Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Hội nghị Quốc tế “Phát triển đối tác hợp tác công tư xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn”

Ngày 29/11/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ FNF Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị Quốc tế “Phát triển đối tác hợp tác công tư xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn”. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng công viên địa chất toàn cầu tỉnh chủ trì Hội nghị. Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Quỹ FNF Việt Nam và Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện; đại diện các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh.

Hội nghị đã tập trung thảo luận 2 nội dung: Giới thiệu về đề án kế hoạch tỉnh Lạng Sơn; giải pháp phát huy lợi thế và kết nối phát triển du lịch - dịch vụ và sinh kế bản địa bền vững, bảo tồn các di sản, giá trị địa chất và tài nguyên môi trường. Theo đó, Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn trải dài tại 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng và Chi Lăng, với diện tích trên 3.840km2, dân số trên 375.000 người; chiếm 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh. Công viên địa chất Lạng Sơn có tiềm năng rất phong phú, với nhiều giá trị văn hóa, di sản địa chất và đa dạng sinh học; đặc biệt là hệ thống hang động, thung lũng, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Quỹ FNF Việt Nam và Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện đơn vị đồng chủ trì khẳng định, việc xây dựng các công viên địa chất không chỉ đem lại giá trị to lớn về khoa học và giáo dục, mà còn thúc đẩy phát triển mô hình du lịch địa chất và các hoạt động kinh tế bền vững. Với mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong việc xây dựng công viên địa chất sẽ cho phép sàng lọc, lựa chọn tốt hơn các đối tác; nâng cao tính hiệu quả và bền vững trong việc phân phối dịch vụ công.
 Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã có những tham luận chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới xây dựng Công viên địa chất và phát triển đối tác hợp tác công tư.
Về kinh nghiệm triển khai các kế hoạch xây dựng Công viên địa chất gắn với hợp tác công tư, Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Thị Yến Ngọc cho rằng, Lạng Sơn cần xây dựng Ban quản lý đủ mạnh, đủ quyền hạn và quản lý một cách hiệu quả; có những ký kết thỏa thuận hợp tác công tư với một số doanh nghiệp tư nhân có mong muốn tham gia vào quá trình xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch, hợp tác quốc tế và tham gia các hoạt động của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
 
Bà Đỗ Thị Yến Ngọc, Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viên Khoa học Địa chất và Khoáng sản tham luận tại Hội nghị
 
Đối với vấn đề quản lý các di sản địa chất kết hợp phát triển kinh tế bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học – Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, Lạng Sơn cần nghiên cứu rà soát thêm về công tác bảo vệ các vùng đá vôi bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu quả và đặc sắc nhất, để từ đó có một khu vực mà người dân có thể “sống được từ du lịch”. 
 
 
PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học công nghệ - ĐHQGHN
 
Liên quan tới nội dung bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của công viên địa chất, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở khu vực công viên như cộng đồng dân tộc tại chỗ, các dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Sơn là những di sản cần có kế hoạch bảo vệ.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, chia sẻ và những kinh nghiệm hữu ích của các nhà khoa học, các chuyên gia, cơ quan, tổ chức về cơ hội phát triển, cách thức tổ chức và giải pháp để thực hiện thành công mô hình công viên địa chất theo mô hình hợp tác công - tư. 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao ý kiến tham luận, chia sẻ của các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời mong muốn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế nghiên cứu và triển khai hợp tác đầu tư, tài trợ, triển khai các dự án nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn, phục dựng, nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản, công viên địa chất, xây dựng hạ tầng du lịch… góp phần giúp tỉnh xây dựng và phát triển công viên địa chất Lạng Sơn, hướng tới mục tiêu “Bảo tồn các di sản văn hóa, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu gắn với phát triển du lịch nhanh và bền vững”.
-------
Tin bài liên quan: 

1. Báo Đại học quốc gia Hà Nội- VNU

https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N29871/dHQGHN-hop-tac-xay-dung-Cong-vien-dia-chat-Lang-Son.htm

2. Bnews

https://bnews.vn/hop-tac-quoc-te-xay-dung-cong-vien-dia-chat-lang-son/222861.html

3. Báo Lạng Sơn

https://baolangson.vn/van-hoa/464835-hoi-nghi-quoc-te-phat-trien-doi-tac-hop-tac-cong-tu-xay-dung-cong-vien-dia-chat-lang-son.html

4. Báo xây dựng

https://baoxaydung.com.vn/hop-tac-xay-dung-cong-vien-dia-chat-lang-son-320814.html

5. Thông tấn xã Việt Nam

https://vnanet.vn/vi/anh/anh-thoi-su-trong-nuoc-1014/hoi-nghi-hop-tac-xay-dung-cong-vien-dia-chat-lang-son-5794373.html

6. Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

https://www.langson.gov.vn/en/hoi-nghi-quoc-te-phat-trien-doi-tac-hop-tac-cong-tu-xay-dung-cong-vien-dia-chat-lang-son

7. Đài phát thanh truyền hình tỉnh Lạng Sơn

http://www.langsontv.vn/news/475/33650/hoi-nghi-quoc-te-phat-trien-doi-tac-hop-tac-cong-tu-xay-dung-cong-vien-dia-chat-lang-son

8. Dân tộc và miền núi

https://dantocmiennui.vn/hop-tac-xay-dung-cong-vien-dia-chat-lang-son/313482.html

9. UEB research & sharing

https://www.facebook.com/UEBresearch/posts/620336909385883/



Full Name Email
Address Security code WWTAVB
Content