New Trang tin
 Search

Thương mại điện tử ASEAN: bài học từ doanh nghiệp bán lẻ và góc nhìn doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Webinar quốc tế về “Thương mại điện tử ASEAN trong đại dịch Covid-19 và xa hơn: Góc nhìn và bài học từ doanh nghiệp” được tổ chức bởi khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã diễn ra vào ngày 22/09/2021 với sự tham dự của hơn 100 khách mời là giảng viên, sinh viên và các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế.


Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng nổ, các doanh nghiệp ASEAN đã ứng dụng thương mại điện tử với mô hình chuỗi cung ứng xuyên biên giới đa dạng. Từ đó, các doanh nghiệp có cơ hội thích ứng và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Thêm vào đó, Hiệp định thương mại ASEAN về thương mại điện tử khuyến khích số hóa nền kinh tế tại các quốc gia thành viên. Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử trong ASEAN cũng như hợp tác kinh doanh với các đối tác quan trong như Ba Lan để vượt qua khủng khoảng từ đại dịch Covid-19.

Từ thực tiễn đó, Webinar quốc tế với chủ đề “Thương mại điện tử ASEAN trong đại dịch Covid-19 và xa hơn: Góc nhìn và bài học từ doanh nghiệp” được tổ chức bởi khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã diễn ra vào ngày 22/09/2021 với sự tham dự của hơn 100 khách mời trong nước và quốc tế. Webinar vinh dự khi có sự tham gia của các chuyên gia về kinh tế quốc tế gồm: Tiến sĩ Atty. Rami Amer G. Hourani, Chủ tịch Liên Hiệp PhilExport- Cebu, Giảng viên Trường Đại học Luật- Đại học Cebu (Phillippines); Ông Mr. Piotr (Peter) Harasimowicz, Trưởng đại diện Văn phòng Ngoại Thương và Đầu tư Ba Lan tại Việt Nam; Tiến sĩ Kseniia Feoktistova, Giảng viên Trường Kinh Doanh và Quản Lý, Trường Đại Học Far Eastern Federal (Nga). Về phía trường ĐHKT có PGS.TS Hà Văn Hội- Trưởng Khoa KT&KDQT; các thầy cô giảng viên trong trường cùng toàn thể học viên cao học, sinh viên Khoa KT&KDQT, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Phát biểu khai mạc webinar, TS. Vũ Thanh Hương – Phó Trưởng Khoa KT&KDQT khẳng định đại dịch Covid-19 bắt đầu vào cuối năm 2019 nhưng hiện vẫn còn nghiêm trọng ở các nước ASEAN. Trong đại dịch, các biện pháp đóng cửa và cách xa xã hội đã dẫn đến giảm GDP, thương mại và đầu tư của nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN. Đại dịch cũng làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng tới các hoạt động mua sắm trực tuyến. Do đó, tỷ trọng thương mại điện tử trong bán lẻ toàn cầu tăng từ 14% năm 2019 lên khoảng 17% năm 2020 và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bối cảnh này càng tạo thêm áp lực cho các công ty và quốc gia ASEAN trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, số hóa nền kinh tế và phát triển thương mại điện tử. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển internet nhanh nhất trong khu vực và có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, Việt Nam còn một chặng đường dài phía trước để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ đất nước phục hồi hiệu quả hơn sau đại dịch.

TS. Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng Khoa KT&KDQT phát biểu khai mạc

Mở đầu Webinar, Tiến sĩ Atty. Rami Amer G. Hourani - chủ tịch Liên Hiệp PhilExport-Cebu, giảng viên Trường Đại học Cebu, Phillipines - đã phân tích chủ đề “Ngành bán lẻ trong đại dịch Covid-19” với case study của 2 doanh nghiệp bán lẻ có quy mô khác nhau đã ứng dụng thương mại điện tử để vượt qua đại dịch Covid-19. Thứ nhất, Art N’ Nature Mfg Corp là một doanh nghiệp có trên 40 năm kinh nghiệm trong việc xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Âu Mỹ. Để ứng phó với các biện pháp giãn cách xã hội và phong toả, công ty đã tích cực đối thoại với Chính phủ, đồng thời sử dụng mô hình kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử, vận hành thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến, áp dụng hệ thống kế toán QuickBooks,… Điều này giúp tiết kiệm chi phí trong việc quản lý nhân sự cũng như trao đổi thông tin hiệu quả hơn giữa nhân viên ở các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Tiếp theo, Tiến sĩ Atty. Rami đã phân tích cách thức công ty khởi nghiệp Balik Balik với quy mô nhỏ và còn hạn chế về mặt nhân sự và công nghệ nhưng đã thành công vượt qua đại dịch Covid-19 đầy khó khăn. Công ty đã sử dụng mạng xã hội để phân phối sản phẩm như Twitter, Instagram và Facebook cũng như xây dựng hệ thống đánh giá và phản hồi khách hàng trong khu vực tiềm năng, quản lý hệ thống đơn hàng qua ứng dụng văn bản trực tuyến….Đây được coi là những giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ trong việc vận hành và tiếp cận thị trường trong đại dịch Covid-19.

 

Chủ đề “Góc nhìn về bối cảnh thương mại điện tử tại Việt Nam và doanh nghiệp thương mại điện tử Ba Lan tại Việt Nam” được trình bày bởi Ông Piotr (Peter) Harasimowicz - Trưởng đại diện Văn phòng Ngoại Thương, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại Việt Nam. Với kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động kinh tế quốc tế tại Việt Nam, ông đã giới thiệu tình hình tổng quan về các thị trường thương mại điện tử trong khối ASEAN và tập trung phân tích sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Ông đã đưa ra thông tin về những thương hiệu nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử được quan tâm nhất tại ASEAN và Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử nổi bật cũng như giới thiệu về các điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam muốn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Thêm vào đó, ông cũng phân tích những tiềm năng và cơ hội của doanh nghiệp châu Âu cũng như Ba Lan khi đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử và giới thiệu những dự án kinh doanh nổi bật của Ba Lan đã và đang được triển khai tại Việt Nam. Ông khẳng định cơ hội để phát triển thương mại điện tử Việt Nam là rất lớn.

 Tiến sĩ Atty. Rami Amer G. Hourani, Chủ tịch Liên Hiệp PhilExport- Cebu, Giảng viên Trường Đại học Luật- Đại học Cebu (Phillippines)

 Ông Piotr (Peter) Harasimowicz - Trưởng đại diện Văn phòng Ngoại Thương, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại Việt Nam

Buổi webinar đã nhận được sự tham gia tích cực từ sinh viên, giảng viên tham dự thông qua nhiều câu hỏi thú vị và những phản hồi tích cực về các chủ đề được trình bày. Thêm vào đó, các chuyên gia, học giả và các nhà nghiên cứu cũng đã trao đổi, thảo luận về các bài học cho các các doanh nghiệp và quốc gia ASEAN trong việc ứng dụng thương mại điện tử trong đại dịch Covid-19. Đồng thời, chương trình cũng là sự kiện quốc tế nơi sinh viên có thêm trải nghiệm và học hỏi trau dồi kiến thức.

Thông tin diễn giả:

Ông Piotr (Peter) Harasimowicz là Trưởng đại diện Văn phòng Ngoại Thương, Phòng Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại Việt Nam. Ông là một nhà quản lý với hơn 20 năm kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực hóa chất, dược phẩm và thực phẩm tại Đông Nam Á. Trong quá trình hoạt động chuyên môn của mình, ông từng giữ chức vụ của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như giám đốc điều hành tại công ty TNHH Minh Sơn Health, giám đốc kinh doanh và phát triển kinh doanh tại công ty IMS Health. Ông cũng từng phụ trách quản lý bộ phận phân tích kinh doanh tại công ty Asia-Pacific và đạt giải thưởng giám đốc kinh doanh xuất sắc tại công ty Abbott Laboratories. Ngoài ra, ông điều hành một hoạt động tư vấn và đầu tư độc lập. Thêm vào đó, ông là thành viên ban giám sát của các tổ chức như Phòng Thương mại Châu Âu và thành viên Ban chấp hành Phòng Thương mại Trung và Đông Âu tại Việt Nam. Ông đã tốt nghiệp thạc sĩ và nghiên cứu kỹ thuật tại Đại học Hàng hải Gdynia.

Tiến sĩ Atty. Rami Amer G. Hourani là người sáng lập văn phòng luật sư Hourani. Đồng thời ông là phó chủ tịch của công ty Art N ’Nature Mfg, chủ tịch của Liên hiệp PhilExport Cebu và là giáo sư tại trường Đại học Luật- Đại học Cebu. Ngoài ra, ông còn giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mạng lưới Giám sát và Vận động Lập pháp của Hội đồng Phát triển Xuất khẩu Philippines, là nhà tư vấn cho Liên đoàn Người sử dụng lao động Philippines, Phòng Thương mại Philippines và Trung tâm Đào tạo của Tổ chức Lao động Quốc tế. Ông đã tốt nghiệp tiến sĩ Luật tại trường Đại học Luật Ateneo de Manila vào năm 2017. Ngoài ra, ông còn có bằng Cử nhân Khoa học về Quản lý Kinh doanh với Chuyên ngành phụ là Văn học Anh và Phát triển Doanh nghiệp vào năm 2013.

 


Lê Thị Bích Ngọc (Khoa KT&KDQT)

FullName Email
Address Security code FOGPZN
Content