Trang tin tức sự kiện
 
Mặt phải và mặt trái của FDI

Tất cả địa phương có ngành may, những công ty đều “ngày đêm” giăng băng rôn quảng cáo tuyển công nhân ngành may.
Cho đến năm 2008, FDI được cho là cây đũa thần góp phần chủ chốt đem lại phép lạ cho nền kinh tế Việt Nam. Các dự án đăng ký vốn 5 tỉ trở thành một thứ “thuốc phiện” đối với nhiều tỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia trong Báo cáo kinh tế Việt Nam 2008 (do báo Sài Gòn Tiếp Thị và trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (CEPR) thuộc đại học Kinh tế – đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện) đã phân tích mặt phải và mặt trái của FDI…


Mặt phải:
Vào thời điểm cuối thế kỷ 20, FDI được đẩy mạnh tại Việt Nam với mục tiêu: cung cấp vốn, công nghệ, kỹ năng, việc làm, thị trường, những yếu tố này kết hợp với nguồn lực sẵn có trong nước góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp với mức thu nhập trung bình vào năm 2010.
Theo ghi nhận, từ năm 2000, đóng góp của FDI vào sự phát triển của các ngành công nghiệp Việt Nam là rất ấn tượng, cả về tỷ lệ việc làm (7.4), đầu tư và xuất khẩu, góp phần quan trọng trong tăng trưởng sản lượng công nghiệp.
Nhưng trong khi dòng vốn tiếp tục đổ vào, thì số việc làm được tạo ra tuy có tăng nhưng lại chủ yếu là thâm dụng lao động rẻ mạt, không có kỹ năng.
Sự gia nhập WTO của Việt Nam càng đẩy nhanh dòng vốn. Kể từ năm 2007, tổng số FDI đăng ký tăng từ 10 lên 60 tỉ USD, thực hiện từ khoảng 4 tỉ trong năm 2006 lên 12 tỉ USD vào cuối năm 2008.
Mặt trái:
Trong hai năm 2007 và 2008, Việt Nam phải nếm trải tiêu cực do dòng vốn nước ngoài đổ vào quá lớn. Dường như đấy chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao trong năm 2008, do ngân hàng Nhà nước mất khả năng kiểm soát, thanh lọc, theo nhận định của World Bank. Theo phân tích thì 189,6 ngàn tỉ VND, tức 58% tổng vốn đầu tư của khu vực kinh doanh gồm cả các doanh nghiệp nhà nước là FDI, đầu tư chứng khoán hoặc vay nợ nước ngoài.
Tỷ lệ FDI trong khu vực không tham gia vào thương mại quốc tế ngày một tăng, chẳng hạn như bất động sản và du lịch (CIEM 2008). Trong năm 2008, ước tính khoảng 30% tổng vốn đầu tư đã thực hiện nằm trong ngành bất động sản và khách sạn, so với 13% trong ngành công nghiệp nhẹ và 3% trong ngành nông nghiệp và thực phẩm. Những khu vực này không tạo được nhiều việc làm và có xu hướng khá thâm dụng nhập khẩu, gây áp lực lên cán cân thanh toán của Việt Nam.
Thực trạng trên dẫn tới hệ luỵ là lạm phát hai con số, đã tác động trực tiếp đến chi phí sinh hoạt và tiền lương thực tế. Thu nhập thực tế giảm mạnh trong năm 2008, thậm chí trước cả sự suy giảm cầu thế giới đối với hàng hoá của Việt Nam có nguy cơ đe doạ đến việc làm. Nhằm đối phó với tình hình trên, tháng 1.2009, chính phủ đã tăng tiền lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước. Số liệu của tổng cục Thống kê cho thấy lương danh nghĩa tối thiểu tăng 38% chỉ đủ để đưa tiền lương thực tế trở về với xu hướng trước đó của nó.
Các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng thâm dụng lao động nhất, tạo ra số việc làm nhiều hơn các doanh nghiệp khác. Năm 2007, theo báo cáo của UNDP, các công ty nhận cả những công nhân không biết chữ và đã mở các lớp xoá mù chữ nhằm đảm bảo công nhân có thể đọc các thông báo an toàn và những chỉ dẫn cơ bản. Các doanh nghiệp này luôn tìm cách khai thác triệt để nguồn lao động rẻ mạt, mà không chú trọng đào tạo trình độ và kỹ năng cho người lao động.
Một mối quan ngại xa hơn nữa là vốn đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào những ngành có công nghệ tương đối thấp. Mặc dù, vốn hoá lợi thế so sánh là điều rất ý nghĩa đối với Việt Nam, song từ khía cạnh phát triển các ngành công nghiệp trong nước, cần xem xét sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội địa. Cơ chế lan truyền được thực hiện thông qua các mối liên hệ sản xuất giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước và thông qua tác động ngoại ứng hay tác động lan toả, như chuyển giao kỹ năng và công nghệ. Những nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy tác động của FDI đến ngành công nghiệp nội địa là rất nhỏ. Nhận thấy sự thiếu hụt của các “ngành công nghiệp phụ trợ” quan trọng, Ohno cho rằng nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được lợi thế của các công ty đa quốc gia lớn thì nền kinh tế sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của mình.
Phân tích của các chuyên gia kinh tế cũng cho thấy không có lý do gì để mong đợi các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thúc đẩy các ngành nội địa – một trong những lý do Việt Nam đã tuyên bố khi hướng tới FDI. Theo Lall, họ có xu hướng bị thu hút bởi các đặc trưng hiện tại của một quốc gia mà hiếm khi có chủ ý hoạt động nhằm phát triển quốc gia đó. Nói cách khác, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ quan tâm xây dựng các chiến lược của mình sao cho phù hợp với nền kinh tế địa phương, có cân nhắc đến nguồn tài nguyên nội địa, quy mô và thị hiếu thị trường nội địa và chất lượng của lao động và các đầu vào sẵn có, sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp nội địa.
Qua bài phân tích trong báo cáo, thạc sĩ Jago Penrose đề xuất, quản lý FDI nhằm tăng cường chất lượng vốn đầu tư nước ngoài, hướng về một mục tiêu chiến lược chung của Chính phủ Việt Nam là vấn đề cần phải được xem xét thận trọng. Thu hút nhiều FDI phải đồng thời đi đôi với quản lý tốt để FDI thực sự hiệu quả.


(Sài Gòn Tiếp Thị)