New Trang tin
 Search

Tự lực tự cường - Tạo đà phục hồi kinh tế xã hội và phát triển trong hội nhập

Trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường khiến chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn, song cũng đón nhận nhiều cơ hội mới tạo đà trỗi dậy phát triển mạnh mẽ hơn. Kinh nghiệm hai năm phòng, chống và thích ứng với đại dịch COVID-19 là minh chứng sinh động cho ý chí tự lực, tự cường của đất nước, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, từng gia đình và mỗi người dân Việt Nam. 


Trong hội nhập kinh tế quốc tế, tự lực, tự cường gắn liền với việc phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Tự lực, tự cường để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đó cũng chính là chủ đề chính của tọa đàm “Tự lực tự cường - Tạo đà phục hồi kinh tế - xã hội và phát triển trong hội nhập”, được Ban Thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp tổ chức ngày 23/3/2022 tại Hà Nội. Tọa đàm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Các quan điểm chia sẻ dưới đây được mở rộng từ các thảo luận trong tọa đàm.

Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) Đỗ Tiến Sỹ phát biểu khai mạc tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đại diện đơn vị đồng tổ chức tọa đàm

Trước hết, các bài tham luận đều khẳng định tự chủ, tự lực, tự cường là con đường tất yếu để hướng đến phát triển. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đều đã chỉ rõ con đường này. Trong thời kỳ Minh Trị Duy tân, chính tư tưởng tự lực, tự cường, tinh thần dân tộc, - trên cơ sở tiếp thu tinh hoa nhân loại, với khẩu hiệu “Công nghệ phương Tây, tinh thần Nhật Bản” đã hình thành khung khổ và nền móng cho sự phát triển của nước Nhật Bản hiện đại. Có thể nói, quan điểm tự lực, tự cường trong hội nhập cũng đã được thể hiện rất rõ qua đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Tự lực tự cường không có nghĩa tự cô lập, mà là sự cân bằng động giữa tự chủ và hội nhập, tiếp nhận tinh hoa của nhân loại nhưng vận dụng nó sáng tạo với điều kiện hiện tại. Nền kinh tế Việt Nam mặc dù đang được đánh giá là có tiềm năng, mức thu nhập bình quân đã có những thay đổi mạnh mẽ và đáng kể nhưng nếu không chú ý sẽ rơi sâu vào bẫy thu nhập trung bình, bẫy gia công, chỉ có phát huy nội lực, kết hợp với những cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế, như vậy mới có thể có được nền kinh tế phát triển khỏe mạnh và bền vững. 

Tọa đàm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp

Hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức để có thể tự lực tự cường trong hội nhập. Trước hết là các vấn đề từ nội lực, đó là nền kinh tế phụ thuộc lớn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chưa phát triển đủ mạnh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu có giá trị gia tăng thấp. Tiếp đó, quá trình hội nhập mang lại cơ hội nhưng cũng gặp nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế và đặc biệt đối với yêu cầu tự lực, tự cường về kinh tế. Bản thân nó tạo ra những thách thức về việc phụ thuộc lẫn nhau, nhưng cũng tạo ra những cơ hội để chủ động hội nhập, chủ động tham gia và dẫn dắt các sáng kiến hội nhập khu vực và toàn cầu.

PGS.TS Hà Văn Hội - Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày tham luận tại tọa đàm

Vậy làm thế nào để Việt Nam vẫn có thể tự lực, tự cường trong hội nhập? 

Cần phải khẳng định, việc giữ gìn độc lập, tự chủ về kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với việc giữ gìn độc lập tự chủ về đường lối phát triển đất nước. Trước tiên, cần phát huy hơn nữa sức mạnh dân tộc nhằm tạo sự độc lập nhưng phối hợp, hợp tác lẫn nhau chứ không lệ thuộc. Việt Nam có cơ hội lớn trong bối cảnh hiện tại bởi tinh thần của các doanh nghiệp Việt Nam là luôn thích ứng và tự cường. Doanh nghiệp luôn có khát vọng tự chủ cao, luôn tự lực tự cường, hội nhập chứ không cô lập. Doanh nghiệp cần được coi là thành tố quan trọng giúp Việt Nam có thêm khả năng nâng cao năng lực nội tại và tính tự lực tự cường.

Tiếp đó, đổi mới sáng tạo, xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành và doanh nghiệp là mấu chốt. Ở đây vai trò của Chính phủ với ý nghĩa tạo ra cú hích về chính sách là rất quan trọng, song địa phương và doanh nghiệp chính là hạt nhân của đổi mới sáng tạo. Cân bằng giữa vai trò của Chính phủ, Nhà nước trong việc kiến tạo, khởi tạo và phát huy tối đa khả năng đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp cũng chính là một điểm cân bằng động mà chúng ta cần hướng tới. 

Cụ thể hơn, Chính phủ cần hỗ trợ và thúc đẩy các quan hệ thương mại thế hệ mới, cần chủ động hơn, thông qua các hiệp định tự do, song phương, đa phương cùng có lợi nhưng đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế và sự tương thích của hệ thống pháp luật Việt Nam. Chủ động trong hội nhập, chủ động trong lựa chọn chính sách hội nhập sẽ tránh được khả năng bị lệ thuộc. Chủ động trong hội nhập thì có thể đón đầu, chuyển hóa được thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành sức mạnh thực tế để vun đắp nền độc lập, tự chủ của dân tộc.

Cần có sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn từ việc tạo hành lang pháp lý tới việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch và định hướng dẫn dắt doanh nghiệp. Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh, khi đó các doanh nghiệp sẽ là thành tố trung tâm giúp quốc gia giàu mạnh. Sự hỗ trợ của Chính phủ cần minh bạch hơn, thông minh hơn; nếu hỗ trợ không đúng, không trúng sẽ có tác động không tốt trong việc huy động nguồn lực xã hội, sức mạnh của các thành phần kinh tế khác. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng, do đó cần chủ động, đoàn kết, hợp tác, tạo sức mạnh tập thể, xây dựng tiềm lực năng lực nội tại. 

Tại phần trao đổi, thảo luận với đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân tham dự trực tuyến từ điểm cầu Khánh Hòa

Một điểm quan trọng khác chính là muốn tự lực tự cường, mỗi doanh nghiệp phải xác định giá trị cốt lõi của họ. Doanh nghiệp cần tự lực tự cường và cạnh tranh dựa trên tư duy hợp tác và cùng thắng. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp, tự lực tự cường chính là định vị rõ vai trò của mình cả ở trong nước và quốc tế.

Phần trao đổi với các doanh nhân với nội dung: Doanh nhân, doanh nghiệp cần gì để “tự cường” hiệu quả, đóng góp vào nỗ lực “tự cường" kinh tế Việt Nam?

Tóm lại, định hướng giải pháp đến từ một công thức thành công của cách mạng Việt Nam, đó là “kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại”. Sức mạnh dân tộc chính là tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết, là việc xây dựng năng lực của từng doanh nghiệp, địa phương và cả quốc gia. Sức mạnh thời đại chính là sự hội nhập, tham gia vào các thể chế hội nhập khu vực và đa phương, nắm bắt các cơ hội của hội nhập để phát triển. Sự phát triển cũng cần theo đúng quy luật và xu hướng phát triển chung, mà trong giai đoạn hiện nay là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Điều này không chỉ đúng đối với cả quốc gia, mà còn đúng với các chủ thể kinh tế, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước những biến đổi khó lường trong bối cảnh đối đầu - cạnh tranh giữa các nước lớn, trước những mối đe dọa an ninh phi truyền thống, việc phát huy ý chí tự lực, tự cường chính là điều kiện cốt lõi để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế. Vậy nên, mỗi người dân - doanh nghiệp cần tự lực - cả dân tộc đoàn kết - quốc gia sẽ tự cường. Chỉ có tự cường đất nước ta mới chủ động hội nhập và ngang tầm thời đại. Chỉ có tự cường mới tạo lên cơ đồ - vị thế quốc gia vững mạnh trên trường quốc tế.

________

TIN LIÊN QUAN:


Nguyễn Anh Thu - Tô Thế Nguyên

FullName Email
Address Security code MXWTFI
Content

Other News
<12>