cứu chính là đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra bằng các phương pháp khoa học. Chính sự say mê và trí tò mò sẽ giúp đặt ra những câu hỏi đúng và giúp cho người nghiên cứu có đủ sự kiên trì và bền bỉ để tìm câu trả lời.
Tiếp đến là phải có tinh thần cầu thị và tự học, đặc biệt là cần phải đọc nhiều. Nhưng không đơn thuần là đọc để biết mà là đọc với tư duy phản biện, tổng hợp và chắt lọc những điểm hay, những điểm thú vị. Bên cạnh tinh thần tự học thì việc tích cực tham gia trình bày, thảo luận và trao đổi về vấn đề đang được nghiên cứu cũng có vai trò rất quan trọng. Nghiên cứu là một quá trình khám phá và nếu quá trình đó càng được nhiều người cùng tham gia thì càng thú vị và hiệu quả cũng sẽ cao hơn. Ý tưởng nghiên cứu càng được nhiều người thảo luận thì càng có nhiều ý tưởng hay xuất hiện. Nghiên cứu sẽ không đưa lại kết quả khi nó bị khép kín.
…Và chuyện cơm - áo - gạo - tiền
- Vậy chuyện “cơm áo, gạo tiền” của giảng viên, ông tính sao?
Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu có liên quan đến tư vấn chính sách cho nền kinh tế - xã hội là những nghiên cứu giúp cho nền kinh tế - xã hội có thể phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững trong khi đó lại rất khó có thể thu hút nguồn lực để hỗ trợ cho những nghiên cứu này thông qua cơ chế thị trường. Trong khi đó những nghiên cứu ứng dụng, những nghiên cứu có liên quan đến tư vấn phát triển kinh doanh và doanh nghiệp lại dễ dàng hơn trong việc thu hút nguồn lực do nhu cầu đối với kết quả của những nghiên cứu này là khá cao. Cần phân biệt rất rõ điều này để từ đó có những cơ chế quản lý và hỗ trợ thích hợp. Loại hình nghiên cứu thuộc về nghiên cứu cơ bản được Trường ĐHKT ưu tiên hộ trợ còn loại hình nghiên cứu thuộc về nghiên cứu ứng dụng được Nhà trường tạo điều kiện về cơ chế và tạo vốn mồi.
- Trong quan niệm của ông, ông muốn người ta biết đến trường mình với điều gì: (1) Một cơ sở đào tạo - nghiên cứu tốt; (2) Một cơ sở làm kinh tế tốt?
Tôi muốn nói rằng: Trường ĐHKT - ĐHQGHN là nơi quy tụ những người có năng lực, tâm huyết với chất lượng. Những người muốn cống hiến cho chất lượng, cho sự phát triển của Nhà trường có thể đến đây để sáng tạo và thực hiện mong ước cống hiến của mình. Trường ĐHKT tạo môi trường tốt cho họ làm điều đó.
- Thưa ông, được biết Trường ĐHKT - ĐHQGHN là một đơn vị mà giảng viên có mức thu nhập cao. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Về thu nhập, chúng tôi đang cố gắng tạo mọi cơ hội để giảng viên có thể nâng cao thu nhập của mình. Tôi không hứa với giảng viên là tôi sẽ nâng cao thu nhập cho họ, mà tôi tạo cơ hội cho họ nâng cao thu nhập của mình. Tạo cơ hội như thế nào thì có rất nhiều cách nhưng đều xoay quanh hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn…
Nếu so sánh trong quy chế chi tiêu nội bộ, đây là một trong những trường đại học có quy chế chi tiêu nội bộ ở mức tương đối tốt, so với nhiều trường đại học là cao hơn. Dĩ nhiên là tôi không so trên mức tổng, nhưng so với định mức mà mỗi một trường cần xác định để trả cho giảng viên, cán bộ thì đây là một trong những nơi trả cao.
- Tinh thần đại học mà ông đang dẫn dắt trường mình đi, là gì?
Tôi quan niệm giáo dục đại học không chỉ là một ngành dịch vụ đơn thuần mà là một ngành dịch vụ bán công. Trường đại học không chỉ cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho người học, giúp họ sau khi ra trường có được có thu nhập cao, công việc tốt mà giáo dục đại học còn có những tác động lan tỏa lớn hơn. Vì một người có kiến thức, kỹ năng, một người được đào tạo tốt về cơ bản sẽ là một người công dân tốt, một người hàng xóm tốt, một người đồng nghiệp tốt, một lãnh đạo tốt. Khi họ đã là một người như vậy thì họ giúp ích cho xã hội rất tốt. Do vậy, quan niệm của tôi về một trường đại học, đó là phải là nơi cung cấp dịch vụ bán công và phi lợi nhuận. Điều đó nghĩa là, cái nguồn thu mà trường thu về không phải để chia mà để đầu tư ngược trở lại để phát triển các nguồn lực, để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, thực hiện các giải pháp để đưa trường phát triển lên. Tuy nhiên, giống như các trường đại học khác trên thế giới, Trường ĐHKT - ĐHQGHN đang hoạt động trong cơ chế thị trường, nên nó phải hoạt động theo những quy luật của nền kinh tế thị trường. Điều đó nghĩa là khi quản lý một trường đại học, thì cần quản lý nó giống như quản lý một doanh nghiệp nhưng là quản lý một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán công và phi lợi nhuận.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!
>> Xem bài gốc