Trang tin tức sự kiện
 
Tọa đàm khoa học quốc tế "Một khổng lồ Châu Á khác - Viễn cảnh so sánh về thành tựu kinh tế Ấn Độ - Trung Quốc"

GS. Srikanta Chatterjee, Khoa Kinh tế ứng dụng và Kinh doanh quốc tế, Đại học Massey, New Zealand
Tọa đàm diễn ra vào sáng ngày 12/3/2008 tại phòng Hội thảo 406.E4, do Trường Đại học Kinh tế phối hợp với Khoa Kinh tế Quốc tế tổ chức. Tới dự có GS. Srikanta Chatterjee, Đại học Massey (New Zealand); PGS.TS Đỗ Đức Định - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Phạm Thái Quốc - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cùng nhiều cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Viện Đại học Mở Hà Nội và toàn bộ sinh viên các lớp chất lượng cao ngành Kinh tế Đối ngoại.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, chủ trì buổi toạ đàm - nhận định: Khu vực châu Á đang diễn ra một quá trình chuyển đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội và văn hoá. Quá trình này đang diễn ra ngày càng sâu rộng với những thay đổi về chính sách phát triển của bản thân các quốc gia và của những yếu tố tác động từ bên ngoài, đặc biệt là sự nổi lên của hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định Việt Nam là một nước đi sau có một số điểm tương đồng với Trung Quốc và Ấn Độ, do vậy nghiên cứu mô hình phát triển của hai nước trên là cần thiết và có ý nghĩa tham khảo hữu ích cho Việt Nam.
Sau diễn văn đề dẫn của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giáo sư Srikanta Chatterjee - Đại học Massey (New Zealand) đã có bài báo cáo tập trung vào hai vấn đề chính của buổi toạ đàm: So sánh sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ(*); Những cơ hội, thách thức từ sự nổi lên của Trung Quốc và sự tăng trưởng nhanh của Ấn Độ. Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh: tăng trưởng nhanh không giải quyết được tất cả mọi chuyện, các nước đang phát triển hiện nay của châu Á đang phải đối mặt với thách thức của việc duy trì tăng trưởng bền vững, tăng cường chất lượng của tăng trưởng, và giải quyết những mâu thuẫn gay gắt trong phát triển nông nghiệp đó là giảm nghèo và bất bình đẳng, tăng năng lực cạnh tranh và giảm những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá.
Sau bài phát biểu của Giáo sư Srikanta Chatterjee là đến phần bình luận của PGS.TS Đỗ Đức Định và TS. Phạm Thái Quốc. Hai chuyên gia nghiên cứu kinh tế đã bày tỏ những quan điểm đồng tình với bài báo cáo của Giáo sư đồng thời phân tích, bổ sung và làm rõ những nhân tố tác động tới sự phát triển của nền kinh tế hai nước.
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, các cán bộ, sinh viên đã đưa ra nhiều ý kiến và thảo luận sôi nổi về: viễn cảnh nền kinh tế Châu Á, so sánh mô hình kinh tế của hai quốc gia Ấn Độ - Trung Quốc, những suy nghĩ về phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá,…
Kết thúc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã đánh giá cao những đóng góp khoa học trong báo cáo của GS. Srikanta Chatterjee. Thay mặt toàn cử tọa, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã cảm ơn GS. Srikanta Chatterjee và các chuyên gia trong nước đồng thời khẳng định: buổi tọa đàm đặc biệt hữu ích cho các giáo viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế, nhất là những người trực tiếp tham gia nghiên cứu về kinh tế Châu Á nói chung cũng như kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc nói riêng.

(*) Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm tới một phần ba dân số thế giới. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,3 tỷ dân. Ấn Độ đứng thứ hai với số dân là 1,09 tỷ người. Cả hai nước đều đang trải qua giai đoạn tăng trưởng dân số đô thị nhanh chóng. Báo cáo khẳng định những thành tựu nổi bật của 2 nền kinh tế Trung Quốc & Ấn Độ. Qua nghiên cứu so sánh mô hình phát triển của 02 nước với một số điểm tương đồng và khác biệt, báo cáo chỉ rõ Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc kinh tế sau những năm tăng trưởng nhanh, với tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong thời gian dài kể từ sau cải cách kinh tế năm 1978. Trung Quốc là một nước xuất khẩu lớn và hiện là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Còn Ấn Độ đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng đầy ngoạn mục với tốc độ xấp xỉ 7% một năm và đang có nhiều tiềm năng cho sự tăng trưởng cao trong tương lai. Bên cạnh đó, các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường đều là mối quan tâm ở cả Ấn Độ và Trung Quốc. Hố ngăn cách về giàu nghèo là rất lớn, với đa số dân chúng vẫn còn sống bên lề của sự tăng trưởng kinh tế cũng như sự bất bình xã hội, sự ô nhiễm môi trường cùng với những tác động tiêu cực tới nguồn tài nguyên nước và không khí.

 Xin vui lòng tham khảo bài báo cáo của GS.Srikanta Chatterjee, Khoa Kinh tế ứng dụng và Kinh doanh quốc tế, Đại học Massey, New Zealand tại đây



Tin: Bảo Ngọc - Ảnh: Thúy Diệp