Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 Search

Sinh viên tự học và đổi mới phương pháp dạy học

Ảnh: Việt An
Việc tự học, chủ động tự giải quyết vấn đề được xem là năng lực quan trọng của mỗi người và cần được nhà giáo dục quan tâm, chú ý đến. Năng lực này vốn tiềm ẩn sâu bên trong ý thức người học, tâm thế người học luôn ở dạng “sẵn sàng” chờ những “cú hích” tác động trí tuệ, nhằm kích hoạt các giác quan, tạo ra sự “bùng nổ” trong lĩnh hội tri thức.

Tự học, trước tiên xuất phát từ chính nhu cầu muốn học hỏi, muốn gia tăng sự hiểu biết để làm việc và để sống tốt hơn của con người. Dù bị động hay chủ động thì bản thân mỗi con người khi đứng trước vấn đề khó khăn đều mong muốn hoàn thành nó hoặc giải quyết nó theo các chiều hướng khác nhau, tích cực hoặc tiêu cực.

Thực tế giảng dạy cho thấy, kiến thức môn học không hề giảm tải mà ngày càng tăng lên đồng thuận với yêu cầu xã hội ngày càng khắt khe về giáo dục, đào tạo, về “thực học và thực nghiệp” đối với nguồn nhân lực; SV chịu nhiều áp lực học tập, số môn học tự chọn không nhiều, còn nhiều áp đặt từ phía người dạy nên việc tự do phát huy sở trường, tự do sáng tạo, phản biện còn rất yếu. Nhà trường đã kêu gọi đổi mới phương pháp dạy học, đội ngũ GV đã tiến hành nhưng chất lượng và hiệu quả thực sự của đổi mới phương pháp chưa được đánh giá cụ thể, chưa có sự chuyển biến về chất trong giờ học, SV vẫn thụ động, bị áp đặt. Trong bài giảng của thầy đều có phần định hướng, tổ chức tự học cho SV những nhiều khi được thực hiện một cách sơ sài, chiếu lệ.

Tự học của SV được đặt ra như một nhu cầu bức thiết để đổi mới PPDH, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Việc đổi mới PPDH cần cụ thể và thực chất với việc tự học của sinh viên. Nếu đổi mới PPDH chỉ thiên về người dạy với những sơ đồ giáo án, hình thức, nội dung bài giảng, hoặc có quan tâm đên người học với những hình thức giáo điều như: giáo án điện tử, học trò làm trung tâm,… mà không đổi mới tận gốc, tận chính bản thân việc dạy và học hiện thời, tại môi trường, đối tượng, bài học cụ thể,.. thì khó có thể gây ra sự “đột phá” nào trong giảng dạy và học tập ở nhà trường. Làm sao đề có cuộc “cách mạng” thực sự trong học tập, nếu như người học không tự giác, tự học và người dạy không dạy (hoặc không muốn, không biết) tự học!

Nghiên cứu tâm lý học sư phạm kết hợp với kinh nghiệm học tập cho thấy, người học tự giác học tập và học có hiệu quả khi tự bản thân thấy hứng thú tìm tòi, học hỏi và họ có khả năng vượt qua những khó khăn trở ngại để tự học thành công. PPDH nên quan tâm đến hứng thú học tập, hứng thú bài học của SV, giảng viên (GV) nên khơi gợi hứng thú của SV và duy trì sự hứng thú đó trong suốt thời gian học tập. GV phát hiện, khơi gợi và duy trì sự hứng thú của SV, định hướng hoạt động học của SV theo một quy trình học tập lấy tự học, tự nghiên cứu làm căn bản, hướng dẫn SV: cách lập kế hoạch học tập, cách nghe giảng và ghi bài, cách học bài, cách đọc tài liệu, cách viết thu hoạch,…

Tự học, có lẽ bắt đầu từ việc cá nhân SV xem, nhìn, nghe, đọc được những vấn đề quan tâm. Đọc sách được coi là khâu quan trọng đầu tiên để SV tiếp thu tri thức và phát triển phương pháp tự học hiệu quả. Đọc sách dễ mà khó đối với hầu hết SV khi mới làm quen môi trường lấy tự nghiên cứu làm chính ở đại học. Dễ vì chỉ cần biết đọc là có thể đọc được sách (có thể đọc mà không hiểu), đọc để đối phó, trả bài theo yêu cầu tái hiện tri thức, nhưng sẽ trở nên khó khăn khi yêu cầu đọc để hiểu sâu, tự nghiên cứu, tự phát hiện và giải quyết vấn đề, phản biện vấn đề. Ở loại thứ hai, rất cần sự hỗ trợ của người hướng dẫn. Người hướng dẫn đọc cần tường minh hóa các yêu cầu đọc, cụ thể đến các luận điểm, sơ đồ, cấu trúc phát triển ý tưởng của chương, phần, mục,… trong sách.

Có rất nhiều cách đọc cũng như có rất nhiều kiểu độc giả, và mỗi cách đọc mang lại hiệu quả nhất định cho từng đối tượng cũng như “không có quyển sách nào hay, không có quyển sách nào dở đối với người thông minh”, nên rất cần đến kinh nghiệm đọc, cần đến tư duy phản biện thường trực trong người đọc. Đọc như vậy là rèn luyện tư duy phê phán, rèn trí sáng tạo, là “phương pháp đọc có cân nhắc”. Điều này rất có lý khi nhà trường đang ngày càng dân chủ, tự do hơn trong học thuật, GV chấp nhận và khuyến khích tư duy trái chiều, phản biện tích cực của SV, để SV được tự do cân nhắc, chọn lựa môn học, thầy học. Yêu cầu với người đọc có cân nhắc là: trung thực với bản thân, tập trung cao độ, tinh thần vượt khó, phản biện, phán đoán có cơ sở, tư duy tổng hợp, tư duy độc lập.

Cái đích việc học của SV không còn là ghi nhớ, làm theo nữa mà cần tiến lên nấc cao hơn là sáng tạo tri thức. Việc đọc tài liệu rất quan trọng nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhớ, tiếp thu thì chất lượng học tập còn thấp. Đổi mới phương pháp dạy học đại học nhằm nâng cao ý thức tự học của SV cần thiết thực và cụ thể từ các yếu tố: Mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học; thiếu một khâu hay thực hiện không đồng bộ, dứt khoát thì khó có thể tiến hành đổi mới phương pháp được.


Đỗ Tiến Sỹ (GD&TĐ)

FullName Email
Address Security code TDDFMT
Content