New Nghien Cuu
 Search

Thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại số

Đây là một phần kết quả của đề tài cấp ĐHQGHN về “Tạo thuận lợi thương mại số ở Việt Nam” do PGS.TS. Vũ Thanh Hương làm chủ nhiệm đề tài. Mục tiêu của đề tài là trên cơ sở làm rõ lý luận và khung khổ về tạo thuận lợi thương mại số, phân tích thực trạng và đánh giá tác động của các hoạt động tạo thuận lợi thương mại số ở Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại số trong bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế. 


Thực tiễn triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thương mại số 

Với tỷ lệ mở cửa lên đến 200% trong các năm gần đây, thương mại đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã và đang có những nỗ lực đáng kể để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đặc biệt trong khung khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ một số hoạt động tạo thuận lợi thương mại số. Việt Nam cũng tham gia vào Hiệp định khung về tạo thuận lợi thương mại qua biên giới không giấy tờ ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương (FA-PT) của UN dành riêng để thúc đẩy thương mại không giấy qua biên giới. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết và tham gia Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA), đồng thời triển khai nhiều biện pháp trong hiệp định này. 

Trong các nhóm biện pháp tạo thuận lợi thương mại số, Việt Nam đạt kết quả tốt nhất trong việc thực hiện nhóm các biện pháp chung, tiếp đến là nhóm các biện pháp phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.  Về các biện pháp cụ thể, Việt Nam thực hiện nổi bật nhất đối với việc thiết lập các website, cổng thông tin để thông tin thương mại luôn sẵn có. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện tạo thuận lợi thương mại số của Việt Nam còn chậm so với mức trung bình của các nước ASEAN. Thứ hạng của Việt Nam trong Báo cáo kinh doanh vẫn còn thấp và thậm chí giảm những năm gần đây. Một số nhóm biện pháp và biện pháp đạt tỷ lệ thực hiện rất thấp, cần tập trung cải thiện trong thời gian tới.  

Nâng cao mức độ thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại số

Các giải pháp chung

- Cần tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thủ tục kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa. 

- Chính phủ cần nhanh chóng đẩy nhanh quá trình lấy ý kiến và ban hành Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo NSW để có cơ sở pháp lý chia sẻ thông tin, đẩy mạnh phối hợp và số hóa thủ tục Hải quan. 

- Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, Cơ chế một cửa ASEAN cần nhanh chóng được ban hành để đảm bảo đủ nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm xây dựng và đẩy mạnh năng lực số trong phát triển thuận lợi hoá thương mại số. 

- Nghiên cứu để xây dựng lộ trình rõ ràng để thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương liên quan đến tạo thuận lợi thương mại số; tích hợp việc thực hiện các cam kết này với các Chiến lược, Hành động chuyển đổi số quốc gia. 

- Tiếp tục hoàn thiện các chính sách và thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch điện tử để các quy định đơn giản, hài hòa và ổn định hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh. 

- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cả cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, thúc đẩy các biện pháp phòng chống tham nhũng và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan đến thương mại, đào tạo để tăng cường nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và tập trung hơn vào bảo vệ quyền riêng tư trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

- Cần tích cực hơn nữa thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại số và bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các hiệp định thương mại song phương và đa phương liên quan đến lĩnh vực này.

Giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại số chung 

Đối với các biện pháp tạo thuận lợi thương mại số chung (GM), Việt Nam cần tập trung vào việc cải thiện các khía cạnh sau: (i) Công bố thông tin về quy tắc xác nhận trước, (ii) Thiết lập trang tương tác dành riêng cho người dùng; (iii) Gia tăng việc áp dụng cơ chế một cửa điện tử trên thực tế; (iv) Cải thiện chất lượng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), kết nối internet giữa các cơ quan quản lý thương mại; (v) Điều chỉnh và thực thi hiệu quả luật và quy định về giao dịch điện tử. Tiếp tục đẩy mạnh việc công bố thông tin điện tử về xuất nhập khẩu, tập trung vào việc cải thiện việc xuất bản điện tử các thông tin liên quan đến thương mại, tăng cường tính minh bạch trong hoạch định chính sách của Chính phủ và nâng cao chất lượng của các điểm hỏi đáp và trang tương tác cho các doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả của hệ thống NSW và ASW. Ưu tiên tăng cường tự động hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thương mại, đặc biệt là thủ tục hải quan. Nâng cao hạ tầng CNTT và chất lượng dịch vụ, xây dựng hệ thống CNTT phục vụ triển khai NSW và ASW theo hướng tích hợp các hệ thống liên quan đến thương mại của các Bộ riêng lẻ vào NSW.

Giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại số phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước

Để cải thiện việc thực hiện các biện pháp này, cần tập trung vào việc nâng cao các chỉ số sau: (i) Xử lý trước khi hàng hoá đến thông qua nộp trước tài liệu dạng điện tử;: (ii) Hệ thống xử lý tự động cho phép giải phóng hàng tuỳ điều kiện và (iii) Thanh toán điện tử. Cần lưu ý hơn đến việc tạo thuận lợi cho dòng hàng hoá nhập khẩu và thúc đẩy sự đa dạng thị trường, hàng hoá cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giải pháp cải thiện việc thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại số phối hợp giữa các chính phủ 

Việt Nam cần tăng cường/thiết lập cơ chế hợp tác/phối hợp/hài hòa hóa hệ thống quản lý rủi ro, hệ thống máy tính; chia sẻ kết quả kiểm soát; trao đổi điện tử chứng từ thương mại giữa các quốc gia. Chính phủ cần đàm phán thiết lập hợp tác với các quốc gia để đẩy mạnh việc thực hiện tạo thuận lợi số cho thương mại xuyên biên giới để tạo điều kiện giao thương liền mạch, đặc biệt là trong khối ASEAN. Về vấn đề trao đổi dữ liệu điện tử giữa các quốc gia, việc bảo vệ dữ liệu trong quá trình đổi mới và số hóa thương mại là rất quan trọng và cần được chú trọng ưu tiên. 

Giải pháp cải thiện việc thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại số phối hợp giữa các cơ quan nhà nước

Việt Nam cần tập trung nguồn lực mạnh mẽ vào việc cải thiện mối quan hệ và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại. Từng bước thiết lập hệ thống máy tính được kết nối hoặc chia sẻ và có khả năng trao đổi dữ liệu theo thời gian thực và cải thiện cơ chế phối hợp về trao đổi dữ liệu và tài liệu giữa các cơ quan trong nước. Việc đẩy mạnh kết nối và phối hợp giữa các Bộ ngành và các cơ quan liên quan trong quản lý thương mại về chia sẻ dữ liệu, chấp nhận và chia sẻ kết quả kiểm tra rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của các biện pháp A2A. Việc nâng cao hạ tầng CNTT, chất lượng dịch vụ, xây dựng hệ thống CNTT phục vụ triển khai NSW và ASW theo hướng tích hợp các hệ thống liên quan đến thương mại của các Bộ riêng lẻ vào NSW để phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý thương mại phải được chú trọng quan tâm hơn. 

Tăng tác động của tạo thuận lợi thương mại số đến sự phối hợp giữa các thành phần tham gia vào thương mại quốc tế

Về sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam trong hoạt động thương mại, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy các cơ quan quản lý thực hiện tạo thuận lợi thương mại số để phụ trách xuyên suốt quá trình thực hiện tạo thuận lợi thương mại số từ giai đoạn khởi động, thực hiện và giám sát. Việc hoàn thiện lại cơ cấu và làm rõ cơ chế hoạt động của Ủy ban 1988 là cần thiết để thể hiện rõ hơn và hợp lý hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên tham gia trong Ủy ban; từ đó mới phối hợp được việc thực hiện cho nhịp nhàng và hiệu quả. Nâng cao vai trò của các cơ quan chuyên trách trong tạo thuận lợi thương mại số để giải quyết các vấn đề có liên quan tới tạo thuận lợi thương mại số. Đảm bảo tối đa các chính sách mới liên quan đến tích hợp kỹ thuật số không tạo ra gánh nặng đáng kể và ngăn cản các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số.Củng cố quan hệ đối tác công – tư như một phương tiện để tài trợ cho cải cách tạo thuận lợi thương mại số và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.

Về sự phối hợp với các cơ quan quản lý thương mại của các nước đối tác, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác liên chính phủ trong số hóa các thủ tục hải quan và quản lý xuất nhập khẩu, chứng nhận điện tử lẫn nhau; đồng thời nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến tạo thuận lợi thương mại số trong khuôn khổ ASEAN, APEC và các FTA đã ký kết. Thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trong và ngoài ASEAN để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ…, thúc đẩy hiệu quả triển khai NSW, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Đặc biệt, những hợp tác/thỏa thuận giữa các chính phủ cần phải được mở rộng hơn nữa ở khía cạnh hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho các hoạt động số hóa các thủ tục xuất nhập khẩu. Trong thời gian tới, đàm phán, hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi các chứng từ thương mại như C/O, E-Phyto… với các đối tác như EAEU, New Zealand và Hàn Quốc cần tiếp tục được đẩy mạnh. 


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code DPPOEQ
Content