New Trang tin
 Search

Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam Quý III/2021: Các chính sách tập trung vào việc vượt qua khủng hoảng

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới đã có nhiều tín hiệu tích cực trong Quý 2/2021 song lại phải đối mặt với sự xuất hiện của biến chủng vi-rút mới và việc triển khai vắc xin còn đình trệ, sự phục hồi giữa các quốc gia là không đồng đều. Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam Quý III/2021 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã nêu bật những điểm chính về bức tranh nền kinh tế thế giới và Việt Nam như sau:


Trên thế giới, nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến đã khiến giá cả nhiều hàng hóa đồng loạt tăng cao do chuỗi cung ứng không đáp ứng kịp xu hướng tăng nhanh của nhu cầu và thương mại hàng hóa thế giới. Mặc dù thương mại hàng hóa tăng trở lại nhưng thương mại dịch vụ chưa hồi phục. Những nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hưởng lợi (cung cấp trang thiết bị y tế, thuốc men và thiết bị công nghệ thông tin,…); những nước dựa nhiều vào dịch vụ (du lịch, khách sạn) chậm hồi phục. Do đó, các chính sách tập trung vào việc vượt qua khủng hoảng tiếp tục được thực hiện, bao gồm: chi tiêu cho hệ thống chăm sóc y tế, hỗ trợ tài khóa cho các đối tượng bị ảnh hưởng, duy trì chính sách tiền tệ thích ứng đi kèm kiểm soát rủi ro hệ thống.

Các diễn giả tham gia phân tích tại tọa đàm

Đối với nền kinh tế Việt Nam, trong Quý 3/2021, tăng trưởng kinh tế giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong quý 3 kèm theo các hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề sẽ phải mất nhiều thời gian sau mới khắc phục được. Sức chống đỡ của doanh nghiệp và người dân ở các vùng có dịch bùng phát trong thời gian vừa qua đã tiến tới gần điểm tới hạn.

Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III, sự thành công của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh thông qua việc tiêm vắc xin và gói cứu trợ xã hội thật sự lớn, đi cùng với biện pháp giải ngân mạnh mẽ và hiệu quả, đẩy mạnh kinh tế số và cải cách hành chính. Trong báo cáo này, VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021.

Ở kịch bản xấu, khi dịch bệnh có nguy cơ tái bùng phát, tình trạng “đóng - mở” cửa nền kinh tế lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca lây nhiễm gây thiệt hại đến sản xuất. Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất, tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra, chi phí sản xuất tăng cao và nhiều ngành thu hẹp sản xuất thì mức tăng trưởng GDP trong năm chỉ có thể đạt 1,0 - 1,5%. Trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản tăng trưởng từ 2,0 - 2,5%; công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 3,0-3,5% và dịch vụ âm từ 1,0 đến âm 0,5%.

Ở kịch bản tốt, giả thiết đặt ra khi cả nước đã thống nhất được các biện pháp thích ứng với dịch bệnh và vẫn đảm bảo sản xuất lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy. Các hoạt động sản xuất tiêu dùng được phục hồi, các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc xin thì tăng trưởng GDP cả năm được dự báo đạt từ 2,0 - 2,3%. Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng 2,7 - 3,2%; công nghiệp và xây dựng 4,0 - 4,5%; dịch vụ tăng trưởng 0 - 0,5%.

Báo cáo nhận định rằng việc chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam của một vài doanh nghiệp FDI hay sự rời bỏ các trung tâm sản xuất của các lao động có thể chỉ là tạm thời. Triển vọng hồi phục kinh tế do vậy phụ thuộc rất lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Trong thời gian nửa đầu tháng 10, bệnh dịch ở nhiều nơi đã lắng xuống, tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin đã ở mức khá cao ở các trung tâm kinh tế, Chính phủ cũng đã có những động thái quyết liệt để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và dân doanh hướng tới trạng thái bình thường mới, song nhiều doanh nghiệp chưa thể quay trở lại hoạt động bình thường, nhiều hoạt động lưu thông vận tải hành khách và hàng hóa vẫn bị ngưng trệ.

Do đó, Báo cáo đề ra một số khuyến nghị chính sách quan trọng, gồm:

  • Các hoạt động kinh tế cần được “cởi trói” để hoạt động bình thường trở lại. Cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp quyết liệt tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ưu tiên các giải pháp đảm bảo các yếu tố đầu vào cho việc khôi phục sản xuất, đặc biệt là năng lượng. Theo đó, nguồn điện cung cấp cho các nhà máy cần phải được đảm bảo, nhất là trong trường hợp các doanh nghiệp có nhu cầu tăng ca sản xuất để bù đắp khoảng thời gian khó khăn vừa qua. Mặc dù vai trò của gói hỗ trợ là vô cùng cần thiết, nhưng thay vì tập trung về độ lớn của các gói hỗ trợ bằng tiền, thì việc sớm cho phép các doanh nghiệp hoạt động 100% năng suất là gói hỗ trợ có ý nghĩa nhất và trong tầm tay của Chính phủ.
  • Bên cạnh thay đổi chiến lược “mở cửa” thích ứng hiệu quả với đại dịch, các hỗ trợ an sinh xã hội và tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng cho sự hồi phục của nền kinh tế. Các gói hỗ trợ cho tới nay là rất hạn hẹp và tác động chưa thực sự tích cực, chưa tạo niềm tin cho doanh nghiệp và đặc biệt là người lao động.
  • Việt Nam có thể tạm thời chấp nhận mức thâm hụt ngân sách cao hơn bình thường nhằm an dân và hỗ trợ doanh nghiệp nối lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi, các kỷ luật tài khóa cần phải được tuân thủ chặt chẽ trở lại để tránh các rủi ro về tài khóa và nợ công trong dài hạn.
  • Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các địa phương trên cả nước cần thực hiện quyết liệt, nhất quán, đồng bộ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19”, không được tạo ra sự bất nhất trong áp dụng chính sách phòng, chống dịch. Biện pháp mang tính cấp bách và ngắn hạn hơn hết là làm cho việc thông thương hàng hóa, đi lại của người dân được dễ dàng để đón đợt mua sắm cuối năm. Vì đây là dịp tổng cầu mỗi năm của nền kinh tế đều tăng rất cao nên quý cuối năm là quý có hoạt động đầu tư lẫn tiêu dùng cá nhân và tổ chức đều tăng cao. Thêm nữa, các tỉnh, thành, địa phương cần phải thực hiện quyết liệt, nhất quán, đồng bộ và linh hoạt trong việc vận dụng các nội dung Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa mới ban hành. Riêng các địa phương đang có tình hình dịch diễn biến tích cực như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… nên mạnh dạn trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động khôi phục sản xuất kết hợp các biện pháp chống dịch thay vì đưa ra nhiều quy định, điều kiện cho doanh nghiệp.
  • Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn trên, sau đợt dịch này sẽ xảy ra sự đảo ngược trong dòng vốn FDI ở các quốc gia trên thế giới, sự tái định vị chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, cần rà soát các điều kiện, môi trường kinh doanh để không bỏ lỡ nhịp phục hồi kinh tế mạnh mẽ đang diễn ra trên thế giới, đồng thời phát huy các lợi thế so sánh và tham gia sâu hơn của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.
  • Về phía các doanh nghiệp nội địa đã rút ra được bài học kinh nghiệm trong việc tối ưu hóa các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu tại chỗ, cũng như khai thác thị trường nội địa. Việt Nam cần sớm có giải pháp để thúc đẩy vòng thương mại nội địa, cần tận dụng tốt các nguồn nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cũng như đầu ra từ thị trường trong nước.


FullName Email
Address Security code NXZAKA
Content