Trang tin tức sự kiện
 
Tọa đàm The B-Semester: tiếp cận Blended learning trong tổ chức giảng dạy để ứng phó với những Bất ngờ trong một học kỳ Bất định

Ngày 16/09/2020, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy (CTE) đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “The B-Semester: tiếp cận Blended learning trong tổ chức giảng dạy để ứng phó với những Bất ngờ trong một học kỳ Bất định”.


Tọa đàm nhằm mục tiêu chia sẻ các kinh nghiệm và thực hành tốt trong tổ chức giảng dạy theo tiếp cận Blended learning, đồng thời hỗ trợ giảng viên, giáo viên tại ĐHQGHN chủ động và sáng tạo trong tổ chức hoạt động giảng dạy trong năm học mới, ứng phó hiệu quả với những ảnh hưởng lớn của dịch cúm Covid-19 thông qua việc cung cấp một số tiếp cận và phương pháp trong việc kết hợp giảng dạy online và giảng dạy trực tiếp (Blended learning).

Tham gia chia sẻ tại tọa đàm là các chuyên gia, các giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai các hoạt động dạy học theo phương thức Blended learning tại các đơn vị đào tạo thành viên của ĐHQGHN: PGS.TS. Phạm Kim Chung, Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN; TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN; TS. Nguyễn Thị Hương Liên, Chủ nhiệm Bộ môn Kiểm toán, Phó Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN điều hành buổi tọa đàm.

Nhận diện Những “Bất định” và “Khó khăn” trong giảng dạy dưới tác động của dịch Covid-19, TS. Tôn Quang Cường cho rằng giáo dục, hay cụ thể hơn là hoạt động dạy học trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên thú vị nhưng cũng gặp nhiều trở ngại và thách thức, từ đó tạo ra những khả năng, xu hướng và điều kiện buộc chúng ta phải thay đổi tư duy dạy học. Người giảng viên luôn cần chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi từ mọi mặt để có sự triển khai hợp lý trong hoạt động dạy – học.

 TS. Tôn Quang Cường chia sẻ về những Bất định và Khó khăn trong giảng dạy dưới tác động của dịch Covid-19.

Những Bất định và Khó khăn trong hoạt động dạy học dưới tác động của dịch Covid-19.

Qua sự chia sẻ từ TS. Tôn Quang Cường về những Bất ổn, Bất anBất định trong vấn đề lý luận dạy học ngày nay, việc áp dụng phương pháp dạy học nào để đạt được hiệu quả tối ưu cho cả người dạy lẫn người học là vấn đề đặt ra và cần được giải quyết. PGS.TS Phạm Kim Chung đưa ra những chia sẻ hữu ích về cách tiếp cận trong thiết kế và triển khai dạy học kết hợp qua bài chia sẻ về “Áp dụng tiếp cận và phương pháp Blended learning trong thiết kế các hoạt động dạy học”.

 

Hai lớp mô hình tổ chức dạy học (Theo Gibbons & Rogers)

Để cá thể hóa quá trình dạy học chúng ta cần chủ động hơn. Theo nghiên cứu của Gibbons & Rogers, có 2 lớp mô hình tổ chức là tổ chức theo không gian vật lí (Physical layer) và tổ chức theo nguyên tắc sư phạm (Pedagogical layer). Mỗi mô hình được kết hợp linh hoạt tùy theo đặc điểm môn học và các hoạt động cần thiết của giáo viên để hỗ trợ người học ứng phó với những bất ổn, bất định.

Bên cạnh đó, PGS. TS Phạm Kim Chung đã có những chia sẻ cụ thể về một số hình thức tổ chức dạy học: dạy học giải quyết vấn đề; dạy học trải nghiệm và dạy học dự án. PGS. TS Phạm Kim Chung nhấn mạnh việc áp dụng mô hình dạy học cần xem xét ở các điều kiện cụ thể và phụ thuộc vào năng lực của người học.

PGS.TS Phạm Kim Chung chia sẻ về “Áp dụng tiếp cận và phương pháp Blended learning trong thiết kế các hoạt động dạy học”

Tổ chức giảng dạy trong bối cảnh cần ứng phó nhanh và hiệu quả trước những “bất ngờ” và “bất định” đòi hỏi rất lớn sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của giảng viên. Tuy nhiên, mọi đổi mới trong hoạt động giảng dạy cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc điều hướng kiến tạo, hay hướng tới chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Trong phần chia sẻ về “Áp dụng nguyên lý điều hướng kiến tạo (Constructive Alignment) trong đổi mới và xây dựng học phần”, TS. Nghiêm Xuân Huy khẳng định tiếp cận điều hướng kiến tạo trong đổi mới và xây dựng học phần giúp chương trình đào tạo đi đúng mục tiêu đề ra, người học đạt được chuẩn đầu ra thành công và đạt được hiệu quả trong học tập. Tiếp cận điều hướng kiến tạo được áp dụng để xây dựng chương trình đào tạo, các hoạt động dạy học. Ba thành tố của điều hướng kiến tạo là: Chuẩn đầu ra/Kết quả (Outcomes), Sự đánh giá (Assessment) và hoạt động dạy học (Teaching). Ba thành tố có sự liên quan mật thiết với nhau – nếu 1 thành tố thay đổi 2 thành tố còn lại sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.

TS. Nghiêm Xuân Huy chia sẻ về “Áp dụng nguyên lý điều hướng kiến tạo (Constructive Alignment) trong đổi mới và xây dựng học phần”.

 Bốn bước xây dựng điều hướng kiến tạo (Constructive Alignment).
Ba thành tố quan trọng chịu sự chi phối của nguyên lý điều hướng kiến tạo trong xây dựng học phần (Constructive Alignment)

Nguyên lý điều hướng kiến tạo đặt ra yêu cầu cần xây dựng CĐR rõ ràng ngay từ đầu. CĐR là những tuyên bố về những gì người học cần phải biết, hiểu và/hoặc có thể minh họa sau khi hoàn thành một quá trình học tập, là cơ sở đo lường đánh giá sự tích lũy của người học. TS. Nghiêm Xuân Huy đã nhấn mạnh nguyên tắc viết chuẩn đầu ra – SMART (S – Specific (Phải rõ ràng, cụ thể); M – Measurable (Phải đo lường được); A – Attainable (Có thể đạt được); R – Relevant (Phải thực tiễn); T – Time-bound (Phải xác định được thời gian hoàn thành)) và cách viết CĐR theo thang Bloom.

 

TS. Nguyễn Thị Hương Liên đã có những chia sẻ về Kinh nghiệm triển khai mô hình “Lớp học đảo ngược” theo tiếp cận Blended learning. Với một lớp học truyền thống thầy cô là người truyền thụ kiến thức cho sinh viên và sinh viên về nhà làm bài tập, vận dụng kiến thức đã học gặp nhiều hạn chế và không còn phù hợp. Trước khi lên lớp sinh viên xem các video bài giảng trực tuyến của giáo viên; đến lớp giáo viên hướng dẫn sinh viên áp dụng kiến thức đạt được ở các bậc học cao hơn; sau buổi học một số sinh viên sẽ xem lại bài giảng nhằm củng cố lại kiến thức, một số sinh viên giỏi hơn sẽ mở rộng kiến thức, kỹ năng đã học. Chính vì vậy mô hình “Lớp học đảo ngược” đạt được hiệu quả tối ưu trong quá trình dạy và học.

 Mô hình “Lớp học đảo ngược” (The Flipped Classroom).

TS. Nguyễn Thị Hương Liên đã khái quát những lợi ích chung của việc áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” và lí do tại sao cần đảo ngược giảng dạy theo mô hình này: đáp ứng nhu cầu người học thế hệ Z (sinh sau năm 1995); sinh viên tiếp cận bài giảng mọi lúc, mọi nơi, có thể xem lại bài giảng khi cần thiết; giải phóng thời gian trên lớp, giảng viên hướng dẫn sinh viên phát triển được các bậc học cao hơn thông qua làm bài tập, thảo luận, thực hành; đánh giá được ngay mức độ hiểu bài của sinh viên, thiết kế hoạt động ôn tập làm rõ các khái niệm bị hiểu sai. 4 hình thức đảo ngược lớp học TS. Nguyễn Thị Hương Liên đã áp dụng với lớp học kế toán của mình là: đảo ngược lớp học trực tuyến; đảo ngược hoạt động thảo luận nhóm; đảo ngược kiểm tra và đảo ngược đánh giá. TS đã trình bày cụ thể về 4 hình thức đảo ngược lớp học này. Thông điệp cuối bài diễn giải TS đưa ra là: “Người giảng viên hãy luôn luôn chuẩn bị cho mình nguồn năng lượng dồi dào khi đến lớp và hãy đảo ngược lớp học theo phong cách của mỗi người vì không có một mô hình lớp học đảo ngược nào là chuẩn chung cho tất cả mọi người”.

Tọa đàm này nằm trong chuỗi tọa đàm và tập huấn do Trung tâm Hỗ trơ giảng dạy triển khai trong thời gian từ tháng 9/2020 nhằm hỗ trợ giảng viên, giáo viên tại ĐHQGHN về công nghệ và phương pháp trong triển khai đào tạo trực tuyến và kết hợp. Thông tin các khóa tập huấn tiếp theo được đăng tải trong poster dưới đây và tại Link đăng ký tham dự: https://forms.gle/CjvTKUXYnYLztUNP7

 Thông tin chuỗi tọa đàm và tập huấn về chủ đề Blended Learning do CTE tổ chức.