Trang tin tức sự kiện
 
Có thể cho ra đời nhiều báo cáo thường niên hơn

Đây là khẳng định của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN tại buổi họp Hội đồng khoa học nghiệm thu đề án trọng điểm ĐHQG ngày 21/7/2010.


Theo đó, Hội đồng khoa học của ĐHQGHN đã tổ chức nghiệm thu đề án Báo cáo kinh tế thường niên 2010 do TS. Nguyễn Đức Thành làm chủ nhiệm. Đây là đề án đã được thực hiện 2 năm (2009 và 2010) gây tiếng vang trong giới nghiên cứu và có những ảnh hưởng nhất định trong xã hội.
TS. Nguyễn Đức Thành trình bày đề án trước Hội đồng
TS. Nguyễn Đức Thành trình bày đề án trước Hội đồng nghiệm thu
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng, đánh giá đề án này, GS.TSKH. Vũ Minh Giang cho rằng: “Đây là đề án trọng điểm, phục vụ trực tiếp nhu cầu thực tiễn, trong đó có tập hợp các phân tích của chuyên gia để đưa ra một sản phẩm chất lượng tốt. Mặc dù sản phẩm này đã quen thuộc trên thế giới nhưng vẫn chưa phổ cập ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây có thể là cơ sở để ĐHQG xem xét cho ra đời những báo cáo thường niên về giáo dục, nhân quyền…”.
Cũng theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang, hiện ĐHQGHN đã được “đặt hàng” đào tạo về luật nhân quyền và đây là chương trình đào tạo đầu tiên ở Việt Nam về lĩnh vực này.
Về đề án Báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam 2010, Hội đồng khoa học ĐHQGHN đều có đánh giá cao về chất lượng. PGS.TS Lê Danh Tốn, Ủy viên Hội đồng nhấn mạnh việc nhóm đã sử dụng phương pháp hiện đại, tính trường phái cao, đã hình thành nhóm nghiên cứu, thu hút được các chuyên gia quan tâm… Điều này đã khẳng định chất lượng của đề án.
Trong khi đó, PGS.TS. Vũ Đức Minh cho rằng, chất lượng là điều không cần phải nói thêm. Điều quan trọng là TS. Nguyễn Đức Thành cùng nhóm nghiên cứu phải đưa ra những kiến nghị hướng đi tiếp theo của đề án chứ không chỉ là những kiến nghị trên cơ sở những gì đã báo cáo. PGS.TS Vũ Đức Minh cũng quan tâm đến việc, Báo cáo thường niên đã được sử dụng thế nào trong thực tế. Ông cho rằng: “Việc tài liệu được đưa vào các kỳ họp quốc hội, được các nhà kinh tế sử dụng… là rất tốt nhưng nó được sử dụng trong đào tạo thế nào, những người đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ, sử dụng tài liệu này ra sao? Đây là thông tin cần bổ sung thêm để khẳng định sự phổ cập của đề án”.
Ngoài các góp ý, Hội đồng khoa học cũng đã đặt ra một số câu hỏi khác như: Vì sao lại đặt tên đề án có năm tiếp theo chứ không phải là năm đề án đề cập đến? Ngoài Hội đồng lý luận trung ương, đề án đã nhận được phản hồi của các chuyên gia chưa? Liệu có nên đánh giá là đặc sắc ở một số vấn đề của đề tài trong khi thực tế những vấn đề này đã được báo chí đề cập trước đó? Hướng đi tiếp theo của nhóm nghiên cứu là gì để tránh sự nhàm chán hoặc đuối trong tương lai?...
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn góp ý với đề án
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn góp ý với đề án
Với tư cách là Ủy viên hội đồng, đồng thời là cố vấn, hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng đã có những góp ý và trả lời một số câu hỏi liên quan đến đề án. Về việc đặt tên “Báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam 2010”, theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn thì đây là cách của Mỹ, tức là đặt tên đề án kèm theo năm xuất bản. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết, thực tế ở Việt Nam cũng đã từng có những báo cáo về kinh tế nhưng do đó là các cơ quan hoạch định về chính sách nên báo cáo thường bị những ảnh hưởng nhất định. Trong khi đó báo cáo ở đây là của một trường đại học nên sẽ có sự khách quan hơn. Về mặt cần chú ý, đề tài nên có thêm những điểm nhấn của báo cáo theo dạng gạch đầu dòng để người đọc có thêm những lưu ý. Khi đưa về tổng quan kinh tế thế giới thì phải có sự nhìn nhận ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào. Trong khi đó, khi nói về tổng quan kinh tế Việt Nam thì phải chốt lại những vấn đề đáng chú ý để có mào đầu cho các phân tích tiếp theo…
Một ý kiến cũng rất đáng quan tâm đối với đề tài này đó là Hội đồng cho rằng, cần thiết có những tổng kết, đánh giá việc các khuyến nghị đã được Chính phủ xử lý thế nào. Nhóm nghiên cứu cũng cần tập hợp những thông tin trong năm tiếp theo có đúng như dự đoán trong báo cáo trước đó hay không? Tất cả các thông tin này cần đưa vào báo cáo năm tiếp theo để khẳng định giá trị những của sản phẩm do nhóm cung cấp.
Nói về đề án, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, nhóm đang định hướng đề án ra quốc tế, mà bằng chứng cụ thể nhất chính là trong năm thứ 2 đưa ra báo cáo này, nhóm đã cho in bản tiếng Anh và phát hành song song với bản tiếng Việt. Ngoài ra, nhóm cũng hướng tới việc tìm tài trợ để đảm bảo về mặt kinh tế cho các cá nhân trong nhóm nghiên cứu, từ đó nâng cao chất lượng nghiên cứu và nội dung báo cáo.
Sau khi tiếp nhận các góp ý của Hội đồng khoa học, nghe các phản biện đưa ra ý kiến, GS.TSKH. Vũ Minh Giang phát biểu: “Đây là sản phẩm khoa học được ĐHQG "đối xử" đặc biệt, có yêu cầu đặc biệt. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu cần phải xem xét tính bền vững, định dạng sản phẩm, xem xét sứ mệnh của báo cáo này là gì… Cần có thêm các chuyên gia nghiên cứu có bài bản nhưng phải gắn chặt với thực tế, có khả năng kết nối với các chuyên gia để đưa ra một bức tranh gần sự thật nhất”.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang kết
luận buổi nghiệm thu đề án
GS.TSKH. Vũ Minh Giang kết luận buổi nghiệm thu đề án

Kết luận, GS.TSKH. Vũ Minh Giang khẳng định, sản phẩm khoa học này được hội đồng đánh giá cao, là sáng kiến tích cực, thu hút được sự tham gia của các nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Các báo cáo về cơ bản đã hoàn thành được khối lượng thông tin đề ra trong đề án. Nhóm đã làm việc nghiêm túc, có kết quả mới, có giá trị khoa học lớn.
Với sự nhất trí cao trong việc thông qua đề án, Hội đồng khoa học ĐHQG đã quyết định nghiệm thu đề án này với loại Tốt.

Cao Mạnh Tuấn


Các tin khác