Trang tin tức sự kiện
 
ĐHQGHN đi đầu trong đổi mới căn bản và sâu sắc hệ thống tuyển sinh ĐH của Việt Nam

Đây là nhận định của TS. Mark A. Ashwill - Giám đốc điều hành công ty Capstone (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc Quốc gia - Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Việt Nam. Website ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Ashwill về vấn đề đối mới tuyển sinh đại học ở Việt Nam (Higher Education Admission Reform in Vietnam: The Next Generation).


Cho dù việc so sánh là khập khiễng, nhưng có thể hình dung rằng giống như năm 1986 khi Việt Nam đưa ra quyết định hệ trọng về vận mệnh đất nước với chính sách Đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã có một quyết định quan trọng khi đi đầu trong công cuộc đổi mới căn bản và sâu sắc hệ thống tuyển sinh đại học của cả nước. Bước tiên phong này là một minh chứng rõ ràng cho nhận thức rằng phương thức tuyển sinh hiện tại không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội cũng như minh chứng cho quyết tâm cao nhằm thay đổi phương thức tuyển sinh hiện tại bằng phương thức mới hiệu quả hơn, công bằng hơn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
TS. Mark A. Ashwill

Vào mỗi mùa thi, chúng ta lại được nghe nhiều câu chuyện cảm động và đầy nghị lực về những trường hợp thí sinh vượt khó để tham dự kỳ thi tuyển sinh vào một trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Để có thể thực hiện ước mơ đại học, các thí sinh phải tham gia kỳ thi tuyển sinh được tổ chức hàng năm, một lần/một năm. Tôi nhớ có một câu chuyện về một nữ sinh cùng với người cha, một nông dân không muốn cô con gái tiếp tục nghề nông, đã phải đi xe khách suốt 38 tiếng đồng hồ để đến địa điểm thi. Đây là một trong gần 2 triệu thí sinh tốt nghiệp trung học phải tham dự kỳ thi bao gồm 3 môn, thời gian thi có thể là 90 hoặc 180 phút tùy từng môn để có thể thực hiện giấc mơ đại học. 

Với phương thức thi đại học hiện tại, thí sinh phải trải qua một ngày rưỡi thi căng thẳng với ba môn thi chủ yếu tập trung vào năng lực ghi nhớ. Khoảng một tháng sau, thí sinh và phụ huynh sẽ nhận được kết quả thi và biết mình đỗ hay trượt, và nếu đỗ thì đỗ vào trường đại học nào. Phương thức tuyển sinh này vì thế mà cũng trở thành một thách thức đối với những học sinh nghèo muốn “đổi đời” bằng tấm bằng đại học của những trường đại học danh tiếng hoặc đối với cả những học sinh nghèo nhưng không may trượt, cần phải học ôn 01 năm nữa để thi lại. Thêm nữa, chi phí ăn ở đi lại cho kỳ thi cũng khá tốn kém đối với những thí sinh ở xa. Ngoài ra, để có hy vọng đỗ vào đại học, hầu hết các gia đình học sinh phải chi trả một khoản tiền không nhỏ cho các em luyện thi. Số liệu thống kê cho thấy rằng thời gian luyện thi của học sinh thành phố nhiều gấp đôi thời gian luyện thi của học sinh nông thôn. Điều này cũng phần nào phản ánh khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Cuối cùng là chi phí do nhà nước chi trả để các giáo viên làm việc cật lực trong thời gian ngắn để chấm thi sau khi kỳ thi kết thúc.

Phương thức thi này được đánh giá là căng thẳng và không hiệu quả, tốn kém cho cả thí sinh và xã hội. Khi hệ thống giáo dục đang thay đổi nhanh chóng chuyển từ đào tạo tinh hoa sang đào tạo đại trà thì quy trình của phương thức tuyển sinh cũ sẽ không còn phù hợp. Xã hội đã thay đổi, do đó, phương thức tuyển sinh cũng cần phải thay đổi theo. 

Theo truyền thống xây dựng nền giáo dục so sánh mà Việt Nam đã có ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực, các đồng nghiệp ở ĐHQGHN, đặc biệt là từ Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục đã tìm kiếm mô hình tuyển sinh có thể áp dụng phù hợp với bối cảnh hiện tại của Việt Nam. ĐHQGHN đã có những nghiên cứu sâu về nhiều mô hình giáo dục cũng như mô hình tuyển sinh của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, trong đó có mô hình của Hoa Kỳ, nơi mà giáo dục đại học có ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực tới giáo dục Việt Nam cũng như các quốc gia khác.

Tháng 10 năm ngoái, tôi đã có dịp nói về phương thức tuyển sinh của các trường đại học ở Hoa Kỳ cho một nhóm cán bộ tuyển sinh của ĐHQGHN tại một Hội nghị tập huấn về kỹ thuật đánh giá hồ sơ và phỏng vấn ứng viên tuyển sinh vào đại học, tổ chức tại Kim Bôi, Hòa Bình. Trong hai buổi của Hội nghị, tôi đã giới thiệu những đặc trưng nổi bật của giáo dục đại học Hoa Kỳ, kể cả quy mô và sự đa dạng, phương thức tuyển sinh, chi phí, chuyển đổi tín chỉ, bằng cấp, quy trình tuyển sinh ở các trường nghệ thuật và khoa học, hệ thống tuyển sinh chung, kỳ thi phục vụ cho mục đích tuyển sinh như SAT và ACT, các định nghĩa khác nhau về tuyển chọn và xếp hạng. Tuy nhiên, nội dung của bài trình bày tập trung vào 7 trường theo thứ tự về tỉ lệ chọn, về yêu cầu dự tuyển và những cách thức khác nhau mà các trường này đang áp dụng để đánh giá hồ sơ ứng viên. Các trường tôi giới thiệu tại Hội nghị bao gồm cả những trường tuyển tất cả ứng viên nộp hồ sơ (gọi là tuyển sinh mở, như các trường cao đẳng cộng đồng), đến những trường có tỉ lệ chọn cao, cao vừa, trung bình và thấp (ví dụ như trường Havard) và 2 chương trình đào tạo về khoa học máy tính và kinh doanh của trường MIT và Northwestern.

Tháng 12/2013, tôi được mời tới một cuộc họp quan trọng do Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ chủ trì nhằm xin ý kiến góp ý của các chuyên gia về đề án đổi mới phương thức tuyển sinh của ĐHQGHN. Khác với phương thức tuyển sinh chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi, phương thức tuyển sinh mới mà ĐHQGHN xây dựng hướng tới việc đánh giá năng lực ứng viên theo hướng tiếp cận toàn diện. Do đó, phương thức tuyển sinh này bao gồm một bài thi chuẩn hóa nhằm đo lường các năng lực cốt lõi mà ứng viên cần phải có để có thể học tập tốt ở bậc đại học. Ngoài bài thi đánh giá năng lực chung này, ĐHQGHN cũng có kế hoạch xây dựng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ. Các bài thi này sẽ được tổ chức 4 lần/năm vào các tháng 2, 3, 11 và 12 ở 6 địa điểm thi khác nhau nhằm giảm thiểu kinh phí đi lại cho thí sinh. Ngoài bài thi chuẩn hóa, kết quả học tập ở bậc trung học của ứng viên cũng được đánh giá khi tuyển sinh. Khi phương thức tuyển sinh mới đã được tinh chỉnh, các tiêu chí đánh giá khác như thư giới thiệu, bài viết giới thiệu về cá nhân ứng viên và phỏng vấn có thể áp dụng để tuyển sinh cho một số chương trình đào tạo có yêu cầu.

Một yêu cầu đang đặt ra đối với giáo dục là cần phải thay đổi để đáp ứng sự thay đổi của xã hội, do đó, phương thức tuyển sinh cũ, dù đã phục vụ đúng mục đích và có ý nghĩa trong bối cảnh cũ cũng sẽ trở thành lạc hậu và không còn phù hợp.

Tôi rất ấn tượng với phương thức tuyển sinh được xây dựng một cách cẩn trọng và có thể đo lường được. Phương thức này sẽ ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của hàng triệu thanh niên trong những năm tới cũng như đóng góp vào việc hiện đại hóa hệ thống giáo dục trung học và đại học của quốc gia. Thật vui mừng khi Việt Namđang thực hiện các bước cần thiết để cải cách phương thức tuyển sinh đại học bằng cách thay thế phương thức truyền thống với phương thức mới, hiệu quả hơn, khách quan hơn và đánh giá được các năng lực tư duy ở bậc cao hơn.

* Mark A. Ashwill là Giám đốc điều hành công ty Capstone , một công ty về phát triển nhân sự, có chi nhánh ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Từ năm 2005 đến 2009, TS. Ashwill là Giám đốc quốc gia của Viện Giáo dục Quốc tế - IIE tại Việt Nam.


Mark A. Ashwill - VNU Media