New Trang tin
 Search

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý 1 - 2020: Nền kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng thấp

Đánh giá kinh tế vĩ mô luôn được coi là nhu cầu của sự vận động và phát triển nền kinh tế bởi nó sẽ phác thảo nên bức tranh kinh tế toàn cảnh để từ đó đưa ra những điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm vận hành nền kinh tế đi theo quỹ đạo kỳ vọng và tiệm cận đến sự tối ưu của nền kinh tế. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị nghiên cứu kinh tế vĩ mô và tư vấn chính sách cho kinh tế Việt Nam hàng quý, hàng năm. Trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19 phủ khắp toàn cầu, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam và thế giới đã phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý 1 - 2020 của VEPR đã cho thấy những vấn đề nổi bật sau:


Bức tranh nền kinh tế thế giới:

- Tăng trưởng kinh tế suy giảm tại nhiều nền kinh tế trong quý 1/2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Giá dầu giảm mạnh do thỏa thuận cắt giảm sản lượng bất thành giữa OPEC và Nga cùng sự suy giảm nhu cầu vì đại dịch lan rộng trên toàn cầu.

- Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm so với mức ban đầu, tương ứng với giải phóng 550 tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

- Chính phủ Mỹ đưa ra một loạt các biện pháp mạnh để đối phó với bệnh dịch như tung ra gói kích cầu khẩn cấp, gia hạn chậm nộp thuế, trực tiếp trợ cấp tiền cho người dân; FED giảm lãi suất, mở rộng cung tiền thông qua mua thêm trái phiếu kho bạc và chứng khoán.

- Kinh tế châu Âu: Tiếp tục khuyến khích cho vay đối với các doanh nghiệp bằng các gói hỗ trợ tài chính lớn.

Tình hình kinh tế Việt Nam:

Trong quý 1/2020, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (3,82%). Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, đất nhiễm mặn, dịch tả lợn khiến ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ tăng trưởng 0,08%. Đồng thời, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Cả nước có 29.711 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng mạnh, lên tới 30.902 doanh nghiệp. Lạm phát bình quân là 5,56%, tỷ giá VND/USD tại ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm tăng mạnh. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt mức thấp hơn nhiều so với các năm. Với giả định Việt Nam có khả năng kiểm soát được dịch COVID-19, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 4,2% trong trường hợp khả quan nhất, và có thể suy giảm 1% trong trường hợp xấu nhất.

Khuyến nghị đối với Việt Nam:

Thứ nhất, về chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp: (i) Chính sách trong thời điểm này cần phải đúng trọng tâm, đúng đối tượng, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Cần xây dựng các kịch bản chính sách khác nhau để ứng phó với các cấp độ khác nhau của bệnh dịch. Trong mọi hoàn cảnh, cần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vẫn còn khả năng hoạt động, ví dụ như có phương án thích hợp để vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ một cách cực đoan ở một số địa phương. (ii) Một điều tiên quyết là chính sách an sinh xã hội phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người lao động mất việc, bao gồm lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức. Chi trả bảo hiểm nhân thọ, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc và trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, cá nhân, hộ kinh doanh bị mất kế sinh nhai là các chính sách nên được cân nhắc.

Thứ hai, về phương diện sản xuất: (i) Đối với các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, vấn đề chính của họ là chi phí cố định vẫn phải trả khi không có nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Với nhóm doanh nghiệp này thì các chính sách về thuế sẽ không có tác dụng, thay vào đó nên khoanh nợ và chi phí tài chính như nợ/lãi, tiền thuê đất; sau khi hoạt động trở lại mới khuyến khích tín dụng. (ii) Đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn còn khả năng hoạt động, cần phân loại các biện pháp hỗ trợ theo mức độ ảnh hưởng. (iii) Với những doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc có thể chuyển đổi hướng hoạt động và mô hình hoạt động trong hiệu quả trong điều kiện hiện nay, cần hỗ trợ tốt nhất cho họ về môi trường thể chế và chính sách ngành, tránh tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Thứ ba, về chính sách tiền tệ: (i) Ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định, là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. (ii) Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. (iii) Nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID-19 hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này trong những năm tới.

Thứ tư, về các chính sách vĩ mô: (i) Về gói hỗ trợ tài khóa của Bộ Tài chính cũng như gói hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng thương mại, đối tượng của các chính sách này nên là những ngành sản xuất, những doanh nghiệp còn có thể hoạt động và hoạt động tốt, vì đây là các đối tượng có thể tạo ra dòng tiền. (ii) Nguồn lực cần được tập trung để thực hiện chúng nhanh và sớm hơn, tạo ra các dòng thu nhập mới trong nền kinh tế để từ đó giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh. Cắt giảm chi thường xuyên từ 10-20% cũng là điều nên làm để giảm áp lực cho ngân sách. (iii) VND không phải là đồng tiền mạnh, nếu Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất quá thấp hay thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng như các nước khác, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại. Mục tiêu chính của chính sách tiền tệ lúc này là phải giữ được môi trường kinh tế vĩ mô.

Thứ năm, về chính sách lúa gạo: (i) Lúa gạo là “đệm an toàn” cho nền kinh tế trong các cú sốc hoặc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, trong tình hình hiện nay, các chính sách liên quan đến lúa gạo cần được cân nhắc để bảo vệ an ninh lương thực đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân, người sản xuất và chế biến lúa gạo cũng như các tổ chức kinh doanh có liên quan. (ii) Trong tình hình hiện tại, VEPR cho rằng nên điều hành thị trường xuất khẩu gạo một cách linh hoạt, mềm dẻo và minh bạch hơn, ít gây bất ngờ và tổn thương hơn cho doanh nghiệp thông qua đánh thuế xuất khẩu gạo. (iii) Nếu nhu cầu gạo trong nước tăng hoặc nguồn cung thiếu, dẫn tới giá gạo trong nước tăng, thì tự điều đó tạo động lực cho doanh nghiệp bán trong nước thay vì xuất khẩu. Nhờ thế, thị trường sẽ tự động điều chỉnh hành vi của các nhà xuất khẩu. So với chính sách xuất khẩu dựa theo hạn ngạch (quota) hiện nay, thì chính sách này linh hoạt hơn, đồng thời không những giúp triệt tiêu các lợi ích nhóm trong phân bổ quota, mà còn giúp tăng nguồn thu ngân sách.

>> Quý độc giả có thể xem toàn văn Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1 - 2020 của VEPR tại đây.



FullName Email
Address Security code ZJVDXH
Content