Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 Search

Thúc đẩy chuyển đổi số và tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại: bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước và tương lai của các doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 28/12/2021, Khoa KT&KDQT đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại: lý luận và thực tiễn”. Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp ĐHQGHN“Tạo thuận lợi thương mại số ở Việt Nam” do TS Vũ Thanh Hương chủ trì.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại: Lý luận và thực tiễn” đề cập đến các vấn đề về lý luận tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại, chuyển đổi số cũng như thực tiễn triển khai các biện pháp tạo thuận lợi số trong thương mại tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia nhiều giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số và thương mại quốc tế, các nhà quản lý và các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu.
 
 Chủ toạ, các diễn giả và chuyên gia trong buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu- Phó hiệu trưởng-Trường ĐHKT đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tạo thuận lợi thương mại trong việc đơn giản hóa và hài hoà hoá các thủ tục phức tạp liên quan đến thương mại quốc tế, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế và gia tăng lợi ích mà thương mại quốc tế mang lại cho các quốc gia, cho doanh nghiệp và người dân. PGS.TS. Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế- Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, đồng thời là chủ toạ của hội thảo khoa học cũng cho rằng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dưới sức ép của đại dịch Covid-19, việc áp dụng công nghệ số để thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung và thương mại nói riêng dần trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
 
 PGS.TS. Nguyễn Anh Thu- Phó hiệu trưởng-Trường ĐHKT phát biểu khai mạc
 PGS.TS. Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế- Trường ĐHKT- Chủ toạ hội thảo
Bài tham luận đầu tiên về "Các vấn đề lý luận về tạo thuận lợi số cho thương mại" được trình bày bởi TS. Vũ Thanh Hương - Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Trong bài trình bày, TS. Vũ Thanh Hương đã làm rõ khái niệm tạo thuận lợi thương mại và tạo thuận lợi số thương mại, các biện pháp được sử dụng nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi số thương mại theo UN ESCAP (10 biện pháp Giao dịch không giấy tờ và 6 biện pháp Giao dịch không giấy tờ xuyên biên giới) và OECD (97 biện pháp và 16 nhóm). Từ đó, TS. Vũ Thanh Hương đã đề xuất khung đánh giá về tạo thuận lợi thương mại số theo 3 nhóm hoạt động tạo thuận lợi số gồm Business to Agency (B2A), Agency to Agency (A2A) và Government to Government (G2G). Phần trình bày của TS. Vũ Thanh Hương được các chuyên gia và doanh nghiệp tham dự hội thảo đánh giá là đã làm rõ được các vấn đề lý luận cơ bản và quan trọng xoay quanh vấn đề về tạo thuận lợi số cho thương mại.
 
 TS. Vũ Thanh Hương trình bày bài tham luận 
Bài tham luận thứ hai được trình bày bởi GS. Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Chuyển đổi số, kinh tế số và hoạt động thương mại”. Theo giáo sư, Chuyển đổi số là thay đổi cách sống và hoạt động bằng các công nghệ mới chứ không chỉ là việc dùng các công nghệ này. Ông đã đưa ra câu trả lời rất rõ ràng cho câu hỏi “Tại sao cần chuyển đổi số?” thông qua phân tích bản chất của chuyển đổi số mối quan hệ giữa môi trường thực-số. Giáo sư Hồ Tú Bảo cũng đề cập đến vai trò của Chương trình chuyển đổi số quốc gia (749/QĐ-TTg) với việc Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và cách đo lường kinh tế số. Để chuyển đổi số được triển khai nhanh chóng và thu được kết quả tốt, Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng chiến lược và lộ trình, kế hoạch và thực hiện. Giáo sư cũng đưa ra những phân tích về áp dụng phân tích dữ liệu (AI và khoa học dữ liệu) trong việc Phân tích kinh doanh; với ba mức phân tích dữ liệu (mô tả, dự đoán và khuyến cáo) và sáu bài toán kinh doanh (tài chính, sản xuất, thị trường, khách hàng, bán hàng và nhân sự). Ở cuối bài trình bày của mình, GS. Hồ Tú Bảo kết luận Chuyển đổi số thương mại đòi hỏi làm thương mại theo cách mới với các cơ hội số và tinh thần đổi mới sáng tạo, và hiểu bản chất của những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số là điều kiện cần để làm chuyển đổi số.
 
 GS. Hồ Tú Bảo trình bày bài tham luận
Bài Tham luận số 3 về "Cơ chế một cửa quốc gia và chuyển đổi số nhằm tạo thuận lợi thương mại qua biên giới ở Việt Nam" do Ông Hoàng Huy Hoàng (Trưởng phòng Quản lý vận hành Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan) trình bày. Ông đã đưa ra những phân tích về Thương mại xuyên biên giới và thực hiện chuyển đổi số trong thủ tục hải quan bao gồm Chuyển đổi về quy trình thủ tục, Số hóa trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử, Thanh toán điện tử (e-Payment), Chuyển đổi hạ tầng CNTT và Áp dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, ông Hoàng Huy Hoàng cũng đưa thông tin chi tiết về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) bao gồm khái niệm, quá trình hình thành và phát triển, mô hình và các bên tham gia và kết quả triển khai. Từ đó, ông đưa ra những đề xuất nhằm thúc đẩy việc thực hiện tạo thuận lợi thương mại cho hai nhóm đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ về những kế hoạch trong tương lai của Việt Nam nhằm đẩy mạnh tạo thuận lợi số thương mại như chiến lược hải quan số, đẩy mạnh vai trò của Cơ chế một cửa quốc gia và quốc tế; cũng như thúc đẩy việc thực hiện C/O điện tử, tờ khai hải quan và kiểm dịch E-SPS,…
 
 Ông Hoàng Huy Hoàng trình bày bài tham luận
Hội thảo đã nhận được sự tham gia tích cực từ các chuyên gia, các doanh nghiệp, sinh viên và giảng viên thuộc Trường đại học kinh tế, với nhiều câu hỏi thú vị và những phản hồi tích cực về các tham luận được trình bày. Đặc biệt, các chuyên gia, các đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện doanh nghiệp đánh giá rất cao các bài tham luận, đồng thời đưa ra những góp ý quan trọng giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn khung phân tích đề tài “Tạo thuận lợi thương mại số ở Việt Nam” do TS Vũ Thanh Hương chủ trì. Những khó khăn, thách thức trong việc tạo thuận lợi số thương mại của Việt Nam nhìn từ góc độ của chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý cũng được Bà Võ Thị Thuý Hằng (Trường Đại học Thương mại), Ông Lê Thanh Hải (Công ty Logistics Goldtrans) và Bà Nguyễn Thị Xuân Mai (Hải quan Hà Nội) thảo luận chi tiết, xoay quanh sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thực thi tạo thuận lợi số trong thương mại. Cụ thể, bà Võ Thị Thuý Hằng đề xuất nhóm biện pháp về phối hợp giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước (quản lý theo loại hình doanh nghiệp, các biện pháp quản lý đa nền tảng..) và các nhóm biện pháp giữa các cơ quan quản lý nhà nước qua việc đánh giá niềm tin của người tiêu dùng về TMĐT và xây dựng các phần mềm kiểm soát các hoạt động TMĐT. Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Lê Thanh Hải cho rằng nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh việc đồng bộ hoá thông tin trên các thông tin ASW, NSW và các trang website chính phủ, bởi lẽ thông tin về hải quan ở Việt Nam còn khá rời rạc; điều nay khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian để tự nghiên cứu. Với vai trò đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Xuân Ma cho rằng cần phải đẩy mạnh sự kết nối của các bộ ban ngành trong việc thực hiện tạo thuận lợi số về tất cả các khía cạnh từ quy trình đến cách thức kiểm tra thực hiện, bởi vì chính sự rời rạc, chưa thống nhất và thiếu tính xuyên suốt này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hiệu quả của việc chuyển đổi số và tạo thuận lợi số. Đối với các bạn sinh viên tham dự hội thảo, chương trình là sự kiện học thuật vô cùng có giá trị, nơi sinh viên có thể được lắng nghe những phân tích chuyên sâu từ các diễn giả và các chuyên gia xoay quanh vấn đề chuyển đổi số, từ đó giúp các bạn sinh viên bồi đắp và xây dựng nền tảng kiến thức chuyên ngành cần thiết.
 
Bà Võ Thị Thuý Hằng - Trường Đại học Thương mại
Ông Lê Thanh Hải - Công ty Logistics Goldtrans
 Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Hải quan Hà Nội
Các khách mời và người tham dự hội thảo 
Thông tin diễn giả:
- GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh
- TS. Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
- Ông Hoàng Huy Hoàng, Trưởng phòng Quản lý vận hành Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN, Cục CNTT và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan [TDK1]Thay đổi tên cho hấp dẫn hơn.Có thể nghĩ đến một thông diệp nào đó của


FullName Email
Address Security code WAXEOM
Content

Other News
<12>