New Nghien Cuu
 Search

Các vấn đề kinh tế đương đại tại các quốc gia châu Á

Ngày 16/12/2022, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức hội thảo quốc tế “Các vấn đề kinh tế đương đại tại các quốc gia châu Á” (CEIAC 2022) nhằm tăng cường trao đổi học thuật và thực tiễn, cung cấp diễn đàn cho các học giả, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận về các vấn đề phát triển kinh tế tại các quốc gia châu Á trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo là kết quả phối hợp tổ chức giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Nhà xuất bản Springer Nature (Singapore), Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) và Đại học Tamkang (Đài Loan).


Các báo cáo tham luận tập trung vào phân tích thực trạng, thách thức về phát triển kinh tế tại các quốc gia châu Á trong bối cảnh mới, dưới tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, bao gồm các lĩnh vực: (i) Kinh tế và kinh doanh (lý thuyết kinh tế, phân phối thu nhập trong nước và quốc tế, các chính sách kinh tế vĩ mô, các lĩnh vực kinh tế, năng suất, thị trường tài chính, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng…); (ii) Kinh tế xanh và phát triển bền vững: quá trình tăng trưởng, chính sách phát triển, chính sách công, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh…; và (iii) Thương mại và đầu tư quốc tế: lý thuyết thương mại quốc tế, các hiệp định thương mại tự do, thuế quan, sở hữu trí tuệ, luật quốc tế…

Hai nhóm nội dung quan trọng nhất được trình bày và thảo luận trong phiên toàn thể bao gồm quá trình phát triển, xây dựng và áp dụng Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) cấp tỉnh tại Việt Nam và tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đến nền kinh tế châu Á cùng những ngụ ý chính sách tại Việt Nam.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế

Bài tham luận của TS. Trần Công Chính tập trung làm rõ quá trình xây dựng, phát triển bộ chỉ số và quá trình khảo sát, tính toán chỉ số PAPI của Việt Nam. PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

TS. Trần Công Chính trình bày báo cáo tại Hội thảo 

Một số giải pháp đề xuất nâng cao chỉ số PAPI cho các tỉnh:

- Cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ đảng viên, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tầm quan trọng của PAPI đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời, cần tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống thường ngày; ý thức được quyền lợi và trách nhiệm đầy đủ của mình trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở.

- Các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, cập nhật, đơn giản hóa, công bố, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện việc kết nối liên thông bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến liên hệ giải quyết công việc có liên quan.

- Thủ trưởng các ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến PAPI, đặc biệt là việc công khai, minh bạch của cấp chính quyền cơ sở; việc giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân; hiệu quả phục vụ nhân dân của các dịch vụ công; chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

- Tập trung cải thiện rõ rệt các lĩnh vực nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất; nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tư pháp, bảo hiểm y tế; dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, cung cấp điện nước, giải quyết việc làm, an ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo…

- Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong quá trình triển khai thực hiện.

Báo cáo tham luận của GS. Patrick Ziltener (University of Zurich, Thụy Sĩ) và GS. Nawalage S. Cooray (International University of Japan, Nhật Bản) đã phân tích tác động địa - chính trị của RCEP đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Là thỏa thuận thương mại tự do đa phương lớn nhất thế giới, RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN với thị trường khoảng 2,28 tỷ người, chiếm 29,4% dân số thế giới. Tính đến năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này đạt 25.900 tỷ USD, chiếm 30,6% GDP thế giới. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, RCEP được đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng có thể tác động đến cục diện khu vực và thế giới. 

Mặc dù RCEP có nhiều hạn chế về tiêu chuẩn so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và khó có thể thay đổi nguyên tắc cũng như mô hình thương mại khu vực, song với tư cách là một hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực lớn, RCEP vẫn có những tác động địa - chính trị nhất định đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương:

- RCEP và CPTPP - hai FTA lớn trong khu vực không có sự tham gia của Mỹ - sẽ tạo ra áp lực khiến Mỹ phải tính đến việc quay trở lại tham gia vào nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, hiện nay là CPTPP), Mỹ luôn đứng ngoài khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. RCEP có hiệu lực đúng vào thời điểm chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn hỗ trợ ngành sản xuất của Mỹ. Tuy nhiên, RCEP không chỉ khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía các quốc gia thành viên và làm giảm thị phần của Mỹ trong thị trường khu vực RCEP, mà còn có thể buộc các doanh nghiệp Mỹ phải xây dựng cơ sở sản xuất ngay trong khu vực RCEP để được hưởng ưu đãi trên thị trường. Ngoài ra, ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua các công cụ như Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) và Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) cũng gây áp lực không nhỏ buộc Mỹ phải xem xét lại vấn đề quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- Mặc dù RCEP nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng với tư cách là nền kinh tế lớn nhất tham gia Hiệp định, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực. Khi Ấn Độ rút khỏi RCEP và Mỹ rút khỏi TPP, RCEP mang lại cho Trung Quốc một số lợi thế đáng kể trong thế cân bằng chiến lược ở châu Á. Mặc dù vẫn cần có thời gian để quan sát và xác định tác động của RCEP sau khi có hiệu lực, nhưng hiệp định này đã phát đi một tín hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc mở cửa đối với các nước ASEAN và các nền kinh tế châu Á khác, đồng thời sẵn sàng tham gia hợp tác khu vực cũng như triển khai hợp tác với các quốc gia đang phát triển.

- Sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, nhất là cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược ngoại giao của các quốc gia thành viên RCEP và vai trò trung tâm của ASEAN. Một mặt, nhiều thành viên RCEP là đồng minh hoặc đối tác thân cận của Mỹ sẽ vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ để có được sự bảo đảm an ninh ở khu vực. Do đó, nếu không thể tham gia hiệu quả vào hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức độ mong muốn, Mỹ vẫn có thể tiếp tục tăng cường vai trò và ảnh hưởng của mình tại khu vực này. Mặt khác, nhiều nước thành viên RCEP cũng là đối tác quan trọng của BRI và duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Dù ASEAN không muốn rơi vào tình thế phải “chọn bên”, nhưng trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng cạnh tranh thì chiến lược cân bằng nước lớn của ASEAN vẫn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chính sách của hai cường quốc này. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, khi cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc đạt đến một mức độ nhất định, áp lực “chọn bên” của ASEAN cũng sẽ gia tăng. Nói cách khác, vai trò của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt có khả năng bị suy giảm trước những cơ chế mới do chịu sự chi phối của các nước lớn.

Việc RCEP chính thức có hiệu lực được xem là dấu hiệu cho thấy ASEAN đã duy trì thành công vai trò trung tâm và sẽ có tác động nhất định đến mô hình hợp tác khu vực. Tuy nhiên, xem xét các động thái địa - chính trị hiện nay, có thể nói vai trò trung tâm của ASEAN đang chịu nhiều tác động. Mỹ tích cực thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cơ chế Đối thoại bốn bên và Liên minh An ninh Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) để mở đường cho sự quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương và thiết lập cấu trúc khu vực lấy Mỹ làm trung tâm.

GS. Patrick Ziltener - University of Zurich, Thụy Sĩ

Báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách với Việt Nam:

- Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những biến động mạnh mẽ, nhanh chóng, hàm chứa nhiều yếu tố khó lường, để Việt Nam đứng vững trên trường quốc tế và tận dụng thời cơ vươn mình tăng tốc phát triển, cần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

- Một số biện pháp cụ thể về đối ngoại bao gồm tham gia hợp tác dựa trên lợi ích quốc gia - dân tộc, xác định lập trường dựa trên nguyên tắc, đồng thời xử lý hài hòa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, tùy theo đối tượng, vấn đề, thời điểm, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử ở khu vực. Phát huy hiệu quả mối quan hệ với các cường quốc kinh tế, cụ thể hóa các lợi thế chiến lược của đất nước thành các chương trình, dự án hợp tác cụ thể.

- Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong các vấn đề quản trị kinh tế số, dữ liệu, không gian mạng, các tiêu chuẩn xanh... nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Tranh thủ nguồn tri thức từ các cơ chế, diễn đàn đa phương để nắm bắt xu hướng chuyển dịch địa - kinh tế toàn cầu, từ đó có những điều chỉnh chính sách kịp thời và phù hợp.

Hội thảo đã trở thành diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các vấn đề kinh tế và phát triển tại châu Á và Việt Nam. Mặc dù châu Á vẫn là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh và đang dần trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới, tuy nhiên trong những năm gần đây, nền kinh tế châu Á đã trải qua nhiều biến động do đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại và sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, những khía cạnh quan trọng của kinh tế và sự phát triển trong bối cảnh những thay đổi toàn cầu ở châu Á là rất đáng chú ý. Hơn nữa, trong tương lai, châu Á sẽ đối mặt với hai thách thức: Sự già hóa dân số và tốc độ tăng năng suất lao động giảm. Với việc tốc độ già hóa đang tăng nhanh so với châu Âu và Hoa Kỳ, bên cạnh việc phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, các nước châu Á sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ y tế và an sinh xã hội. Đây là những yếu tố sẽ tạo áp lực lớn tới ngân sách và giảm tốc độ tăng trưởng. Dự báo trong vòng 3 thập kỷ tới, xu hướng này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia như tại châu Á giảm từ 0,5-1%. Một mối lo ngại khác là tình trạng giảm tốc độ tăng năng suất lao động, khi IMF nhận định khu vực châu Á đang dần không bắt kịp với năng suất lao động cao của các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, dẫn tới nguy cơ thụt lùi về tăng trưởng kinh tế. Do vậy, những hàm ý đối với Chính phủ Việt Nam được thảo luận trong hội thảo nhằm định hướng các giải pháp thúc đẩy Việt Nam phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code ZSPESL
Content