Trang tin tức sự kiện
 
“Thấu cảm Thầy Trò thời Covid” – Hành trình từ trái tim đến trái tim

Chủ động phòng chống đại dịch Covid-19, thầy và trò Trường ĐH Kinh tế đã và đang trải qua một học kỳ thật đặc biệt, lớp học trực tuyến thu gọn trên màn hình máy tính, giảng đường vắng bóng sinh viên. Học kỳ đặc biệt này cũng mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho cả thầy và trò, từ những lo lắng, hoang mang, áp lực, mất cân bằng cuộc sống đến sự tò mò được khám phá công nghệ mới, thích nghi và cảm giác thú vị, hạnh phúc. Những câu chuyện đầy cảm động, những tâm tư, nguyện vọng của cả thầy và trò được giãi bày, những thông điệp được gửi gắm từ hai phía để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách… là nội dung chính của Tọa đàm “Thấu cảm Thầy Trò thời Covid” do Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội tổ chức chiều ngày 3/5/2020.


     Tọa đàm được tổ chức trên ứng dụng Zoom thu hút trên 170 sinh viên, giảng viên Trường ĐH Kinh tế và các khách mời tham dự. Ngoài sự tham dự của các thầy cô Khoa Kế toán Kiểm toán, Khoa Tài chính Ngân hàng, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, tọa đàm còn đón tiếp rất nhiều diễn giả đến từ các trường đại học thành viên của ĐHQG Hà Nội. Đặc biệt, tọa đàm còn có sự tham dự của thầy hiệu trưởng - PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê trong suốt hơn 4 tiếng đồng hồ diễn ra tọa đàm, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và lắng nghe thực lòng của thầy trước những tâm tư, nguyện vọng của giảng viên và sinh viên.

Thầy Hiệu trưởng - PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê chia sẻ với giảng viên và SV tại tọa đàm

     Đúng 13:45 phút, tọa đàm được hâm nóng bởi các màn biểu diễn tài năng của sinh viên UEB, mang lại bầu không khí cởi mở và sẵn sàng chia sẻ tại tọa đàm. Mở đầu chương trình, TS. Nguyễn Thị Hồng Thuý - Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán đã có bài phát biểu gần gũi chào đón các thầy cô và các em sinh viên tham dự tọa đàm, đồng thời mong muốn buổi tọa đàm xóa mờ khoảng cách giữa thầy và trò để các em có thể tự tin chia sẻ.

 

TS. Nguyễn Thị Hồng Thuý - Chủ nhiệm Khoa KTKT phát biểu khai mạc tọa đàm

     Sau phần phát biểu khai mạc, cô Hải Hà - đại diện nhóm nghiên cứu của Khoa Kế toán Kiểm toán đã trình bày kết quả khảo sát “Thấu cảm sinh viên thời Covid” với số phiếu thu thập lên tới 977 phiếu đến từ các khoa, Viện của UEB. Với vai trò là một đại sứ đổi mới sáng tạo VIBE của VNU, cô Hải Hà đã mang đến tọa đàm một nguồn năng lượng tích cực với các chia sẻ về cảm hứng thực hiện chuỗi topic “Thấu cảm sinh viên”, lý do cần thấu cảm sinh viên, thấu cảm là bước khởi đầu của quá trình đổi mới, sáng tạo. Nội dung đặc biệt thu hút sự quan tâm, chú ý của tọa đàm chính là kết quả khảo sát sinh viên mà cô Hải Hà đã thực hiện cuối tháng 4 vừa qua. Kết quả khảo sát 977 sinh viên UEB cho thấy 10 thuận lợi chính từ việc học online, từ việc tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu đến việc hình thành kỹ năng sống, kỹ năng học tập mới, đồng thời cũng chỉ ra 10 trở ngại lớn nhất của việc học trực tuyến như trạng thái quá tải về mắt và sức khỏe khi thời gian nhìn màn hình máy tính, điện thoại từ 6-10 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó, những lo lắng, tâm tư đến từ các sinh viên năm cuối đang học các môn chuyên ngành cũng là một điểm nhấn thu hút sự quan tâm của thầy cô và người tham dự tọa đàm.

 

Cô Hải Hà chia sẻ kết quả khảo sát thấu cảm sinh viên tại tọa đàm

     Trước một mùa thi đang tới gần, xấp xỉ 100% sinh viên tham gia khảo sát đều mong muốn một kỳ thi được giảm tải nội dung và áp lực với sự hướng dẫn chi tiết của thầy cô về cách làm bài và cách chấm điểm, đảm bảo tính công bằng và khách quan trong kiểm tra - đánh giá, phân loại sinh viên. Điều rất thú vị của đợt khảo sát này là gần 300 sinh viên đã rất tích cực trả lời câu hỏi mở của phiếu khảo sát về quá trình thích nghi và trải nghiệm cuộc sống tích cực, những bài học sâu sắc đúc rút được trong thời gian dịch bệnh, trong đó, nhiều bài chia sẻ rất cảm động về việc các em nhận thức được tầm quan trọng của sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, hướng tới cuộc sống cân bằng về sức khỏe, học tập, làm việc và vui chơi. Bùi Kim Chi, cô sinh viên năm nhất Khoa Kế toán Kiểm toán tâm sự về những khó khăn mà em phải đối mặt khi quyết định ở lại Hà Nội tiếp tục làm thêm và học trực tuyến trong điều kiện công nghệ không thuận lợi.

 Câu chuyện vượt khó đầy cảm động của Bùi Kim Chi, SV năm nhất Khoa KTKT

     Nguyễn Thúy Hằng - sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh lại hào hứng với những kỹ năng công nghệ mới học được thời Covid; Trịnh Như Hương - sinh viên năm cuối Khoa Kế toán Kiểm toán tâm sự dưới góc nhìn của một cán bộ lớp thời Covid; Nguyễn Chí Đạo và Đinh Hải Yến - sinh viên Khoa TCNH chia sẻ nỗi lo học chuyên ngành và niềm tiếc nuối khi sắp phải rời xa mái trường qua những tiết học online, sinh viên Phạm Phương - Khoa Kế toán Kiểm toán với trải nghiệm cuộc sống tích cực thời Covid.

 

Sinh viên Thúy Hằng, Viện QTKD chia sẻ tâm tư, tình cảm tại tọa đàm

     Những câu chuyện rất đời thường nhưng chứa đựng nhiều giá trị sống tích cực, được sinh viên trải lòng chia sẻ khiến nhiều thầy cô và người tham dự tọa đàm rớm nước mắt, khoảng cách giữa thầy và trò ngày càng thu hẹp lại để thấu hiểu nhau hơn về những điều trái tim muốn nói. Mỗi em một hoàn cảnh khó khăn riêng, thầy cô và nhà trường luôn cảm thông, chia sẻ và luôn đồng hành cùng các em để vượt qua các rào cản đó.

 

Tương tác gần gũi giữa thầy và trò tại tọa đàm

     Sau phần mini game kích hoạt không khí tọa đàm, cô Hương Liên, giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán tiếp tục chia sẻ kết quả khảo sát “Thấu cảm thầy cô thời Covid” được tổng hợp từ 31 phiếu khảo sát thu được từ các khoa, Viện của UEB và một số trường bên ngoài bao gồm Đại học Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp, Đại học Lao động - Xã hội, Đại học Điện lực và Đại học Bách khoa Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy không chỉ sinh viên gặp phải các rào cản khi học trực tuyến mà các giảng viên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh những khó khăn như phải lọ mọ đến nửa đêm để chuẩn bị tài liệu và bài kiểm tra trực tuyến, cảm giác tù túng, mệt mỏi khi không được giao tiếp với học trò và đồng nghiệp, trở ngại lớn nhất của giảng viên là việc bị giảm cảm xúc do không nhìn thấy sinh viên, không rõ sinh viên có hiểu bài hay không. Tuy nhiên, việc sinh viên tích cực tương tác online cũng mang lại cho thầy cô nhiều hứng thú khi giảng dạy. Đa dạng hóa hình thức kiểm tra - đánh giá trực tuyến, các hoạt động sáng tạo tiếp tục triển khai thời hậu Covid, cũng như các đề xuất, mong muốn của thầy cô trong thời gian tới đều được các thầy cô tham gia khảo sát trả lời rất nhiệt tình. Đặc biệt, gần 90% thầy cô tham gia khảo sát đều mong muốn nhà trường triển khai hình thức “Blended learning” và mô hình lớp học đảo ngược, cho phép kết hợp giữa việc học ở trên lớp và học trực tuyến để tăng hiệu quả và chất lượng giảng dạy.

 

Cô Hương Liên trình bày kết quả khảo sát thấu cảm giảng viên thời Covid

     Tiếp nối phần tổng hợp kết quả khảo sát thấu cảm giảng viên là phần chia sẻ của các diễn giả tại tọa đàm, mang lại nhiều thông điệp sâu sắc và có ý nghĩa thiết thực với sinh viên. “Trưởng thành không có nghĩa là phải làm điều gì đó to tát mà đơn giản là sự thấu hiểu những gì nhỏ bé” là lời nhắn nhủ của cô Trần Thế Nữ, Khoa Kế toán Kiểm toán đến các em. Thầy giáo Hữu Bình chia sẻ bí quyết lấy lại cân bằng cảm xúc trong lớp học với màn trình diễn văn nghệ ngẫu hứng với đàn guitar.

 

 
Cô Trần Thế Nữ và thầy Hữu Bình chia sẻ tại tọa đàm

     TS. Đào Thị Diệu Linh, giảng viên Tâm lý học, Bộ môn Tâm lý - Giáo dục học, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội đã mang đến tọa đàm “Vòng tròn kiểm soát”, giúp thầy cô và các em tập trung và làm tốt những gì mà bản thân kiểm soát được để không lãng phí thời gian vào những gì nằm ngoài vùng kiểm soát. Điều đó sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, là động lực giúp chúng ta vượt qua được khó khăn trong cuộc sống.

 

Tiến sỹ tâm lý Diệu Linh chia sẻ về “Vòng tròn kiểm soát”

     Đón nhận dịch Covid-19 bằng lăng kính lạc quan, diễn giả Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa TCNH và diễn giả Nguyễn Thị Hải Hà, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - nhà giáo dục sáng tạo của Microsoft đều cho rằng Covid-19 đã mang lại nhiều cơ hội để phát triển bản thân và tăng cường khả năng tự học. Trong thời gian đại dịch, các khoá học vốn rất đắt đỏ của những trường đại học danh giá được cung cấp miễn phí cho người học trên toàn thế giới.

 

Cô Hải Hà, Trường ĐH Ngoại ngữ giới thiệu các khóa học thiết thực với sinh viên

     Cô Thanh Tú, trưởng nhóm đề án đổi mới giảng dạy của UEB hào hứng chia sẻ: nhờ dịch Covid mà kế hoạch và lộ trình triển khai các hoạt động đổi mới giảng dạy tại UEB đã được đẩy nhanh tiến độ, ứng dụng ngay trong quá trình dạy và học trực tuyến, nhận được các phản hồi tích cực từ giảng viên và sinh viên của trường.

 

Cô Thanh Tú, trưởng nhóm đề án đổi mới giảng dạy của UEB chia sẻ tại tọa đàm

     “Trong nguy có cơ”, cuộc chiến với dịch Covid vẫn còn tiếp tục, hết khó khăn này sẽ đến khó khăn khác, nhưng chỉ cần các em sinh viên luôn có niềm tin vào nhà trường, chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang cho tương lai và không ngừng khát vọng vươn tới những tầm cao thì chắc chắn các em sẽ thành công, đó là thông điệp cuối cùng đến từ diễn giả TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế.

 

Cô Bảo Thoa mang đến tọa đàm phương châm “Sống và khát vọng”

     Tham dự tọa đàm, sinh viên H.T.D, lớp Kế toán CLC2, khóa QH 2018E chia sẻ “Em xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô đã tổ chức buổi tọa đàm đầy ý nghĩa theo đúng tựa đề thấu cảm. Em đã cảm nhận sự quan tâm rất đáng quý của thầy cô trong khoa mình nói riêng và thầy cô trong BGH nói chung, làm ấm lòng những sinh viên đang gặp khó khăn như em ạ. Những giải đáp thắc mắc của thầy cô đã trả lời được những câu hỏi của em và các bạn trong Khoa Kế toán - Kiểm toán, và đặc biệt những ý kiến rất thiết thực và ý nghĩa của thầy Trúc Lê đã cho chúng em hiểu rằng nghề kế toán không nhất thiết phải làm ở những công ty lớn như Big 4 mà còn có thể khởi nghiệp và thành công trong nhiều vai trò khác nữa nếu chúng em được trang bị đầy đủ hành trang vào đời ngay dưới mái trường UEB”.

       Sau hơn 4 tiếng đồng hồ thầy trò trải lòng chia sẻ, tọa đàm đã khép lại với nhiều cảm xúc và gợi mở những hành động thiết thực với cả thầy và trò Khoa Kế toán Kiểm toán và toàn trường ĐH Kinh tế. Thông tin chia sẻ tại tọa đàm là một kênh tham khảo hữu ích cho các thầy cô bộ môn, ban lãnh đạo khoa và ban giám hiệu nhà trường ra các quyết định kịp thời và phù hợp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu và mong muốn của người học. Thầy cô và các em sinh viên đều mong rằng trong tương lai khoa và nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều buổi toạ đàm có ý nghĩa như vậy.


Hải Hà - Hương Liên - Phương Anh, Khoa KTKT