Trang tin tức sự kiện
 
Giá điện vẫn có thể giảm

LTS: Do đặc thù của ngành điện có yếu tố độc quyền từ phân phối cho tới số liệu, nên xác định mức độ ảnh hưởng của tăng giá điện, theo đề án dự kiến tăng giá điện, tới nền kinh tế là điều không đơn giản. Nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã xác định kết quả từ ba kịch bản tăng giá điện, dựa trên phân tích bảng mô tả liên ngành và dự báo tổng nhu cầu theo phương pháp Arima. Kết quả có thể còn hạn chế do số liệu chưa đầy đủ, nhưng cơ bản, giúp người đọc cái nhìn khái quát về ảnh hưởng của tăng giá điện lên đời sống dân cư và nền kinh tế


GDP đều giảm trong ba kịch bản
Nguồn phát: phụ thuộc thời tiết
Điện năng sản xuất toàn hệ thống điện quốc gia năm 2007 là 69.071GWh, tăng 13,93% so với mức của năm 2006. Trong đó, tổng sản lượng điện của tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chiếm 73,74%, điện nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 3,83%, còn lại là phần mua từ các nhà máy ngoài EVN.
Về tỷ trọng sản lượng điện năng theo các loại nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thuỷ điện và tua bin khí, mỗi nguồn chiếm khoảng 1/3. Điều này cho thấy, nguồn phát điện phụ thuộc vào thời tiết.
Về cơ cấu tiêu thụ, tỷ trọng điện sinh hoạt có xu hướng giảm, còn điện công nghiệp tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của điện thương phẩm là 14,7%, với tổng sản lượng điện thương phẩm của năm 2007 là 58,4 tỉ kWh.
Dự báo về nhu cầu điện thương phẩm của nhóm tác giả, theo phương pháp Arima, đến năm 2020, Việt Nam cần 253.476GWh. Thử so sánh số liệu từ phương pháp này với thực tế năm 2007, thì sai số khoảng 0,4%.
Ba kịch bản: giảm GDP
Nhóm nghiên cứu đưa ra ba kịch bản. Thứ nhất, tăng giá điện đối với khu vực tiêu dùng 20% và giữ nguyên đối với khu vực sản xuất. Thứ hai là giá điện tăng cho khu vực tiêu dùng là 20% và khu vực sản xuất là 10%. Cuối cùng, tăng 20% cho cả hai khu vực sản xuất và tiêu dùng. Kết quả là GDP giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.

Kịch bản 1

GDP giảm 0,04%

CPI tăng 0,13%

Kịch bản 2

GDP giảm 0,159%

CPI tăng 0,73%

Kịch bản 3

GDP giảm 0,161%

CPI tăng 1,25%

 Có thể giảm giá
Tính toán trong nghiên cứu này cho thấy, dù giá điện tính vào năm 2008 đã tăng 170% so với năm 1995 nhưng chỉ số giá tiêu dùng lại tăng tới 250% tính đến hết năm 2008. Do đó, nếu quy đổi theo mức giá chung, giá điện đã thấp hơn mức của năm 1995 khoảng 30%. Điều này dường như tạo ra một cơ sở hợp lý cho việc tăng giá điện.
Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn 1995 – 2008, tổng mức tăng năng suất của ngành điện (phụ thuộc vào đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả tổ chức – quản lý và trình độ nhân lực) tăng bằng hoặc hơn mức 30%, thì yêu cầu tăng giá điện sẽ kém thuyết phục. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức tăng giá khuyến nghị đi liền với mức cải thiện năng suất của ngành. Nếu ngành điện phát triển tốt, với mức cải thiện năng suất trung bình là 2%/năm, thì không những không phải tăng giá, mà còn có thể hạ giá thành khoảng 2%. Trong khi đó, nếu ngành phát triển một cách chậm chạp, với mức cải thiện chỉ là 0,5%/năm, thì có thể nên tăng giá khoảng 23% để bù đắp sự trượt giá.
Để nâng cao năng suất (phát triển theo chiều sâu) và đồng thời mở mang sản xuất (phát triển theo chiều rộng), cần thu hút thêm đầu tư vào ngành điện. Do đó, mục tiêu đúng đắn của ngành điện cũng như của Chính phủ là tăng động cơ đầu tư vào lĩnh vực này. Sự hấp dẫn đầu tư nằm ở lợi nhuận bền vững, chứ không chỉ đơn thuần ở khả năng liên tục tăng giá bán. Để tăng lợi nhuận, một doanh nghiệp có thể thực hiện bằng nhiều cách, như: tăng năng suất, mở rộng thị trường để thêm cơ hội tăng sản lượng, và điều chỉnh giá.
Trong những phương thức này, tăng giá chỉ thường được dùng trong các thị trường độc quyền. Do đó, để hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành điện, cần đẩy nhanh quá trình cải tổ cấu trúc ngành theo hướng cải thiện tốt nhất năng suất. Điều này sẽ đạt được hiệu quả thông qua đổi mới công nghệ và tăng tính cạnh tranh. Trong hai phương pháp đó, tăng tính cạnh tranh có tính quyết định vì bản thân sự cạnh tranh sẽ tạo ra nhu cầu đổi mới công nghệ.
Không thể dựa vào độc quyền
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nếu chỉ dựa vào lập luận tăng giá điện để tạo sức ép tiết kiệm điện nhằm đạt tới cân đối cung cầu là chưa thật đầy đủ. Lập luận này dường như để biện minh cho những cám dỗ rất khó cưỡng lại từ vị thế độc quyền hiện nay của ngành điện. Lập luận ủng hộ vai trò an ninh chiến lược của lĩnh vực năng lượng cần được xem xét kỹ dựa trên quan điểm tách bạch giữa vấn đề sở hữu với vấn đề cấu trúc thị trường.
Nhìn chung việc tạo một môi trường cạnh tranh trong cung ứng luôn có tác dụng làm tăng lượng cung đồng thời cải thiện giá. Khuynh hướng chung về dài hạn là giá năng lượng sẽ tăng, nếu không có cải tiến đột xuất trong lĩnh vực công nghệ sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh, giá sẽ tăng chậm hơn và động lực cải thiện năng suất cũng như tìm ra các phương thức khai thác nguồn năng lượng mới sẽ nhiều hơn.


Nguyễn Đức Thành - Bùi Trinh - Đào Nguyên Thắng - Nguyễn Ngọc Tân Theo Sài gòn tiếp thị