Trang tin tức sự kiện
 
Cơ sở đào tạo cần được tăng tính tự chủ trong việc tạo nguồn thu và chi trả thu nhập

TS. Lê Hồng Huyên (giữa bên trái) và PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo
Sáng ngày 26/3/2013, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục, đào tạo”.


Tới tham dự hội thảo có TS. Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, đại diện lãnh đạo các Vụ trực thuộc Ban; đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các phòng/ban thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo thành viên ĐHQGHN; đại diện lãnh đạo một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại...
Về phía Trường ĐHKT có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng, PGS.TS Trần Anh Tài - Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các khoa, các phòng ban trực thuộc trường. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.

Trao đổi về vấn đề tiền lương tại hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng chính sách chi trả lương hiện nay trong ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng còn nhiều bất cập như: lương tối thiểu thấp dẫn đến các cán bộ, giảng viên trong ngành hiện nay vẫn chưa sống được bằng lương; hay việc các cơ sở đào tạo muốn tăng thu nhập cho cán bộ, giảng viên còn nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn thu - mà một trong những nguyên nhân là những rào cản trong cơ chế…
Cải cách tiền lương trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học rất khó khăn do hạn chế về nguồn lực, do sự phức tạp của bộ máy hành chính như là phân loại chức danh, phân loại tiêu chuẩn, bộ máy quản lý điều hành rồi tình hình kinh tế vĩ mô, mối tương quan giữa lạm phát và tiền lương, … Tuy nhiên, đây là một việc làm vô cùng cấp bách và cần thiết.

Nhiều ý kiến góp ý được đưa ra tại hội thảo

Đưa ra những kiến nghị cho vấn đề cải cách tiền lương, các đại biểu cho rằng, khi việc chi trả tiền lương còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách thì một trong những vấn đề quan trọng để tăng thu nhập cho cán bộ chính là đa dạng hóa nguồn thu cho cơ sở đào tạo, trong đó nguồn của Nhà nước mang tính trọng tâm, nhưng không nên cào bằng và cần có tính đặc thù đối với các ngành/lĩnh vực đào tạo. Đặc biệt đối với những trường trọng điểm hoặc các ngành khoa học cơ bản. Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến sự minh bạch trong tạo nguồn thu và tăng cường quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo trong việc tìm kiếm các nguồn để chi trả thu nhập tăng thêm.

Vấn đề phân bổ nguồn thu, chia trả thu nhập cũng được các đại biểu quan tâm. Theo đó, thu nhập cần được chi trả theo 3 tiêu chí cơ bản: vị trí công việc, năng lực và theo hiệu quả công việc. Điều quan trọng hơn cả là cần giao quyền tự chủ cao cho các trường đại học. Nhà nước có thể đưa ra các khung (khung tối thiểu hay khung cơ bản) để cho các trường có thể chủ động hơn trong câu chuyện chi trả thu nhập.
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại hội thảo chính là vấn đề quản lý. Nhiều ý kiến cho rằng cần có một cơ quan thống nhất quản lý vấn đề tiền lương để tránh sự chồng chéo, không đồng nhất quy định giữa các bên.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu một số kiến nghị khác như: thu hẹp thang lương, xem xét về lương cho ngành đặc thù…, đặc biệt còn có các khuyến nghị về hỗ trợ cho các giảng viên trẻ và hỗ trợ cho giảng viên nữ.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT chia sẻ về Phương án trả lương theo phương án 3P (Vị trí - Năng lực - Hiệu quả) mà nhà trường đang thực hiện


Hội nghị lần này nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các bên về các vấn đề liên quan đến tiền lương như: lương tối thiểu; hệ thống thang, bảng lương; chế độ nâng lương, nâng ngạch; cơ chế trả lương; nguồn lực để đảm bảo thực hiện; quản lý tiền lương và thu nhập theo các đối tượng chính sách… để tham mưu với Bộ Chính trị về chính sách tiền lương nói chung và tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức, người lao động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng.

Đỗ Chiêm