New Nghien Cuu
 Search

Triển khai hiệu quả hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu: Vai trò của nghiên cứu và chính sách công nghiệp

Đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italia (23/3/1973 – 23/3/2023), đồng thời chào mừng Ngày Khoa học Italia (15/4/2023) và hướng tới hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2023), Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN phối hợp với Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng tại Italia (CiMET) và Đại sứ quán Italia tại Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Triển khai hiệu quả hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu: Vai trò của nghiên cứu và chính sách công nghiệp”. 


Italia được coi là một trong những thị trường đối tác lớn nhất của Việt Nam trong khuôn khổ Liên minh Châu Âu (EU). Do đó, Tọa đàm hướng đến việc tạo dựng và phát triển môi trường học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng mới, chuyên sâu và các kết quả nghiên cứu khoa học về quan hệ song phương Việt Nam – Cộng hòa Italia. Đồng thời, Tọa đàm cung cấp những tổng kết quý báu sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, không chỉ tiếp cận từ góc độ thương mại – đầu tư mà còn từ góc độ chính sách nghiên cứu và đổi mới, chính sách công nghiệp tại Việt Nam và Italia. 

Hai năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA vừa qua cũng là khoảng thời gian mà bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có tiền lệ: đại dịch COVID-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, xung đột Nga-Ukraina, khủng hoảng năng lượng, lương thực… Tuy nhiên, các số liệu vĩ mô thể hiện EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm các tác động bất lợi từ bối cảnh quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lên tầm cao mới của quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Riêng đối với thị trường Italia, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong khu vực ASEAN và Italia là đối tác EU lớn thứ 4 của Việt Nam. Từ năm 2010-2022, kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia đã tăng trưởng ấn tượng, đạt giá trị gấp đôi so với cách đây 12 năm. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italia đạt mức cao kỷ lục 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2022, các tập đoàn, doanh nghiệp của Italia đã đầu tư 412,19 triệu USD thông qua 135 dự án tại Việt Nam, khẳng định vị thế của Italia trong top 10 các quốc gia đối tác thuộc EU triển khai FDI mạnh mẽ nhất vào thị trường Việt Nam. 

Sự kiện được tổ chức hybrid (onsite tại UEB-VNU và online tại Italia) với sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, các diễn giả đến từ hai nước Việt Nam và Italia.

Nhìn chung, trong quá trình triển khai Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng lợi khả quan từ EVFTA, chủ yếu từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu, bên cạnh đó là các hiệu ứng tích cực trong việc gia tăng đơn hàng, doanh thu và lợi nhuận. Tiềm năng đang trải rộng đối với nhiều ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của cả hai phía trong khuôn khổ thực thi EVFTA trong thời gian tới. Về phía các doanh nghiệp Italia, họ hoàn toàn có những lợi thế lớn khi đầu tư FDI vào Việt Nam bởi hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng, từ dân số, khí hậu, vị trí địa lý tới ẩm thực. Không chỉ vậy, người dân hai nước có mối đoàn kết gắn bó chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý tới thúc đẩy cải cách toàn diện về kinh tế, thể chế để nhằm tạo ra cú hích năng suất, tạo điều kiện thuận lợi tuân thủ các hiệp định về phi thuế quan thông qua các chính sách nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chính sách phát triển công nghiệp. Đặc biệt, trong dài hạn, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển các ngành mũi nhọn, phát huy lợi thế, nhưng vẫn phải đảm bảo các cam kết trong các FTA. 

Phát biển khai mạc Tọa đàm, ông Antonio Alessandro – Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam, chia sẻ: Trong tọa đàm này, chúng ta đánh giá và xem xét Hiệp định EVFTA không chỉ từ góc độ kinh doanh, chính sách mà còn từ quan điểm nghiên cứu khoa học. Hiệp định EVFTA là FTA tham vọng nhất giữa Việt Nam và EU, không chỉ đề cập đến việc giảm thuế, mà còn yêu cầu các quốc gia thành viên giải quyết điều kiện lao động và tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, việc thực hiện đầy đủ EVFTA đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ hệ thống kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, thương mại song phương Việt Nam – Italia đạt kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều 6,2 tỷ EUR vào năm 2022 và hai chính phủ đặt mục tiêu 7 tỷ EUR vào năm 2023. Đặc biệt, trong năm 2023, Italia hy vọng các rào cản phi thuế quan sẽ được giảm bớt đáng kể với các nỗ lực của các bên liên quan, trong đó có cả Việt Nam và Italia.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang – Trưởng Ban Châu Âu, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu và chính sách công nghiệp trong việc thúc đẩy các FTA. Tọa đàm cung cấp những thông tin về hiện trạng triển khai, tiềm năng và cách thức thực thi hiệu quả EVFTA trong tương lai. Tọa đàm tạo ra môi trường hợp tác và đại diện cho những nỗ lực đổi mới, sáng tạo nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao, nhân dân giữa Việt Nam – Italia.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế nhấn mạnh Tọa đàm hướng tới mục đích tạo ra môi trường học thuật, chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học về EVFTA. Đây là một phần trong chuỗi hội thảo về triển vọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và một loạt các đối tác quốc tế nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hữu nghị giữa Việt Nam và một số đối tác chiến lược, quan trọng với Việt Nam như Italia, Ba Lan, Pháp, Vương quốc Anh trong năm 2023 do Trường Đại học Kinh tế tổ chức. Trường Đại học Kinh tế đóng vai trò tiên phong, trung tâm tri thức thúc đẩy trao đổi nghiên cứu và kết quả từ cả góc độ địa phương và toàn cầu.

Đi sâu vào nội dung, Tọa đàm bao gồm 2 tham luận và phiên thảo luận bàn tròn đan xen giữa các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và Italia.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận bàn tròn.

Bàn về chính sách công nghiệp (IP) trong trật tự kinh tế và địa chính trị mới, GS. Marco di Tommaso đến từ Đại học Bologna (Italia) và là Giám đốc CiMET thể hiện quan điểm cho rằng IP trong trật tự kinh tế và địa chính trị mới đang phát triển. IP chủ yếu liên quan tới việc khuyến khích và điều chỉnh sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế và xã hội để thúc đẩy mục tiêu chung của toàn xã hội. IP bao gồm tất cả những can thiệp của chính phủ vào ngành công nghiệp được điều khiển bởi các mục tiêu xã hội quốc gia. Nhóm chính sách này không chỉ đơn thuần cung cấp tiền, nguồn lực cho các doanh nghiệp mà có thể áp dụng linh hoạt nhiều công cụ chính sách khác nhau, từ các biện pháp tài chính đến việc định nghĩa các quy tắc mới có khả năng thay đổi động cơ và hành vi của các bên liên quan trong các hoạt động kinh tế – xã hội. Ví dụ, sau đại dịch COVID-19, IP xuất hiện như một công cụ điều chỉnh quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi sinh thái. Chúng ta cần xem xét vai trò của IP quốc gia và suy nghĩ lại các mối quan hệ quốc tế trong kịch bản phát triển mới, tập trung vào trường hợp của Việt Nam và Italia.

Bàn về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu và thương mại Việt Nam – Cộng hòa Italia, TS. Vũ Thanh Hương – Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế đánh giá EVFTA là FTA thứ 13 của Việt Nam (Việt Nam đã tham gia 15 FTA với 47 đối tác trên trên thế giới) và là FTA có phạm vi, cam kết cao nhất. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Italia tăng 13,3 lần giữa năm 2003 và 2022. Italia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong EU, còn Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Italia ở ASEAN. Tuy nhiên, tỷ lệ thương mại của Italia với Việt Nam vẫn thấp trong tổng thương mại của Việt Nam với thế giới. Các sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Italia bao gồm điện thoại thông minh, máy nhận tiền, máy tính tiền, máy xử lý dữ liệu, cà phê, thép, giày dép, xe gắn máy. Cơ hội để tăng xuất khẩu sang Italia bao gồm: giày dép, túi xách và sản phẩm da, may mặc, trà, cà phê, trái cây, hạt giống, nhựa, sản phẩm thủy sản. Thách thức đối với Việt Nam liên quan tới năng lực đáp ứng tiêu chuẩn lao động và môi trường, năng lực đáp ứng quy tắc xuất xứ, năng lực đáp ứng các biện pháp TBT (rào cản kỹ thuật trong thương mại) và SPS (biện pháp kiểm dịch động thực vật), năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, năng lực tìm kiếm đối tác. Tương lai của EVFTA đối với Việt Nam giống như một con đường cao tốc. Việt Nam cần tăng tốc và tận dụng lợi thế của thỏa thuận thương mại tự do. Việt Nam cần vượt xa hơn thương mại hàng hóa, tăng cường dịch vụ, hợp tác với các doanh nghiệp của EU và thu hút đầu tư từ EU vào lĩnh vực dịch vụ. Việt Nam cần ra khỏi vùng an toàn, tăng cường thực hiện các cam kết như phát triển bền vững, môi trường, lao động, thương mại điện tử.

Thảo luận bàn tròn tập trung vào các nội dung hợp tác thương mại Việt Nam – Italia, IP trong thúc đẩy thương mại Việt Nam – EU, EVFTA và các cơ chế liên quan. Tham gia phát biểu bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học đến từ quốc tế, Italia và Việt Nam.

GS. Claudio Petti (Đại học Salento – Italia) nhấn mạnh việc thực hiện EVFTA có thể giúp nâng cao năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã sẵn sàng để tận dụng lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA mang lại. GS. Pietro Masina (Đại học Napoli l’Orientale – Italia) chia sẻ EVFTA giúp tăng tỷ lệ việc làm và cải thiện môi trường làm việc. Tại châu Á, công nhân trong các ngành có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng việc làm trong vòng 15 năm gần đây. Tuy nhiên, trong khi mức lương tối thiểu còn thấp, những công nhân này có thể kiếm được mức lương tương đối tốt mà không phụ thuộc vào mức chi trả tiền thưởng do doanh nghiệp quyết định. Trong khi chi phí lao động thấp đã được coi là lợi thế cạnh tranh của các nước châu Á, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cải thiện điều kiện làm việc và vai trò của các công đoàn.

PGS.TS. Phan Chí Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế) cho rằng có rất nhiều cơ hội kinh doanh cho cả hai phía Việt Nam và Italia. Vậy làm thế nào để nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Italia? Các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua các rào cản kỹ thuật (chất lượng, tiêu chuẩn môi trường). Hạn chế về giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng là điểm yếu cốt tử của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường yêu cầu khắt khe như EU nói chung và Italia nói riêng. Làm thế nào để nhiều doanh nghiệp Italia có thể tiếp cận thị trường Việt Nam? Khách hàng Việt Nam cần nhận thức và cảm nhận được chất lượng cao đến từ các sản phẩm của Italia.

Ông Federico Vasoli (Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam) nhấn mạnh yếu tố “sự tin tưởng”. Giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam cần được nâng cao. Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam sẵn sàng tham gia cùng các doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, từ góc độ nhà đầu tư Italia, vốn đầu tư FDI của Italia vào Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các quốc gia khác trong EU như Hà Lan, Đức, Pháp.

GS. Francesca Spigarelli (Đại học Macerata, Italia) lưu ý việc thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp tại Việt Nam có thể giúp thúc đẩy tích cực quá trình phát triển của các ngành công nghiệp và quá trình chuyển đổi năng lượng. Đây có thể trở thành một trọng tâm nghiên cứu tiềm năng, tầm nhìn hợp tác tiềm năng giữa các trường đại học ở Việt Nam và Italia.

GS. Claudio Dordi (Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại USAID) nhận thấy những vấn đề cần xem xét khi nghĩ về IP gồm: Ai định hình chính sách công nghiệp? Liệu nó có được thực hiện cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân? Hay liệu một số doanh nghiệp được ưu tiên thí điểm triển khai IP trước trong khi các doanh nghiệp khác đóng vai trò là các biến kiểm soát? Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung vào các cam kết cải thiện điều kiện làm việc, cách mà các doanh nghiệp đối xử với công nhân, người lao động.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI) thể hiện quan điểm Việt Nam hiện nay vẫn trong lộ trình tìm kiếm một IP rõ ràng, đặc thù với công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. EVFTA có thể là một thanh gươm hai lưỡi trong việc hình thành IP ở Việt Nam. Nó có thể là chất kích thích bởi vì nó có thể giúp giảm chi phí đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm các ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy của Hiệp định. Đồng thời, nó có thể tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, giúp thu hút nhiều đầu tư hơn (vốn, kiến thức, kỹ năng…). Tuy nhiên, EVFTA có thể mang lại cả những bất lợi đối với Việt Nam khi nhiều cam kết theo EVFTA có thể đi xa hơn một số nguyên tắc của WTO.

GS. Raffaele Scuderi (Đại học Enna Kore – Italia) hướng sự chú ý vào ngành du lịch Việt Nam khi đưa ra các số liệu dẫn chứng du lịch đóng góp 10,3% GDP của Việt Nam vào năm 2019, tuy nhiên đến năm 2021, con số này chỉ là 6,1% GDP. Sau đại dịch COVID-19, Việt Nam cần cải thiện điều kiện lao động trong ngành du lịch, hướng đến hoạt động du lịch bền vững, du lịch sinh thái xanh.

TS. Nguyễn Đình Tiến (Trường Đại học Kinh tế) đề cập đến ngành lâm nghiệp Việt Nam như một ví dụ về các rào cản, yêu cầu nghiêm ngặt của EU đối với sản phẩm xuất khẩu. Gỗ đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững thì Việt Nam mới có thể xuất khẩu sang EU.

GS. Elisa Barbieri (Đại học Ca’ Foscari Venice – Italia) đề cập tới việc chúng ta cần đảm bảo rằng lợi ích của EVFTA hướng đến đại đa số người dân trong xã hội. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh, chúng ta không chỉ cần đổi mới trong doanh nghiệp, mà còn cần đổi mới thể chế nói chung.

TS. Lê Minh Quang (Trường Đại học Kinh tế) đưa ra hai câu hỏi mở để thảo luận liên quan đến Thỏa thuận bảo vệ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA) và hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU). EVIPA là một phần của EVFTA nhưng EVFTA đã đi vào hiệu lực vào năm 2020, trong khi EVIPA vẫn đang được xây dựng để chính thức có hiệu lực bởi tất cả các quốc gia liên quan. Đến nay, chỉ có Hungary, Litva, Romania và Thụy Điển đã phê chuẩn EVIPA. Chính phủ Việt Nam vẫn đang làm việc với các nước khác trong khối EU để tìm kiếm thêm các thỏa thuận chính thức, bao gồm cả Italia. Việc gỡ bỏ “Thẻ vàng IUU” của EU đối với ngành đánh cá: Kinh nghiệm của Italia như thế nào đối với vấn đề này? Việt Nam đã nằm trong Danh sách đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) kể từ năm 2017. Việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU được coi là một trong những mục tiêu chính trị quan trọng của Chính phủ Việt Nam. Những nỗ lực đã được thực hiện trong giai đoạn 2020-2022 nhưng việc gỡ bỏ hoàn toàn vẫn chưa đạt được. Việt Nam đang rất mong muốn hiểu biết thêm về kinh nghiệm của các nước châu Âu, bao gồm Italia để gỡ bỏ Thẻ vàng IUU.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế) gợi mở câu hỏi chúng ta có thể nhìn lại lịch sử để xem các quốc gia đã áp dụng IP như thế nào để phát triển các ngành công nghiệp nhất định. Hiện nay, các nước đang phát triển có không gian hạn chế để sử dụng một số chính sách công nghiệp nhất định. Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa, nhưng giá trị gia tăng thấp. Chúng ta cần xuất khẩu hàng hóa có giá trị cao hơn. Những ngành nào mà Italia đã sử dụng IP trong quá khứ? Hiện nay, Italia có ưu tiên IP cho một số ngành công nghiệp không? Để các trả lời câu hỏi này, GS Marco di Tommaso (Đại học Bologna – Italia) cho rằng chúng ta cần nghiên cứu lịch sử của các nước phương Tây để hiểu thêm về các loại can thiệp đã được phát triển trong quá khứ. Chúng ta cần nghiên cứu về chính sách công nghiệp và tìm ra những cách mới để hiểu về loại chính sách này. 

Tổng kết Tọa đàm, GS. Marco Abbiati (Tham tán Khoa học Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam) nhấn mạnh sự hợp tác giữa nhân dân, nhà khoa học hai quốc gia để tiếp tục nghiên cứu là một nền tảng tốt. Cả hai quốc gia cần thực hiện một số hoạt động trao đổi đào tạo, phối hợp nghiên cứu giữa các trường đại học về IP để tăng cường trao đổi ý tưởng, kiến ​​thức và công cụ kỹ thuật.

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả tham gia Tọa đàm .

Có thể khẳng định, Tọa đàm là diễn đàn để cả phía Việt Nam và Italia có thể cùng trực tiếp trao đổi thông tin, thảo luận về nhiều khía cạnh hợp tác giữa hai bên, từ đó đưa ra những sáng kiến, ý tưởng, phương thức mới phù hợp, hiệu quả để tiếp tục tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng mạng lưới liên lạc của các nhà nghiên cứu tại Italia và Việt Nam, mở rộng kênh giao lưu nhân dân của hai nước, đặc biệt là giữa thế hệ trẻ, khai thác tiềm năng và đẩy mạnh hợp tác song phương Việt Nam – EU nói chung và Italia nói riêng trên các lĩnh vực.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code AMPSNV
Content